xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cây vĩ cầm buồn

Bài và ảnh: Mạnh Duy

Anh đã từng thuộc hàng ngũ những thần đồng âm nhạc ở một cuộc thi danh giá, rồi được đặc cách vào học Nhạc viện Traicovski (Liên Xô cũ) danh tiếng. Mười năm chơi nhạc ở trời Âu, anh trải qua bao kỷ niệm đẹp ở những dàn nhạc nổi danh. Về VN, sau những năm trăn trở tìm hướng đi, anh quyết định nghỉ... chơi đàn. Cây vĩ cầm cùng anh “chinh chiến” bao năm cũng chỉ còn biết ngoan ngoãn nằm im trong hộp đàn. Anh chuyển sang một nghề mới: đẽo đàn

Thần đồng của một thời

Nguyễn Xuân Huy có bố là một nghệ sĩ vĩ cầm người Trung Quốc tốt nghiệp Nhạc viện Thượng Hải. Ông tình nguyện sang VN công tác trong những năm chống Mỹ ác liệt. Tình yêu của chàng thanh niên Trung Quốc ấy với VN lớn đến mức anh đã lấy một cái tên Việt và đổi sang họ Nguyễn. Anh đi biểu diễn khắp các chiến trường, đã quen và yêu cô thanh niên xung phong Phạm Thị Đông - cô gái văn công từng đoạt danh hiệu á hậu toàn quân những năm kháng chiến chống Mỹ.

Nguyễn Xuân Huy là kết quả của một cuộc tình đẹp giữa chàng nghệ sĩ vĩ cầm Trung Quốc và cô gái văn công VN. Huy tâm sự: “Tôi rất biết ơn bố mẹ mình. Tôi được họ nuôi lớn không chỉ bằng tình thương mà còn bằng âm nhạc. Tôi lớn lên cùng những giai điệu violon”. Nguyễn Xuân Huy biết đặt cây vĩ cầm lên cổ từ lúc anh mới 6 - 7 tuổi, khi mà chiều cao của anh mới nhỉnh hơn chiều dài cây đàn chút xíu. Đến 9 tuổi, cậu bé Huy đã biết chơi những bản nhạc đầu tiên qua sự hướng đẫn của người thầy, cũng là người cha yêu quý của anh.

Cuộc thi Tài năng vĩ cầm trẻ ở Venhepsky (Ba Lan) với sự tham dự của các tài năng âm nhạc đến từ hơn 100 quốc gia, lãnh thổ khác nhau, để chọn ra được hơn 10 người lọt đến vòng cuối cùng. Nguyễn Xuân Huy nằm trong những người có mặt ở “top ten” đó. Thời ấy, đầu những năm 1980, Huy đã trở thành một hiện tượng, được Nhà nước đặc cách cử đi du học ở Nga. 17 tuổi, Nguyễn Xuân Huy một mình khăn gói sang Gnhexinsky- một trong hai trường nhạc danh tiếng nhất ở Moscow. Xuân Huy vào Nhạc viện Traicovski sau 4 năm trung cấp.

Anh là một trong số ít sinh viên của học viện được chơi cho dàn nhạc “Thế kỷ” của công nương Diana dưới sự tài trợ của British Council. Huy nhớ lại: “Tôi bận rộn với những tour diễn vòng quanh châu Âu cùng dàn nhạc. Hầu như tháng nào cũng đi diễn một lần. Mấy cuốn sổ hộ chiếu đặc kín dấu hải quan. Không có nhiều thời gian để lên lớp nhưng tôi luôn được các thầy đặc cách. Rusin là người thầy tôi nhớ nhất- ông là một trong những người thầy vĩ đại của vĩ cầm Nga và thế giới”. Những năm 1990, Liên Xô tan rã, nhiều du học sinh như Huy bị cắt nguồn viện trợ, phải tự lăn lộn để vừa học vừa kiếm sống. Thời điểm ra trường, nhiều dàn nhạc ngỏ lời mời Huy ở lại.

Năm 1998, ngày anh chơi ở Nhà hát Sydney Opera là ngày công nương Diana tử nạn cũng là ngày cuối cùng anh chơi cho dàn nhạc nước ngoài. Huy quyết định bỏ lại những hào quang đã có sau lưng để về quê mẹ Việt Nam.

Từ nghệ sĩ... đến nghệ nhân

Về nước, Huy đầu quân cho Dàn nhạc Giao hưởng VN, rồi Nhà hát Nhạc vũ kịch VN. Nhưng chưa đầy một năm sau, Huy quyết định nghỉ chơi đàn. Anh bảo: “Những nơi ấy là môi trường tốt nhất ở VN để có thể chơi nhạc cổ điển nhưng tôi không thích nghi được. Có lẽ những năm chơi nhạc ở nước ngoài đã khiến tôi mắc bệnh khó tính và khắt khe với chính bản thân mình. Tôi không muốn tiếng đàn của mình vang lên để rồi bị lãng quên ngay”.

