Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định 1619/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự kiến, sáng 23-12, Bình Định sẽ tổ chức buổi lễ công bố quyết định này.
Nằm trong nhóm dẫn đầu vùng
Theo quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, Bình Định sẽ trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị hóa…
Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 tỉnh đạt từ 8,5% trở lên. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 là 204 - 213 triệu đồng/người; tổng thu ngân sách đến năm 2030 đạt 30 - 35 ngàn tỷ đồng/năm; tổng lượt khách du lịch đạt 12 triệu khách/năm (2030); vốn đầu tư huy động giai đoạn 2021 - 2030 đạt 800 - 850 ngàn tỷ đồng; kinh tế số chiếm 30% GRDP tỉnh…
5 trụ cột phát triển tỉnh Bình Định, gồm: Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao; phát triển du lịch Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành, lĩnh vực khác; phát triển nông, lâm, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng; phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển – logistics, khai thác tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển và thu hút đầu tư lĩnh vực này; phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tỉnh.
3 đột phá phát triển, gồm: Xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại nhất là hạ tầng giao thông; chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cảnh thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển…
Đến năm 2050, Bình Định phát triển thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước…
Cấu trúc không gian đô thị phát triển tỉnh theo mô hình, 2 vùng – 3 cực phát triển – 3 hành lang kinh tế. Trong đó, 2 phân vùng Bắc và Nam, 3 cực phát triển, gồm: TP Quy Nhơn và phụ cận; thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ Bắc; huyện Tây Sơn là cực phía Tây. 3 hành lang kinh tế, gồm: kinh tế Bắc – Nam; kinh tế biển và Đông – Tây.
Về phát triển đô thị, đến năm 2030 toàn tỉnh có 21 đô thị, với 3 thành phố gồm: Quy Nhơn, An Nhơn, Hoài Nhơn. Phát triển thị xã Tây Sơn thành cửa ngõ giao thương phía Tây tỉnh…
Đến năm 2030, tỉnh phát triển 15 khu công nghiệp (6.714ha), 68 cụm công nghiệp (3.470ha). Đặc biệt, Trung tâm hành chính mới của tỉnh chuyển ra Khu kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở chuyển đổi đất công nghiệp sang đô thị, dịch vụ.
Phát triển đô thị khoa học
Về giao thông, tỉnh Bình Định tập trung ưu tiên tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku; nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp, xây dựng mới 2 ga hàng hóa đường sắt tại khu vực xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) để phục vụ vận chuyển hàng hóa cảng Quy Nhơn, Khu kinh tế Nhơn Hội và các trung tâm logistics... Nghiên cứu chuyển ga Quy Nhơn thành ga hành khách đô thị; bổ sung các tuyến đường sắt đô thị kết nối với ga Quy Nhơn, và phát triển đô thị gắn kết ga Quy Nhơn theo mô hình TOD.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp sân bay Phù Cát và phát triển thành cảng hàng không cấp 4E công suất 5 triệu khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm, chuyển thành cảng hàng không quốc tế khi đủ điều kiện; đến năm 2050 phát triển cảng hàng không cấp 4E, công suất 7 triệu khách/năm, 27.000 tấn hàng hóa/năm.
Nâng cấp, mở rộng, xây mới các bến cảng thuộc khu bến Quy Nhơn – Thị Nại – Đống Đa; khu bến Nhơn Hội và các bến phao Quy Nhơn. Phía Bắc phát triển 2 khu bến tại Mỹ An, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ) và thị xã Hoài Nhơn.
Về cơ sở y tế, tỉnh tiếp tục nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phong và Da liễu Quy Hòa, định hướng trở thành bệnh viện đa khoa tuyến cuối ở khu vực Nam Trung bộ. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định được nâng cấp thành bệnh viện đa khoa đảm nhận chức năng bệnh viện cấp vùng…
Về phát triển giáo dục hệ đại học, bên cạnh các trường đại học, phân hiệu đại học được nâng cấp trở thành những trường chất lượng cao, tỉnh chú trọng đầu tư hạ tầng phục vụ đào tạo và mở rộng đào tạo nhân lực trong các mũi nhọn ở lĩnh vực STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán) và AI…
Phát triển tỉnh trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn các doanh nghiệp khoa học - công nghệ, các nhà khoa học trong nước và quốc tế, trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng. Tiếp tục xây dựng, phát triển và phát huy hiệu quả khu đô thị khoa học Quy Hòa. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) cho các ngành kinh tế trụ cột, gắn với các lợi ích phát triển khác tỉnh...
Hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên, các viện nghiên cứu vật lý và thiên văn học theo Chiến lược phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ vũ trụ.
Trong phương án phát triển hạ tầng khoa học - công nghệ, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp các thiết chế khoa học, công nghệ đã và đang hoạt động hiệu quả tại tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai để hoàn thành đề án phát triển khu đô thị khoa học Quy Hòa; hình thành các vườn ươm hỗ trợ đổi mới sáng tạo; nâng cấp Trung tâm đổi mới sáng tạo tỉnh thành Trung tâm đổi mới sáng tạo cấp vùng, nhằm đáp ứng nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Tiếp tục hỗ trợ, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo của tỉnh và vùng Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên.
Ngoài ra, tỉnh sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động dự án Trung tâm trí tuệ nhân tạo, đô thị phụ trợ; hình thành viện nghiên cứu vật lý, thiên văn học và trung tâm nghiên cứu độc học môi trường nhằm nghiên cứu phục vụ cho hoạt động cảnh báo sớm thiên tai, bảo vệ môi trường…
Bình Định sẽ phát triển Vườn Quốc gia An Toàn (22.682ha), khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại (trên 5.000ha), khu bảo tồn biển vịnh Quy Nhơn (36.357ha) các khu bảo vệ cảnh quan Quy Hòa – Ghềnh Ráng; Núi Bà; vườn Cam Nguyễn Huệ…
Bình Định sẽ cất cánh
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, cho biết đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, định hình và tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh trong tương lai. "Tôi đã chỉ đạo UBND tỉnh Bình Định phải có giải pháp thiết thực, cụ thể hóa quy hoạch thành nhiệm vụ của từng địa phương. Từng huyện, thị xã đều có trong quy hoạch, nếu làm đúng thì tương lai Bình Định sẽ cất cánh. Phải xác định việc thực hiện quy hoạch là ưu tiên hàng đầu số một", ông Dũng nhấn mạnh.
Bình luận (0)