Bình Định là một địa phương có bãi biển tuyệt đẹp với nhiều danh thắng thiên nhiên trời ban như biển, vịnh, đầm, cù lao… Bình Định còn được mệnh danh là vùng đất địa linh nhân kiệt, đất võ trời văn với nhiều di tích, danh thắng đẹp tuyệt vời mà nhiều người chưa biết đến.
Đầy tiềm năng
Là một người con sinh ra từ vùng đất Bình Định, luôn theo dõi từng bước chuyển mình của địa phương này, chuyên gia kinh tế - TS Trần Du Lịch cho biết Bình Định là 1 trong 5 tỉnh trọng điểm của miền Trung từ Thừa Thiên - Huế trở vào. Bình Định có vị trí địa lý - kinh tế đặc biệt với lịch sử hình thành lâu đời. Tuy nhiên, khi nói đến Bình Định, người ta thường chỉ biết đến cảng Quy Nhơn là 1 trong 3 cảng có công suất khai thác đứng thứ ba, sau TP HCM và Hải Phòng, chưa biết nhiều về lợi thế rất lớn để phát triển du lịch của tỉnh.
Trước hết, xét về dải đất miền Trung thì nơi nào cũng có lợi thế về du lịch biển đảo. Vịnh Quy Nhơn và xa hơn là từ Nhơn Lý đến Cát Tiến thuộc huyện Phù Cát có bãi biển hoang sơ, cát trắng, bờ biển phẳng… nhưng vẫn ngủ yên trong thời gian dài. Ngoài ra, Bình Định còn có lợi thế về lịch sử, là mảnh đất Tây Sơn hào kiệt. Xa xưa hơn, đây là thành Đồ Bàn của người Chăm. “Nếu du lịch là sản phẩm văn hóa của nhân loại thì Bình Định hội đủ những yếu tố để thưởng thức sản phẩm văn hóa này” - TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Ông Trần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ, cho biết những năm trước, một số công ty du lịch nhận định Quy Nhơn khó phát triển do bị “kẹp” giữa 2 trung tâm du lịch là Nha Trang và Đà Nẵng. Thế nhưng, vài năm gần đây, có dịp đi khảo sát cùng Sở Du lịch TP HCM và Công ty Đường sắt Sài Gòn, ông nhận ra rằng tài nguyên du lịch của Bình Định rất phong phú với hàng loạt bãi biển như Kỳ Co, Trung Lương, Nhơn Hội và nhiều hòn đảo xung quanh, nhiều bãi tắm nhỏ rất lãng mạn. Bình Định còn có những công trình mang tính chất tâm linh như tế trời hoặc những tu viện, làng sông có kiến trúc rất độc đáo. Đó là chưa nói đến những công trình cũ, những danh thắng như Hầm Hô, Bảo tàng Tây Sơn…
TS Trần Du Lịch cho biết những năm gần đây, khi xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã bắt đầu có những chiến lược nhất định để thu hút nhà đầu tư. Đến nay, mặc dù chưa khai thác được nhiều nhưng tỉnh đã xây dựng Quy Nhơn thành một điểm đến về du lịch tương đối hấp dẫn. Đến nay, tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổng thể, xây dựng thương hiệu Quy Nhơn có sức cạnh tranh trên thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Tạo sự khác biệt
Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Định, sau nhiều năm “gõ cửa, trải thảm” mời gọi thì Tập đoàn FLC được xem là “sếu đầu đàn” với dự án quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn có số vốn lên tới 7.000 tỉ đồng, tạo cú hích đầu tiên, thổi bùng tiềm năng khai thác du lịch của tỉnh. Sắp tới, sẽ còn nhiều tập đoàn nữa tìm đến Bình Định đầu tư.
Ông Đặng Tất Thắng, Phó Tổng Giám đốc FLC, cho biết chỉ sau 1 ngày khảo sát, tập đoàn này đã quyết định đầu tư vào Quy Nhơn - Bình Định mà không phải suy nghĩ nhiều. Bởi lẽ, FLC nhận thấy đây là vùng đất đầy tiềm năng chưa được khám phá, phù hợp với những tiêu chí mà tập đoàn đặt ra. “Sự quyết liệt, tâm huyết của lãnh đạo tỉnh là yếu tố lớn khiến chúng tôi quyết định đầu tư. Chỉ sau 1 ngày làm việc, chúng tôi đã có giấy chứng nhận đầu tư” - ông Thắng nhớ lại.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết với mong muốn tạo ra một sự khác biệt, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, Bình Định đang quyết tâm phát triển đa dạng sản phẩm du lịch với 3 trụ cột chính: biển đảo, văn hóa - lịch sử và khoa học.
Với du lịch biển đảo, Bình Định quyết tâm quy hoạch, phát triển không gian biển Quy Nhơn và bán đảo Phương Mai với những dự án lớn để trở thành nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. Với du lịch văn hóa - lịch sử, tỉnh đã từng bước quy hoạch, tôn tạo, nâng cấp các di tích quốc gia và địa phương như hệ thống tháp Chăm cổ kính, các di tích nhà Tây Sơn và các di sản văn hóa phi vật thể...
