Hơn 30 năm trước, những chiếc cống quay với nhiệm vụ giúp vỏ lãi, ghe tàu… di chuyển qua các con đập nhiều đến nổi đếm không kể xiết. Hình ảnh trên đã trở thành một phần ký ức không thể quên đối với nhiều người con sinh ra và lớn lên tại vùng sông nước miền Tây.
Những năm gần đây, hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh nên số lượng phương tiện giao thông đường thủy và những chiếc cống quay cũng ít đi. Tuy nhiên, tại vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu vẫn có những người tâm huyết quyết giữ nghề để phục vụ việc đi lại của người dân.
Ông Trần Minh Hữu (ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết cống quay được thiết kế hệ thống bánh nhong, hộp số gắn với dây kéo và bàn kéo chạy trên trục đường ray, máy dầu…
"Khi vỏ lãi đã vào bàn kéo, tôi quay máy dầu khởi động hệ thống để chúng kéo phương tiện từ bên này sang bên kia đập. Tùy vào trọng lượng của ghe tàu mà tôi lấy tiền từ 5.000 đồng đến vài chục ngàn đồng/lượt" – ông Hữu nói.
Tương tự, ông Lê Văn Hoàng (ngụ huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) cho hay đã gắn bó với nghề làm cống quay được hơn 30 năm. Khi các cống đóng lại để ngăn mặn, bảo vệ diện tích lúa bên trong vùng ngọt hóa là thời điểm ông và các bạn nghề bội thu.
"Trung bình, mỗi ngày tôi thu về khoảng 200.000 đồng từ công việc này. Sau thời gian dài gắn bó, tôi đã yêu nghề nên không thể nghỉ được vì công việc ngoài mang lại nguồn thu nhập thì nó còn phục vụ cho bà con" – ông Hoàng tâm sự.
Dưới đây là hình ảnh vỏ lãi "bay" qua các con đập ở vùng sông nước miền Tây:
Bình luận (0)