xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

"Nếu anh còn được sống": Hơn 4 năm bị “ngâm”, vì sao?

Hải Phương

Nếu không xảy ra chuyện thụt két số tiền lên đến hơn 40 tỉ đồng ở Cục Điện ảnh, có thể dự án phim về đề tài chiến tranh cách mạng "Nếu anh còn được sống" không rơi vào tình trạng khốn khó như hiện nay

img
Đạo diễn Lê Ngọc Linh (trái) đang chỉ đạo diễn xuất trên phim trường. Ảnh do nhân vật cung cấp
Được duyệt từ 4 năm trước,  từng vài lần tuyên bố “khởi quay”, đến nay  dự án phim Nếu anh còn  được sống (biên kịch: Phạm Việt Linh; dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Văn Lê;  đạo diễn: Lê Ngọc Linh) vẫn trong tình trạng tiếp tục “nằm chờ”…

Bao nhiêu công sức mất trắng

Bốn năm trước, kịch bản này  được giao cho Hãng phim Truyện 1 sản xuất. Giá đã duyệt, tiền cũng đã tạm ứng nhưng rồi thay cho việc đưa phim vào sản xuất để hợp thời giá (thực chất số tiền được cấp lúc đó cũng đã quá “hẻo” đối với một phim về đề tài chiến tranh), đơn vị này đã sử dụng tiền cho dự án phim khác. Sau một thời gian dài, thấy dự án phim không được sản xuất, tiền đã tạm ứng cũng không có khả năng “đòi” được, Cục Điện ảnh đã thu hồi dự án đưa về mình, bất chấp các ý kiến cho rằng Cục Điện ảnh “vừa đá bóng vừa thổi còi” - nghĩa là đơn vị vừa quản lý Nhà nước về điện ảnh vừa sản xuất phim. Hay nói cách khác, Cục Điện ảnh vừa duyệt kịch bản, sản xuất, duyệt phim vừa cấp phép phổ biến. Vẫn là đạo diễn Lê Ngọc Linh, tác giả kịch bản phim Rừng đen, vốn là người của truyền hình tại Đà Nẵng, “gánh” nhiệm vụ đạo diễn phim này.

Mệt mỏi vì  “lăn lóc” với dự án phim này mấy năm trời mà bây giờ trở lại điểm xuất phát nên khi biết Cục Điện ảnh trở thành “bà đỡ”, đạo diễn Lê Ngọc Linh mừng ra mặt. Anh tự nhủ: “Cục sản xuất, chắc tiền sẽ dư dả”. Cũng phải, vì đồng thời với việc cho triển khai dự án phim Nếu anh còn được sống, một lãnh đạo Cục Điện ảnh thời đó còn hứa với đạo diễn Lê Ngọc Linh sẽ  đầu tư cho anh làm một phim truyền hình dài tập về đề tài bạo hành phụ nữ, với kinh phí  khoảng 15 tỉ đồng (!?). Lập tức, Lê Ngọc Linh khăn gói từ Đà Nẵng ra Hà Nội, tiếp tục lao vào dự án.

Thêm một năm ròng rã, bối cảnh đã được khảo sát và ấn định, diễn viên đã chọn, các phương án triển khai phim đã được thiết kế hoàn thiện. Gặp Lê Ngọc Linh ngày đó, thấy anh phấn chấn lắm. Anh kể: “Phim chiến tranh mà không có máy bay oanh kích, bom đạn không đủ tạo hiệu quả khốc liệt thì là phim giả. Muốn làm “ra tấm ra món” thì 20 tỉ đồng chưa chắc đã đủ với quy mô như trong kịch bản phân cảnh của phim Nếu anh còn được sống. Tổng kinh phí được cấp khoảng 10 tỉ đồng. Vì thế, chúng tôi đang cố gắng bớt đi kỹ xảo, thay vào đó sẽ phát huy những tính năng có sẵn trên máy quay để tạo hiệu quả đặc biệt...”.

Cũng theo đạo diễn Lê Ngọc Linh, anh đã chọn khu du lịch Đồng Mô để dựng bối cảnh “bến đò âm phủ”- một trong những bối cảnh ấn tượng nhất và có ý nghĩa nhân văn nhất trong phim. Trước ngày phim được khởi quay, theo kế hoạch khoảng một tuần, Cục Điện ảnh phát hiện chuyện thụt két số tiền lên đến hơn 40 tỉ đồng. Tài khoản rỗng, có nghĩa là tiền làm phim Nếu anh còn được sống cũng “bốc hơi” (?).

Trở về trên giấy

Đó thực sự là “cú sốc” với đoàn phim Nếu anh còn  được sống. Sau đó, bộ phim này được giao cho Hãng phim Truyện Việt Nam sản xuất. Đã hơn một năm trôi qua, phim vẫn “nằm trên giấy”. Đạo diễn Lê Ngọc Linh  đã  trở về Đà Nẵng vì không thể bỏ tiền túi nằm ở Hà Nội để chờ làm phim trong khi chưa biết chừng nào sẽ khởi quay. Anh than thở: “Tôi đã bỏ khá nhiều tiền túi cho quá trình chuẩn bị phim khi dự án này còn do Trung tâm Điện ảnh Chiều thứ bảy (Cục Điện ảnh)  đứng tên sản xuất. Tuy nhiên, đấy không phải lý do khiến tôi mệt mỏi mà là những bất cập hiện nay của chính ngành điện ảnh khiến niềm tin, tâm huyết của  những người làm điện ảnh bải hoải. Mới đây, tôi được lãnh đạo Hãng phim Truyện Việt Nam thông báo do phim của Bùi Tuấn Dũng - Những người viết huyền thoại - sẽ khởi quay trước nên phim Nếu anh còn được sống phải tiếp tục đợi, ít nhất cũng phải 2 - 3 tháng nữa. Cầu trời, sau thời gian đó, bộ phim này sẽ được bấm máy. Nếu phim được bấm máy, số tiền được cấp ấy sau khi bị trừ các khoản, chỉ còn trên 5 tỉ đồng sẽ là một thách thức đối với việc làm phim chiến tranh trong bối cảnh trượt giá mạnh như hiện nay”.

“Nghĩ mà thấy buồn cho ngành điện ảnh Việt Nam và ngậm ngùi thay cho một dự án phim - một kịch bản được đánh giá là khá  tốt nhưng bị “ngâm” tới hơn 4 năm chỉ vì những lý do bất cập trong công tác quản lý, điều hành sản xuất phim hiện nay” - một người trong giới có hiểu biết về dự án phim này chia sẻ.

Khủng hoảng nhân sự

Lý do khiến phim Nếu anh còn được sống phải chờ thêm khoảng 3 tháng nữa mới có thể được bấm máy vì Hãng phim Truyện Việt Nam hiện tại đang khủng hoảng trầm trọng về đội ngũ. Điện ảnh là một nghề đòi hỏi sự chuyên nghiệp ở các công đoạn nhưng hiện nay, nhiều khâu trong quá trình sản xuất phim đang bị nghiệp dư hóa tới mức “choáng váng”. Những người có chút danh tiếng hoặc bỏ vào Nam làm phim cho tư nhân, làm thuê cho truyền hình hoặc chuyển về Trường Sân khấu - Điện ảnh làm giảng viên. Những vị trí như hóa trang, phục trang, đạo cụ.... đang bị bỏ trống do chưa có người thay thế đội ngũ đã nghỉ hưu hoặc chuyển công việc khác. Do vậy chỉ cần một đoàn phim đi vào sản xuất thì đoàn phim tiếp theo phải... ngồi chờ.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo