Không biết tự bao giờ để nói về nguồn gốc, xuất xứ của Cổ Nhơn. Chỉ biết được đây là thú vui từ rất lâu đời, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và trở thành một "món ăn" ngày Tết cổ truyền đặc sắc, hấp dẫn, khó có thể thiếu của người dân Hoài Nhơn.
Trò chơi dân gian này chỉ xuất hiện trong dịp Tết ở thị trấn Bồng Sơn và một số xã lân cận như Hoài Đức, Hoài Tân, Hoài Thanh… thuộc huyện Hoài Nhơn.
Trò chơi thường bắt đầu vào ngày cuối cùng của năm cũ (29, 30, hay 31 tháng Chạp) và kết thúc vào ngày mồng 4, 5 hoặc 6 tháng Giêng của năm mới.
Riêng năm nay, UBND thị xã Hoài Nhơn quyết định tổ chức trò chơi dân gian Cổ Nhơn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 thành một điểm nhấn về văn hóa và du lịch. "Hội Xổ Cổ Nhơn Thị xã Hoài Nhơn – Xuân Giáp Thìn năm 2024" được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao thị xã Hoài Nhơn với sân khấu, âm thanh, ánh sáng, cờ hội, cờ đào và cây nêu mang đậm chất lễ hội Tết cổ truyền. Hội Xổ Cổ Nhơn kéo dài từ ngày 10 đến hết 18-2-2024 (từ mùng 1 Tết đến hết ngày mùng 9 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Trò chơi Cổ Nhơn có một phần tương tự như thú chơi thả thơ của các bậc tao nhân mặc khách xưa. Cổ Nhơn luận từ câu thơ để tìm ra con vật mà người ra đề muốn nói.
Trò chơi bắt đầu khi Hội phát hành câu đố (thường gọi là câu thai). Thông thường, mỗi câu thai gồm 4 câu thơ theo thể lục bát, song thất lục bát hoặc thất ngôn tứ tuyệt. Nội dung phản ánh trong câu thai thường rất rộng nên người soạn câu thai phải thông sử sách, giỏi chữ nghĩa và am hiểu phong tục tập quán ở địa phương. Người chơi cũng phải giỏi suy luận, nhạy bén để bàn thai.
Trò chơi này có một ban tổ chức, gọi là Hội xổ Cổ Nhơn. Hội này chịu trách nhiệm ra đề, thu tiền (tịch) và sẽ chung tiền cho những người giải đáp chính xác. Người chơi Cổ Nhơn muốn mua bao nhiêu con, bao nhiêu tiền cũng được. Mua 1, nếu trúng sẽ nhận được gấp 30 lần.
Tịch của trò chơi này gồm có 36 con vật, dùng để ghi số tiền mà người chơi mua. 36 con trong bảng Cổ Nhơn được chia thành 9 nhóm: Tứ trạng nguyên: cá trắng, ốc, ngỗng, công; Ngũ hổ tướng: trùn, cọp, heo, thỏ, trâu; Thất sinh lý: rồng bay, chó, ngựa, voi, mèo, chuột, ong; Nhị đạo sĩ: hạt, kỳ lân; Tứ mỹ nữ: bướm, hòn đá, én, cu; Tứ hảo mạng: khỉ, ếch, quạ, rồng nằm; Tứ hòa thượng: rùa, gà, lươn, cá đỏ; Ngũ khất thực: tôm, rắn, nhện, nai, dê; Nhất ni cô: con yêu.
Hội đồng Cổ Nhơn sẽ chọn một con vật làm kết quả cho buổi chơi. Buổi sáng đề xổ vào khoảng 12 giờ 30 phút đến 14 giờ, còn buổi chiều vào khoảng 18 giờ 30 phút đến 20 giờ.
Người chơi Cổ Nhơn không phân biệt tầng lớp, tuổi tác hay trình độ học vấn. Từ cậu bé đến thanh niên, trung niên hay lão niên, phụ nữ hay nam giới đều hào hứng với các câu thai, hăng say suy đoán đáp án.
Đáp án được bỏ trong một chiếc hộp và treo trên cây nêu. Đến giờ xổ, người đại diện sẽ hạ chiếc hộp xuống và mở ra trước mắt người xem, kèm lời giải thích trực tiếp về con vật ẩn chứa trong câu thai. Sau đó, đáp án sẽ được treo lại trên cây nêu để người người đi ngang có thể ghé lại xem.
Trước giờ công bố kết quả, mọi người lắng nghe, tranh luận và ghi nhận ý kiến lẫn nhau.
Chưa chắc người luận hay đã thắng, cũng chưa hẳn người chọn bừa sẽ thua. Vì đã là thơ thì luận kiểu nào cũng có lý, cũng đúng nhưng để trùng với lựa chọn của hội thì không hề đơn giản. Chính điều này làm nên sức hấp dẫn của trò chơi dân gian được lưu truyền qua bao thế hệ.
Để phù hợp với xu thế của thời đại, trò chơi Cổ Nhơn hiện nay được công bố đề trên mạng xã hội, người chơi có thể tham gia chơi và giao dịch online thuận tiện, nhanh chóng. Từ đó, những người con xa xứ cũng tham gia được để vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.
Tại Bình Định, ngoài Hoài Nhơn, ở thị xã An Nhơn cũng có Cổ Nhơn, tuy nhiên về sức thu hút, sự hưởng ứng và không khí vui chơi thì Hoài Nhơn vẫn đặc biệt hơn cả.
Bình luận (0)