Thế là nghệ sĩ vĩ cầm Nguyễn Xuân Huy quyết định “cất đàn đi” để chuyển sang một nghề mới: đẽo đàn - cái nghề mà anh đã học được trong những năm lưu diễn khắp trời Âu. Anh kể: “Những nước như Đức, Pháp, ý có các xưởng sản xuất violon thủ công tồn tại từ nhiều thế kỷ qua. Chỉ bằng bàn tay đục đẽo của những người thợ, những cây đàn ra đời và chu du khắp thế giới”.

Ngày ấy, đến nước nào, Nguyễn Xuân Huy cũng tìm hiểu cách làm đàn của những nghệ nhân. Học mỗi nơi một chút tinh hoa, anh thành một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất đàn từ lúc nào không hay. Những tưởng bàn tay người nghệ sĩ ấy chỉ biết chơi đàn, không ngờ anh đẽo đàn cũng thành thục như một nghệ nhân. Huy làm đàn bằng những dụng cụ thủ công thô sơ, gỗ erap làm thân đàn, dây đàn, lông đuôi ngựa làm cần kéo đều phải đặt mua ở nước ngoài với giá vài ngàn USD một bộ.

Trong mấy năm trời làm đàn mà số lượng đàn anh làm ra chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khi đẽo đàn, anh cũng khắt khe với bản thân như khi chơi đàn. Vậy nên, những đứa con tinh thần của Nguyễn Xuân Huy đều được gửi gắm ở những người “tri âm”: trưởng khoa dây Nhạc dây – Nhạc viện Hà Nội, giáo sư Tạ Bôn; ba cây đàn khác nằm ở Nhạc viện Paris và Berlin.

Những năm đầu về VN, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng Huy tự hứa với mình “không bán rẻ tiếng đàn”. Anh không bao giờ mang những cây đàn đã gắn bó cùng anh trong những năm tháng chơi nhạc ở nước ngoài ra đánh “nhạc tiệm”, dù có thời kỳ anh phải mở cửa hàng games online, nhôm kính để kiếm sống. Thỉnh thoảng có những người bạn của Huy bị “bể sô” nhờ anh đến “chữa cháy”, khi ấy Huy chơi đàn là để giúp bạn chứ không phải để mưu sinh.

Tôi tình cờ quen Huy khi anh đang chuẩn bị cho một buổi biểu diễn violon ở Khu Du lịch Tam Đảo. Một bác sĩ người Hà Lan tìm đến Huy sau khi nghe những nghệ sĩ trong giới violon giới thiệu. Vị bác sĩ ấy cùng những người bạn cả VN và nước ngoài của ông có chung niềm đam mê những âm thanh da diết của cây vĩ cầm. Họ quyết định mời Huy vừa là thầy dạy vừa là người phụ trách chuyên môn cho dàn nhạc của họ. Huy nhận lời, vì như anh nói: “Họ là những người hiểu giá trị của tiếng đàn và người chơi đàn”. Buổi biểu diễn ở Tam Đảo hồi tháng 5-2007 vừa rồi là buổi biểu diễn chính thức đầu tiên của dàn nhạc.

Tôi thắc mắc: “Tại sao đến giờ mà anh vẫn mai danh ẩn tích?”. Nguyễn Xuân Huy cười hiền: “Tôi đâu có mai danh ẩn tích. Tiếng đàn của tôi vẫn vang lên mỗi đêm, nhưng khán giả chỉ là bốn bức tường hoặc trời sao. Đôi lúc ngồi cùng bạn bè, cao hứng, tôi vẫn chơi đàn bằng tâm hồn và cảm xúc chân thành nhất”. Nhiều sinh viên trường nhạc biết Huy nhưng không nhiều người biết về quá khứ huy hoàng của anh. Họ chỉ biết rằng mỗi khi nghe Huy chơi đàn, họ thường lùi về phía sau, để rồi khi bản nhạc kết thúc họ gọi anh là “thầy Huy” một cách rất tự nhiên và chân thành.

Hình như Nguyễn Xuân Huy sinh ra, số phận và cuộc đời anh đã mang sẵn “cơ duyên tiền định” với cây vĩ cầm. Anh chính là hiện thân của một cây vĩ cầm - cây vĩ cầm của những bản nhạc buồn...

Nhiều người biết tiếng Huy còn mang cả những cây đàn violon bị lệch âm đến cho anh sửa. Nhiều trường hợp, chủ nhân cây đàn tưởng đã phải vứt đàn đi, vậy mà qua tay Huy, cây đàn như tìm lại sức sống.

Có thời gian Huy bị rụng hết tóc vì mùn gỗ đẽo đàn bắn lên tóc (gỗ làm đàn là loại gỗ khá dị ứng với da đầu). Có lần anh còn bị dao đục đâm vào tay gây mất cảm giác mấy tháng trời. Anh bảo: “Lúc ấy tôi vẫn chơi đàn nhưng không phải bằng tay mà bằng... tai”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo