Phát hiện bị tự kỷ thể tăng động giảm chú ý lúc 3 tuổi, bé T.V.N được gia đình đưa đến nhiều cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị, trong đó có hơn 3 năm châm cứu kết hợp giáo dục đặc biệt tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Đến nay, bé N. đã 7 tuổi. Dù phát âm chưa thể rõ ràng như trẻ bình thường nhưng tại buổi học với giáo viên, N. có sự tương tác rất tốt và đọc được những câu thơ ngắn.
Tiến bộ sau vài liệu trình
Chị T.H.G, mẹ của bé N., cho biết với nhiều trẻ bình thường, ở tuổi 3-4, các bé có thể đọc vanh vách những đoạn thơ ngắn một cách dễ dàng. Tuy nhiên, với trẻ bị rối loạn tự kỷ như N. thì đây là cả một sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều với sự hỗ trợ từ các y - bác sĩ và những thầy cô đặc biệt.
Theo chị G., sau thời gian điều trị và học tập tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, hiện N. có nhiều chuyển biến tích cực và có thể đến trường sau một thời gian ngắn nữa. "Hiện khả năng ngôn ngữ và giao tiếp của con đã được 6/10 so với một trẻ bình thường" - chị G. phấn khởi.
Điều trị cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương
Nhập viện từ tháng 2 vừa qua, đến nay, bé H.D.M (4 tuổi, ở Hà Nam) đã điều trị được với 3 liệu trình, mỗi liệu trình 3 tuần, bé đã nói được từ đôi và một số câu đơn giản. Mẹ bệnh nhi cho rằng đây là sự thay đổi kỳ diệu bởi khi vào viện, M. không biết nói từ nào, cũng không chịu giao tiếp với ai. Đến nay, khi bác sĩ giơ tay lên, M. đã mỉm cười và đưa bàn tay áp vào tay bác sĩ.
Tại phòng điều trị, một nhân viên y tế đang massage vùng đầu cho một bệnh nhi trước khi bác sĩ châm cứu. Dưới bàn tay mềm dẻo và những lời động viên nhẹ nhàng của y - bác sĩ, bệnh nhi đã nằm yên, hợp tác để bác sĩ châm cứu.
Trong khi đó, tại buồng bệnh khác, một nữ điều dưỡng đang kiên nhẫn hướng dẫn bệnh nhi chơi trò xếp hình trước khi dạy bé kỹ năng giao tiếp.
Kết hợp nhiều phương pháp
PGS-TS Trần Văn Thanh - Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu thế giới - cho biết phương pháp điều trị trẻ tự kỷ bằng châm cứu được thực hiện ở bệnh viện hơn 10 năm trước và hiệu quả đã được chứng minh. Mỗi năm, bệnh viện điều trị cho trên 1.500 lượt trẻ bị hội chứng tự kỷ. "Khi đến đây, hầu như trẻ đều trong tình trạng không biết nói, khó khăn hoặc không thể giao tiếp, tăng động giảm chú ý, rối loạn hành vi… Tuy nhiên, sau các liệu trình điều trị, trẻ đã biết nói, biết giao tiếp, nhận thức phát triển hơn và nhiều trẻ tiến triển bất ngờ" - PGS Thanh thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, phụ trách Khoa Điều trị và chăm sóc trẻ tự kỷ Bệnh viện Châm cứu Trung ương, tại đây đang điều trị cho hơn 80 bệnh nhi. Trong đó, gần 30 cháu điều trị ngoại trú, còn lại là điều trị nội trú. Những năm gần đây, số trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng nhiều - trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 4-5 cháu đến khám và điều trị. Bệnh nhi có độ tuổi từ 12 tháng đến dưới 16 tuổi, ở khắp các vùng miền.
Bác sĩ Dũng cho biết tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, việc áp dụng trị liệu âm ngữ bằng châm cứu, kết hợp điện châm, thủy châm, xoa bóp và giáo dục đặc biệt được thiết kế với từng trường hợp cụ thể. Với các buổi học đặc biệt, hướng dẫn cho trẻ là những điều dưỡng được đào tạo về chuyên môn tâm lý, chuyên môn sư phạm của Trường Đại học Sư phạm hoặc Trường Đại học Y Hà Nội.
Từ thực tế nhiều năm điều trị tự kỷ cho trẻ bằng châm cứu, bác sĩ Dũng khẳng định phương pháp này đã chứng minh có hiệu quả với trẻ tự kỷ. Sau thời gian điều trị, trẻ đã có sự tương tác xã hội tốt. "Đặc biệt, với trẻ tự kỷ có rối loạn hành vi như chạy vòng tròn, đi kiễng chân và có thói quen chỉ ăn một vài món, ngủ một giường và thích mặc một số quần áo nhất định thì sau điều trị đã đa dạng hơn về sở thích và có thể giao tiếp tốt hơn" - bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ Dũng, trẻ tự kỷ là do có khiếm khuyết ở não bộ nên phải điều trị ở não trước. Thông qua việc tác động vào các huyệt vị bằng phương pháp châm cứu, điện châm, thủy châm sẽ giúp khai khiếu, tỉnh thần (nói được và tập trung để giao tiếp), đồng thời kết hợp với can thiệp ngôn ngữ, dạy kỹ năng giao tiếp, chấn chỉnh hành vi. "Hội chứng tự kỷ cần điều trị lâu dài và mục đích của chúng tôi là điều trị để các cháu được trở về với cộng đồng, đi học và có thể học được nghề" - bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Các chuyên viên can thiệp cho biết việc hướng dẫn cho trẻ tự kỷ đòi hỏi sự nhẫn nại, vì mỗi cháu một tính, nhiều cháu tăng động, hay cáu giận, đập phá, không biết nói, thậm chí không thể làm chủ được vệ sinh cá nhân. "Có trẻ đã 5 tuổi nhưng nhận thức chỉ như trẻ 1 tuổi. Vì thế, để dạy các con nhận biết một màu hay một đồ vật, một từ có khi mất vài tháng" - một điều dưỡng viên chia sẻ. Theo các bác sĩ, ngày càng có nhiều nước trên thế giới sử dụng châm cứu để điều trị cho trẻ mắc hội chứng tự kỷ. Một nghiên cứu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương cho thấy bệnh nhi đến càng sớm thì kết quả điều trị khỏi bệnh càng cao. Kết quả điều trị tốt nhất là từ 1 - 3 tuổi, vì đây là thời gian vàng trong điều trị. Đối với trẻ trên 6 tuổi, tỉ lệ hòa nhập, đi học đạt rất thấp. Do vậy, cha mẹ cần chú ý theo dõi, sớm phát hiện các biểu hiện tự kỷ ở trẻ để có thể can thiệp kịp thời.
BHYT chi trả một phần
Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng cho biết các bệnh nhi điều trị tự kỷ bằng phương pháp châm cứu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương được BHYT chi trả một phần chi phí. Do đó, mỗi đợt điều trị, gia đình vẫn phải trả khoảng hơn 1 triệu đồng viện phí.
"Đa phần gia đình các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn nên bệnh viện kêu gọi hỗ trợ các suất ăn cho bệnh nhi" - bác sĩ Dũng nói thêm.
Bình luận (0)