Những cung đường tuyệt đẹp
Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường ven biển tỉnh Bình Định (ĐT 639) đoạn đi qua khu vực phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn trông giống bức tranh nghệ thuật xếp đặt, uốn lượn theo eo biển vòng cung, đẹp đến nao lòng. Nhìn từ trên cao, tuyến đường như dải lụa kết nối những làng chài ven biển nơi đây.
Đường ven biển Bình Định, đoạn qua địa bàn thị xã Hoài Nhơn
Theo ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, công trình trên đã góp phần mở rộng không gian đô thị Hoài Nhơn về phía biển. Qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là kích cầu du lịch phát triển ở địa phương.
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định, cho biết tuyến đường ven biển đi qua tỉnh Bình Định dài hơn 107 km, được đầu tư với tổng số vốn hơn 9.000 tỉ đồng, hiện có 5/8 dự án đã đưa vào sử dụng hoặc gần hoàn thành. Tuyến đường này chạy song song với Quốc lộ 1 thông suốt từ TP Quy Nhơn ra đến thị xã Hoài Nhơn, được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển toàn diện cho cả phía Đông của tỉnh.
Để có được tuyến đường đẹp như mơ ước này, cái khó không chỉ đến từ nguồn vốn, huy động được nguồn lực ngoài ngân sách, mà cả trong quá trình thi công cũng phát sinh nhiều khó khăn không thể lường trước. Theo ông Đào Duy Tụng, Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 510, công ty ông đảm nhận xây dựng cầu Đề Gi - phần việc khó khăn nhất, phức tạp nhất của dự án xây dựng tuyến đường ven biển Bình Định, đoạn Đề Gi - Mỹ Thành. Cầu Đề Gi có chiều dài gần 400 m băng qua đầm Đề Gi với địa hình liên tục chuyển đổi, điều kiện thi công hạn hẹp. "Với đội hình 200 kỹ sư, công nhân dày dạn kinh nghiệm, chúng tôi còn phải nỗ lực "vượt nắng, thắng mưa", cả đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong suốt quá trình thi công", ông Tụng chia sẻ.
Cầu vượt biển Đề Gi có tổng vốn đầu tư gần 250 tỷ đồng, dài khoảng 400 m, vừa được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Ông Đinh Thành Tiến - Chủ tịch UBND xã Cát Khánh, huyện Phù Cát - cho rằng tuyến đường ven biển đoạn Đề Gi - Mỹ Thành vừa hoàn thành trong niềm hân hoan vui mừng của dân chúng vì giờ đây việc đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Từ đây, xã Cát Khánh sẽ phát triển thương mại, dịch vụ mạnh mẽ hơn. Điển hình như ngoài các khu đô thị đã được quy hoạch 1/500 với tổng diện tích hơn 89 ha của tỉnh dọc tuyến ĐT 639 ở trên địa bàn xã, UBND xã đã quy hoạch và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 10 khu thương mại dịch vụ với tổng diện tích 5 ha.
Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định, mạng lưới đường bộ trên địa bàn dài 11.227,46 km. Toàn tỉnh Bình Định hiện có 886,17 km đường đô thị, tập trung chủ yếu tại TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và thị xã Hoài Nhơn, chủ yếu là đường 2 - 4 làn xe. Đường giao thông nông thôn ở tỉnh Bình Định chủ yếu là đường bê tông với tổng chiều dài 9.169 km, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản, phát triển đời sống...
Lãnh đạo tỉnh Bình Định cắt băng khánh thành dự án Tuyến đường ven biển đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh, thị xã Hoài Nhơn
Hạ tầng giao thông là yếu tố sống còn
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định – cho biết địa phương phấn đấu về đích tuyến đường ven biển qua địa bàn với tổng chiều dài khoảng 107 km nối tỉnh Quảng Ngãi và Phú Yên trong năm 2025. Tuyến đường ven biển hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh về biển của tỉnh, nhất là phát triển về du lịch. Từ đó, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.
Dự kiến, đến năm 2025, Bình Định sẽ có 3 tuyến đường Bắc - Nam lớn chạy song song nhau là cao tốc, Quốc lộ 1 và đường ven biển. Đây được xem như 3 tuyến đường xương sống kết nối nhiều khu vực của tỉnh.
Tuyến đường ven biển đoạn từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh, thị xã Hoài Nhơn
Theo TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, hạ tầng giao thông là yếu tố sống còn đối với bất kỳ địa phương, vùng kinh tế nào, tác động rất mạnh đến thị trường bất động sản. Trong những năm qua, Bình Định là một trong vài tỉnh chủ động, sáng tạo, đầu tư mạnh mẽ và thành công nhiều dự án giao thông, nhờ đó đã thu hút nhiều nhà đầu tư về với mình. Hạ tầng giao thông hoàn thiện, đô thị lõi TP Quy Nhơn được nối liền với các hướng Đông, Bắc, Tây, Nam bởi QL 19 mới, tuyến đường Tây Nam cửa ngõ Quy Nhơn đến Khu công nghiệp Becamex, đường trục kinh tế Nhơn Hội nối dài đến Cảng hàng không Phù Cát, tuyến ven biển Đề Gi…
Ông Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Định - cho biết hạ tầng giao thông có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển KT-XH của địa phương. Qua đó tạo động lực mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch, thương mại… Do đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định thường xuyên yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải cùng vào cuộc để tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm.
Từ nay đến năm 2025, Bình Định xây dựng hoàn thành dự án tổng thể tuyến đường ven biển dài gần 107 km
Ông Hồ Quốc Dũng chia sẻ thêm, thời gian gần đây, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên trước sự "thay da đổi thịt" và phát triển mạnh mẽ về KT-XH khi quay trở lại Bình Định. Có người hỏi ông, Bình Định đã làm những gì để trong thời gian ngắn mà có những sự thay đổi tích cực nhanh đến như vậy. Ông trả lời vui rằng, để KT-XH địa phương phát triển nhanh chóng thì nên tập trung mở đường…
Bình luận (0)