Bà tham gia đội banh từ năm vừa tròn 20 tuổi với sự đồng ý của cha mẹ. Vì biết rằng ông Sửu là người học giỏi, giàu có, uy tín nhất vùng, nên bà không ngần ngại vào đội với gần 30 chị em phụ nữ, phần nhiều cư ngụ tại làng Mỹ Thuận và các làng khác trong Tổng An Trường (nay là huyện Bình Minh). Đủ quân số bắt đầu tập dượt, ông Sửu mời cầu thủ chuyên nghiệp về huấn luyện, sau bốn, năm tháng trời nhuần nhuyễn luật lệ đá banh mới bắt đầu khai trương đá giao hữu. Sân banh là một khu đất ruộng trên 2 mẫu, tại ấp Mỹ Trung, xã Mỹ Thuận ngày nay. Vào thượng tuần tháng 2 âm lịch, trời nắng khô ráo đội làm lễ ra quân.
Khách mời rất đông có quan đầu tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ, các quận trưởng, hương chức hội tề nhiều xã, bà con xa gần ái mộ đến xem cả ngàn người. Sân rộng mênh mông không còn một chỗ trống. Có người ở xa, đến thật sớm trước cả 4-5 tiếng đồng hồ để giữ chỗ.
Hai giờ chiều, ông Sửu cắt băng khai mạc, trận đấu bắt đầu. Được cổ vũ, vỗ tay tán thưởng những cú sút hay, bắt banh đẹp, chị em càng hăng hái, nhờ đó mà suốt trận không thấy mệt.
Sau 80 phút đấu xong 2 hiệp, trước khi ra về tỉnh trưởng đến bắt tay từng cầu thủ, tặng thưởng bộ đồng phục thể thao và tiền bạc, nhằm giúp đỡ đội phát triển mạnh hơn. Kể từ đó, đội được nhiều nơi mời đá giao hữu, có mấy lần đấu ở tỉnh Cần Thơ, Sa Đéc. Khi lên Sài Gòn đấu tại sân banh vườn Tao Đàn với đội Gia Định (hòa 1-1), chị em cũng biết
rằng bằng đá giao hữu, vui chơi làm quen gây cảm tình nên mấy anh "ga lăng" nhường chứ, nếu đá thẳng cẳng làm sao chịu nổi.
Đội được nhiều giấy khen, bằng khen cá nhân toàn đội và quà lưu niệm, hiện kim, hiện vật. Cả đội phấn khởi vô cùng.
Vào đội nữ bóng đá vì ái mộ thích thú, vì say mê thể dục thể thao, đã vui, mà còn làm cho thân thể con người cường tráng mạnh khỏe, sống lâu sống khỏe như tôi (bà cười).
Có khi đội đi đá giao hữu với các đội bạn ở Hòa Tân, Xẻo Mát, ông Sửu dung “ca nô” máy đuôi tôm chạy trước, theo sau là ghe chở cầu thủ và rất nhiều ghe chở cổ động viên. Bà kể tiếp: Mưa lâu rồi cũng phải tạnh, cuộc vui nào cũng phải tàn. Đội tồn tại được 6-7 năm, lần hồi chị em chia tay đi lấy chồng, không có người kế tiếp nên tan rã, kéo theo nỗi buồn man mát kẻ ở người đi. Kể đến đây cụ bà có vẻ cảm động rưng rưng nước mắt, nói tiếp: Tôi liên tưởng đến thời xa xưa 70 năm trước, nỗi nhớ đồng đội thời son trẻ của mình, nỗi nhớ đồng chí trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nỗi nhớ 3 đứa con, 2 trai 1 gái đã hy sinh tại chiến trường miền Nam. Nhưng đó là bổn phận trai trong thời loạn, hy sinh cứu nước cứu dân là trách nhiệm chung của một người. Giờ đây nước nhà hoàn toàn độc lập tự do, sống cảnh thanh bình, an cư lạc nghiệp, nhà nhà đều ấm no hạnh phúc là hãnh diện, là sung sướng lắm rồi. Tôi rất mãn nguyện và tự hào cho họ hàng nhà tôi.
Cụ ông là Nguyên Văn Quận, cán bộ cao cấp trong chính quyền cách mạng, đã mất năm 2001 hưởng thọ 95 tuổi, được nhà nước tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Bà được nhà nước phong tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà sống trong căn nhà bình nghĩa của nhà nước tặng tại huyện Bình Minh với người cháu nội gái duy nhất phụng dưỡng. Gia đình được Nhà nước khen ngợi xếp vào gia đình mẫu mực văn hóa trong huyện Bình Minh.
Bình luận (0)