icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giải Cánh diều 2008: Mùa thất bát?

Hải Phương

Với chất lượng phim dự giải không cao, dự báo mùa giải năm nay, Cánh diều không tìm ra giải vàng cho phim truyện

Có 6 phim truyện nhựa, 12 phim truyền hình dài tập (khoảng 200 tập), 12 phim truyền hình ngắn tập, 9 phim hoạt hình, 47 phim tài liệu và khoa học (trong đó có 7 phim nhựa) tham dự Giải Cánh diều 2008. Lễ trao Giải Cánh diều được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vào tối 1-3 và truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3. Ban tổ chức giải khá phấn chấn: “2008, một năm ảm đạm của điện ảnh Việt Nam nhưng huy động được ngần ấy phim dự thi, có thể xem là thành công” (?).

img
Cảnh trong phim Trăng nơi đáy giếng, bộ phim mang về cho Hồng Ánh giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Quốc tế Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất) nhưng chưa được phát hành tại Việt Nam. Ảnh: GPFILM

Phim truyện nhựa: Cuộc chơi của điện ảnh phía Nam


Dù đã xem truyền hình là “người một nhà” và phần lớn các phim truyền hình đều có người của điện ảnh tham gia, nhưng trong bất kỳ giải thưởng nào của điện ảnh, phim truyền hình vẫn thuộc hàng thứ, ít được chú ý và cũng ít bị săm soi. Vì thế, tạm hiểu sự mất cân bằng mà dư luận đang nói đến là nhằm vào thể loại phim truyện nhựa. Có lẽ, đây là mùa giải đầu tiên thể loại phim nhựa không có sự tham gia của các hãng phim phía Bắc; cũng là lần đầu tiên phim tư nhân đóng vai chủ đạo khi có tới 5/6 phim tham gia. Phấn chấn vì “gọi” được cả 6 phim đã duyệt và phát hành trong năm 2008 tham gia giải nhưng ban tổ chức cũng lo lắng: “Đêm trao giải sẽ kém vui vì tổ chức tại Hà Nội mà phía Bắc lại không có phim. Không có phim cũng đồng nghĩa với các nghệ sĩ phía Bắc không mấy mặn mà với giải thưởng”.

Nhìn vào danh sách phim truyện điện ảnh dự thi năm nay, chưa bàn đến chất lượng, chỉ nhìn vào tên đơn vị và “thực đơn” phim đã thấy rõ sự mất cân đối. Đó là, trong số 6 phim dự thi, duy nhất có Trăng nơi đáy giếng (đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn) là phim nhận trợ giá của Nhà nước và thuộc loại phim “tác giả” với những tung tẩy và nhấn nhá nghệ thuật theo phong cách Nguyễn Vinh Sơn. Rất tiếc phim này chưa đo được mức độ đón nhận của khán giả, vì chưa được chiếu cho khán giả xem dù phim đã có mặt tại nhiều liên hoan phim (LHP) quốc tế trên thế giới. Năm phim còn lại thuộc dòng giải trí hướng đến khán giả. Đành rằng không nên phân biệt phim nghệ thuật, phim tác giả và phim giải trí. Trong cuộc đua, chỉ nên có một khái niệm – phim hay. Nhưng điều này lâu nay chỉ đúng với thế giới, còn ở VN thì vẫn cần phải rành mạch bởi ngay từ đầu việc quyết phim nào sản xuất người ta đã có đích ngắm riêng và không ít trường hợp phải bằng mọi cách để đạt đến cái đích đó. Và phim hay chỉ là khái niệm mang tính trừu tượng, còn hấp dẫn và gọi được nhiều khán giả đến xem bằng mọi cách chỉ là mục tiêu chính của việc sản xuất. Nếu đặt Trăng nơi đáy giếng cùng bảng đua với 5 phim của tư nhân (Giải cứu thần chết, Huyền thoại bất tử, Đẹp từng centimet, Chuyện tình xa xứ, Cú và chim se sẻ) chẳng phải đã làm khó ban giám khảo trong việc chấm điểm, nếu đó là một ban giám khảo khách quan và khó tính. Và như vậy, liệu có tái diễn cảnh “cào bằng”, “chia giải”, “vui cả làng” như nhiều mùa giải trước đây.

Đó là chưa kể những phim được coi là ăn khách trong mùa chiếu Tết vừa qua đã nhận không ít lời chỉ trích, chê bai từ phía công luận cũng như khán giả trên các diễn đàn internet. Việc chọn được một phim để trao giải vàng là hoàn toàn không khả thi.


Phim truyền hình: Chất lượng không tương xứng số lượng?