Ngoài ra, với quyết tâm đưa Quy Nhơn trở thành điểm đến của các nhà khoa học, đưa khoa học đến với quần chúng, Bình Định đã cùng Hội Gặp gỡ Việt Nam xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành - điểm đến của các nhà khoa học hàng đầu thế giới; xây dựng Tổ hợp Không gian khoa học để làm nơi tham quan, khám phá khoa học của người dân.
Nhờ vậy, du lịch Bình Định thời gian gần đây đã có bước phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, đã có gần 1,7 triệu lượt du khách đến đây, trong đó có gần 120.000 lượt khách quốc tế (tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái). Thương hiệu “Du lịch Quy Nhơn - Bình Định” đã lan tỏa rộng rãi như là một điểm du lịch mới cần khám phá, trải nghiệm trong bản đồ du lịch Việt Nam.
“Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch với mục tiêu xây dựng Quy Nhơn - Bình Định trở thành điểm đến mới hấp dẫn của du lịch miền Trung và cả nước, phấn đấu đến năm 2020 sẽ thu hút 5,5 triệu lượt du khách” - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định tự tin.
Tuy vậy, theo ông Trần Thế Dũng, dịp hè này, không ít du khách than phiền về các đơn vị cung ứng dịch vụ như canô, thuyền ở Quy Nhơn - Bình Định còn thiếu, nhất là vào những mùa cao điểm. Điển hình là ngày cuối tuần, khách muốn đến Kỳ Co thì có thể khởi hành từ Eo Gió, Hòn Khô (Nhơn Hải) nhưng phải xếp hàng, đi “tăng 3” vì canô, du thuyền không đủ. Có khi, công ty của ông phải điều phương tiện từ TP HCM, Nha Trang tới để cung ứng...
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch:
Đón khách chứ không phải “chặt chém”
Nhược điểm mà bất cứ địa phương du lịch nào cũng cần khắc phục sớm là còn nghèo nàn về sản phẩm du lịch, du khách ở đâu, chơi gì, ăn gì và mua gì mang về. Đây là những yếu tố cơ bản để phát triển thành ngành công nghiệp không khói.
Vì vậy, chính quyền tỉnh Bình Định phải làm sao trở thành đầu mối, để các doanh nghiệp phát triển thành chuỗi. Làm sao để du khách đến Bịnh Định biết sẽ mua bánh ít lá gai ở đâu, nem Chợ Huyện chỗ nào… Điều quan trọng, du lịch là nối kết con tim với nhau. Du lịch chỉ thành công khi cộng đồng dân cư hiểu bản thân mình là chủ, luôn ở tâm thế sẵn sàng đón khách chứ không phải là “chặt chém”.
Ông TRần Thế Dũng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ:
Tăng cường các hoạt động văn hóa, chợ đêm
Qua khảo sát ở Quy Nhơn gần đây, chúng tôi nhận thấy quy mô chợ đêm tại TP này vẫn còn nhỏ. Các hoạt động văn hóa như hát bài chòi, biểu diễn võ thuật Tây Sơn chỉ diễn ra vào cuối tuần nên tính quảng bá không nhiều.
Nên chăng, tỉnh cho tăng cường tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động độc đáo này để nhiều du khách biết đến. Tỉnh có thể đặt hàng các hãng lữ hành tham gia quảng bá, chắc chắn sẽ thu hút khách. Riêng hoạt động chợ đêm, cần nâng tầm để bảo đảm là chợ đêm đúng nghĩa nhằm thu hút khách.
P.Đình ghi
Chính thức khai trương FLC Quy Nhơn
Tối 30-7, Tập đoàn FLC đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động toàn bộ quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn. Khởi công xây dựng từ tháng 8-2015, FLC Quy Nhơn được đầu tư gần 7.000 tỉ đồng trên diện tích hơn 1.000 ha, thuộc địa bàn xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn. Công trình gồm các hạng mục: biệt thự nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao gần 1.000 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, sân golf 36 hố, học viện golf, khu du lịch sinh thái biển, khu công viên động vật hoang dã, khu tâm linh và nhiều tiện ích khác.
FLC Quy Nhơn ôm trọn địa danh Eo Gió nổi tiếng với cảnh hoàng hôn đẹp nhất Việt Nam và những rạn san hô rực rỡ sắc màu ẩn dưới làn nước trong vắt. Theo các ngành chức năng địa phương, FLC Quy Nhơn được xem là dự án du lịch lớn nhất Bình Định đến thời điểm này với cơ sở hạ tầng hoành tráng, thuộc phân khúc cao cấp. FLC Quy Nhơn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy du lịch tỉnh này phát triển xứng tầm, góp phần giải quyết hàng ngàn việc làm và tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
“Chúng tôi hy vọng sự góp mặt của mình sẽ làm thay đổi cách làm du lịch ở Bình Định và thay đổi bộ mặt của tỉnh. Chúng tôi được ví như là con sếu đầu đàn, giúp nhiều người biết đến Bình Định hơn, góp phần đánh thức cơ hội phát triển du lịch của tỉnh nhà, giống như “cô gái ngủ trong rừng” phải được đánh thức” - ông Đặng Tất Thắng ví von. A.Tú
Bình luận (0)