Cứ đúng 8 giờ sáng hằng ngày, công ty VAPs (Vietnam's Autism Projects) - trong một căn nhà nhỏ 3 tầng, cung cấp đầy đủ dịch vụ của một nhà hàng, thư viện và siêu thị mang tên Hạnh Phúc, tại đường Mai Anh Tuấn, quận Ba Đình, Hà Nội.
Nơi đây bắt đầu ngày mới bằng việc chào đón những vị khách đã có lịch hẹn trước đó tới trải nghiệm chuỗi dịch vụ. Mỗi dịch vụ sẽ có một nhóm nhân viên riêng biệt phụ trách và đặc biệt, nhân viên đều là những bạn trẻ mắc chứng tự kỷ. Tuy có nhiều khó khăn trong công việc, sự chuyên nghiệp và chu đáo, tỉ mỉ của các bạn đã tạo được thiện cảm lớn đối với khách hàng đến đây.
Lần đầu trải nghiệm tại nhà hàng Hạnh Phúc do những nhân viên đặc biệt phục vụ, chị Ngọc Linh (ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) bất ngờ trước sự chuyên nghiệp. “Từ cửa vào thì các bạn nhân viên rất là chuẩn chỉnh, chào khách và giới thiệu quán, sau đó đưa thực đơn đồ uống và thực đơn đơn đồ ăn riêng” - chị Linh nói.
Nhân viên của VAPs được anh Trung tổ chức hướng dẫn, đào tạo làm những công việc như: Dọn dẹp, kiểm kê hàng hóa, làm bánh pizza… Những công việc này đối với nhiều người không quá phức tạp nhưng với người tự kỷ lại là cả một quá trình dài nỗ lực.
Các nhân viên đặc biệt tại nhà hàng được anh Trung (ảnh đầu tiên, áo xám) đào tạo kỹ lưỡng để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và giúp các bạn nhân viên khẳng định bản thân trong xã hội.
Nguyễn Quang Anh, một nhân viên gắn bó tại nhà hàng Hạnh Phúc được ba năm, cho biết bản thân rất hạnh phúc khi được lao động như một người bình thường. Tại đây, anh được học cách bảo quản, vận hành nhà hàng, siêu thị. "Trong thời gian làm việc tại nhà hàng, tôi học được cách giao tiếp tốt hơn, điều đó giúp tôi bảo vệ được bản thân khi ra đường một mình. Đặc biệt, tôi nhận được rất nhiều sự yêu thương, giúp đỡ của đồng nghiệp và công ty, tôi thấy yêu đời hơn, sống có ích hơn, không bị trêu chọc và chê bai nữa" - chàng trai sinh năm 2003 bộc bạch.
"Mô hình kinh tế này không chỉ giúp người tự kỷ có thu nhập mà còn giúp họ hòa nhập cộng đồng, tự tin hơn vào bản thân. Chúng tôi luôn đặt tiêu chí "đi chậm nhưng đi chắc", từng bước tạo dựng nền tảng vững chắc cho dự án và cho tương lai của các bạn tự kỷ”, anh Nguyễn Đức Trùng chia sẻ.
Theo anh Trung, kiến thức về tự kỷ ở Việt Nam còn hạn chế, nhiều người chưa hiểu và có định kiến đối với người tự kỷ. Ngoài ra, việc huy động vốn và tìm kiếm nguồn lực cũng là một thách thức lớn.
Tuy nhiên, với lòng nhiệt huyết và sự quyết tâm cao độ, anh Trung đã vượt qua mọi khó khăn và gặt hái được những thành công bước đầu. "Hiện tại, VAPs đã tạo việc làm cho hơn 10 người tự kỷ. Các bạn được đào tạo bài bản và có cơ hội phát huy năng lực của bản thân. Nhiều khách hàng đến với VAPs cũng cảm thấy rất ấn tượng và xúc động khi được phục vụ bởi những người tự kỷ" - anh Trung nói.
Công ty VAPs là một dự án mô hình kinh tế đầu tiên tại Việt Nam dành cho người tự kỷ được thành lập vào năm 2019, nhưng phải mất tới 8 năm để triển khai và duy trì phát triển dự án. Từ khi hoạt động đến nay, VAPs đã đón tiếp hơn 9.000 khách hàng. Theo anh Trung, kinh phí hoạt động và lương trả cho nhân viên được tính theo sản phẩm. Là người sáng lập và phát triển VAPs, anh Trung mong muốn mô hình kinh tế dành cho người tự kỷ trong tương lai sẽ ngày càng mở rộng, phát triển, lan tỏa để nhiều người biết đến và có cái nhìn tích cực hơn về người tự kỷ.
Bình luận (0)