Trước khi đến với Cánh diều 2008, phim truyền hình trải qua một cuộc “sát hạch”. Trong số 12 phim thuộc “bảng đấu” phim truyền hình nhiều tập, Gió làng Kình (25 tập, đạo diễn: Nguyễn Hữu Phần- Bùi Thọ Thịnh) đã “giắt lưng” giải vàng của LHP Truyền hình toàn quốc lần thứ 28. Các phim còn lại tuy chưa có giải nhưng “đấu” trong một cuộc thi có tiêu chí khác với truyền hình thì cũng chưa biết “ai hơn ai”. Trong số này có 2 phim của tư nhân sản xuất là Thiên đường tình yêu (13 tập, đạo diễn Nguyễn Quang, Hãng phim Thiên An sản xuất) và Hoa thiên điểu (31 tập, đạo diễn: Đinh Hà, Nhâm Minh Hiền, M&T Pictures Việt Nam sản xuất). Bộ phim gây được sự chú ý của dư luận trong năm qua thuộc về Bỗng dưng muốn khóc (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng). Đây là phim có nhiều ý kiến khác nhau. Giới trẻ thích, còn khán giả trung niên thì chê vì cho là... nhảm. Chẳng quan trọng, vì đối tượng khán giả truyền hình khá đa dạng, được một bộ phận khán giả yêu thích, thậm chí “phát cuồng” đã là thành công, còn hơn nhiều phim phát sóng đều đều và rơi tõm vào im lặng. Một bộ phim khác được chờ đợi trong năm 2008 là Chạy án phần 2 của đạo diễn Vũ Hồng Sơn. Tiếc thay đây lại là bộ phim bị chê là yếu hơn phần 1 và... giá như đừng kéo dài thì tốt. Trong khi đó Kiều nữ và đại gia là một cái tên khá kêu nhưng... người xem lại không mặn mà vì nó nhạt quá. Trong khi đó, Chuyện tình công ty quảng cáo (20 tập, đạo diễn Huỳnh Hùng Phương), Câu chuyện pháp đình- phần 1: Hơi ấm bàn tay (9 tập, đạo diễn Nguyễn Tường Phương), Đi tìm hạnh phúc (10 tập, đạo diễn Đào Duy Phúc), Ngõ lỗ thủng (29 tập, đạo diễn Quốc Trọng) cũng đang nín thở chờ đợi. Theo dự đoán, đây sẽ là bảng đấu có nhiều bất ngờ với các giải cá nhân. Tuy nhiên, so với một năm “bội thực” phim truyền hình Việt trên sóng thì số lượng 12 phim dự Giải Cánh diều năm nay lại nói lên một thực tế đáng buồn: Chất lượng phim không tương xứng với số lượng.

Không ngoại lệ, các phim truyền hình ngắn tập còn ít được chú ý hơn vì chất lượng. Trong số 12 phim dự giải, Khí phách anh hùng (đạo diễn Hồ Ngọc Xum, Đài Truyền hình Vĩnh Long sản xuất) được trao giải vàng tại LHP Truyền hình toàn quốc 2009; Suối oan hồn và Chết lúc nửa đêm của Hãng phim Chánh Tín thì đã thử lửa ngoài rạp. Và những phim: Cây bản mệnh (đạo diễn Trần Ngọc Phong), Hồn thiêng xứ núi (đạo diễn Đặng Lưu Việt Bảo), Con đường sáng (đạo diễn Đinh Thái Thụy), Bước nhảy thiên thần (đạo diễn Lê Hóa), Món quà (đạo diễn Trần Hữu Phúc), Chuyện ở Hoàng Sơn (đạo diễn Đặng Thái Huyền), Bố con người làm đồ giả (đạo diễn Trần Chí Thành)... dù đã phát sóng hay chưa ra mắt... nhưng vẫn đều là những cái tên lạ đối với người xem. Với chất lượng phim không cao như ở mùa giải này, liệu... đông phim tham gia nhưng có vui nổi không?

Hoạt hình: Giậm chân tại chỗ

Một trong những thể loại ít có sự đổi mới nhất của Giải Cánh diều là hoạt hình. Đây cũng là thể loại mà lâu nay luôn là “cuộc thi trong nhà” của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam. Sở dĩ nói vậy là bởi hầu hết phim dự thi là “con ruột” của hãng này, một vài phim thuộc đơn vị khác sản xuất thì đạo diễn cũng từng là quân số của hãng phim. Quen mặt, lại ít đổi mới nên chưa xem phim, chỉ cần nhìn tên đạo diễn cũng “đọc” được chất lượng của phim. Thế nên, ai đó giành giải vàng, bạc... mọi người cũng chẳng ồ, à..., vì “vàng” ấy cũng chỉ là “bó đũa chọn cột cờ” và cũng chẳng ra được rạp. Năm nay, có 9 phim hoạt hình tham gia giải thì có tới 7 phim của Hãng phim Hoạt hình Việt Nam (theo danh sách của ban tổ chức). Chất lượng phim của hãng này, năm nay, cũng bình bình như những năm trước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo