xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bộ phim dài 5 năm

Bảo Ninh

Phải mất 5 năm mới xem hết một bộ phim. Câu chuyện của người lính trong chiến tranh nhắc nhở chúng ta càng thêm yêu quý những năm tháng hòa bình

Ba mươi tháng 4, trung đoàn chúng tôi đánh chiếm phi trường Tân Sơn Nhất, rồi chốt lại ở đó đến giữa tháng 5. Trong mười lăm ngày hòa bình đầu tiên ấy chúng tôi có nhiều dịp được vào nội đô. Lần do nhiệm vụ, lần thì đơn vị tổ chức cho đi chơi. Trung đội tôi được đi lượt đầu. Nhờ may mắn được cấp một lượt quân trang mới cứng ngay trước Chiến dịch Hồ Chí Minh nên chúng tôi có đồ để diện. Tôi là A bậc trưởng nhưng đang tạm giữ trung đội phó nên còn được tiểu đoàn giao cho hai tờ “Đức thánh Trần” để lo xe đò với nước nôi này nọ cho anh em nhân dịp đi thăm thú Sài Gòn.

Một trung đội thiếu, hai mươi gã, một hàng dọc chúng tôi lòng vòng bát phố. Thành phố vĩ đại, rộng lớn như vô tận và chằng chịt muôn ngả, nên chúng tôi chỉ có thể cưỡi ngựa xem hoa, hành quân ngắm cảnh. Tuy nhiên cũng lướt qua được hầu hết những điểm chủ chốt: Sứ quán Mỹ, chợ Bến Thành, bến Nhà Rồng, dinh Độc Lập, Sở Thú, quận Năm phố Tàu...

Mới có hơn ba ngày ngừng tiếng súng, cuộc sinh nhai thường nhật của dân chúng chắc là chưa thay đổi đến mức ngoắt ngược, nhưng bản chất của thành phố, đã khác. Có lẽ biểu hiện có tính lấn át nhất của sự đổi thời và đổi đời trong thành phố là âm thanh. Vang dội dọc các đại lộ, truyền lan khắp hang cùng ngõ hẻm, vào mọi nhà, thấu vào từng người là tiếng loa phóng thanh. Tiếng nói của Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, nhật lệnh, quân lệnh của Ủy ban Quân quản Thành phố, và những khúc quân hành cách mạng.

Thành phố vô cùng ưa chuộng và ham mê âm nhạc này đã đổi sang nghe loại nhạc khác hẳn trước. Nhạc khác. Và phim ảnh cũng khác. Khác một cách rầm rộ.

Các rạp chiếu bóng không biết là đã mở lại từ hôm nào và đều thấy rất đông người. Nhạc và lời quảng cáo phim om sòm. Panô quảng cáo và lời giới thiệu về bộ phim cũng rất lạ đối với lính miền Bắc chúng tôi. Nhưng phim thì... trái lại, quá lạ với dân Sài Gòn mà quá chừng quen đối với chúng tôi, đặc biệt là tôi: Đường về quê mẹ, Lửa hận rừng dừa.

Hai bộ phim này đã nhũng nhẵng đeo đẳng tôi từ mấy năm rồi, từ khi còn là tân binh, qua bao ngả đường chiến tranh, nhưng cũng lại là hai bộ phim tôi chưa bao giờ xem trọn vẹn. Chuyện là thế này.

Sau ba tháng huấn luyện ở Bãi Nai (Hòa Bình), trước khi lên đường đi Bê, chúng tôi được chiêu đãi một tối xi nê. Lửa hận rừng dừa, phim về cuộc Đồng Khởi của nhân dân Nam Bộ thì phải, vì diễn viên mặc bà ba, quấn khăn rằn, nhưng lại là múa kiểu Giang Thanh bên Tàu. Tiểu đoàn tân binh toàn lính Thủ đô, xa Hà Thành văn hiến chưa lâu, chẳng thiết coi loại này, bỏ về lán gần hết, tôi cũng bỏ ngang.

Đấy là lần một. Lần nhì là sau đợt hành quân bằng xe hỏa vào Vinh, chúng tôi được hai ngày nghỉ ngơi ở trạm Nghi Lộc. Lại có chiếu bóng. Lại phim Lửa hận rừng dừa! Có điều sau đó chiếu thêm bộ phim nữa: Đường về quê mẹ. Nhưng tối đó, tôi trong phiên gác, cũng có tiếc mà không tiếc lắm.

Lần thứ ba chúng tôi gặp Lửa hận rừng dừa là ở Cự Nẫm, điểm tập kết quân cuối cùng trước khi xuống ca nô ngược sông Son lên Trường Sơn bắt vào đường dây 559. Bấy giờ là mùa Xuân năm 1970, bọn Mỹ đã tạm ngừng ném bom miền Bắc. Ở cái xã máu lửa này lần đầu tiên có chiếu bóng sau rất nhiều năm nên dù bãi trống trước màn ảnh rộng phải gấp đôi cái sân Hàng Đẫy mà vẫn chật cứng người.

Tôi ngồi xa tắp ở cuối bãi. Từ đấy thấy màn ảnh chỉ bằng tờ giấy “năm hào hai”. Chẳng thấy được gì rõ ràng. Tất nhiên là có thể chen lên, vì người ta luôn ưu tiên lính sắp vào Bê, song đám lính trẻ chúng tôi lại đang ngồi lẫn với các cô Thanh niên Xung phong. Vì thế chúng tôi chẳng ai chú mục ngó lên màn ảnh.

Rồi lại tới lượt Đường về quê mẹ đón đợi đại đội tôi ở binh trạm 61 bên Sông Bạc, gần ngã ba đường dây vào Khu Năm. Rạp chiếu bóng là một đoạn dài suối cạn, khá rộng và thẳng, hai vách rất cao và gần như dựng đứng. Anh em binh trạm gác những cây gỗ ngang qua bờ suối rồi phủ vải bạt lên, bảo đảm tuyệt đối an toàn về ánh sáng. Đội chiếu bóng phục vụ ở đây liên tục hai ngày, nhưng đại đội chúng tôi đến trạm trễ, chậm chân nên ba trung đội chia đôi ra làm hai lượt khán giả suất cuối cùng. Nhưng ngay lượt đầu, vừa được vài phút, máy bay OV10 đã lượn vòng rất hẹp trên mái rừng bãi khách. Buổi chiếu được lệnh ngừng. Nửa đêm B52 rải thảm sáu loạt xuống khu rừng có rạp chiếu bóng dưới lòng suối.

Hơn một tháng sau, chúng tôi vào tới Cánh Bắc của Mặt trận Tây Nguyên. Và tất nhiên từ đấy chẳng có phim ảnh, văn nghệ văn gừng gì.

Chúng tôi xem đoạn đầu trên đường ra trận trong một rạp dã chiến và mãi 5 năm sau mới yên ổn ngồi xem đoạn chót của phim

Mãi tới Tết Dương lịch chuyển từ 1974 sang 1975, trước khi sư đoàn bí mật hành quân xuống Cánh Nam tấn công Buôn Ma Thuột, đơn vị tôi mới lại gặp cơ hội được đội chiếu bóng phục vụ. Rạp chiếu bóng cũng dưới lòng suối, các suất chiếu cũng đều vào ban ngày. Tuy rạp gần hậu cứ tiểu đoàn nhưng trung đội tôi lại đang giữ chốt nên không ai được xem cả. Anh em xót xa tiếc nuối, tôi thì chỉ tiếc vừa vừa, bởi vì, tôi được biết, thật buồn cười, bộ phim đang được chiếu trong lòng suối cũng lại là... Lửa hận rừng dừa!

Tôi không nhớ tên rạp, nhưng còn nhớ là nó nằm bên đường Lê Văn Duyệt. Panô vẽ một anh chàng to lớn vạm vỡ, đầu đội mũ tai bèo, ngực đeo AK, hai vai vác hai quả bom. Đấy là Đường về quê mẹ.

Tôi rủ anh em vào xem. Một ngàn đồng mà những hai mươi người, nhưng chị bán vé một mực cam đoan chừng đó là quá đủ. Thân chinh ông chủ rạp tươi cười chào đón chúng tôi và dẫn chúng tôi tới hàng ghế tốt nhất ở gần cuối rạp.

Đường về quê mẹ, chúng tôi xem đoạn đầu khi đang trên đường ra trận, trong một cái rạp dã chiến dưới lòng suối cạn, mãi năm năm sau, tại Sài Gòn, mới yên ổn ngồi xem được tới đoạn chót.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo