Chương trình có sự tham gia của các ca sĩ: Giao Linh, Carol Kim, Kim Anh, Ngọc Sơn, Chế Thanh, Quang Thành, Quang Hà, Thùy Trang, Hà My, Chế Phong...
Vang bóng một thời
Nhắc đến dòng nhạc bolero, người yêu nhạc Sài Gòn không thể không nhắc đến ba nhạc sĩ: Hàn Châu, Mạc Thế Nhân và Hà Phương. Những ca khúc của ba ông có giai điệu trữ tình, ngôn từ đơn giản nhưng chứa đựng nhiều tâm tư và dường như các ông viết từ chính những nỗi niềm của mình. Mỗi nhạc sĩ đang sở hữu từ 100 đến 200 ca khúc theo dòng nhạc trữ tình, mà bolero chiếm đa số. Rất nhiều khán giả yêu thích nhạc của ba nhạc sĩ nhưng ít nhớ đến tên, họ thường nhắc lời ca khúc để mường tượng đến các ông.
Gần đây, xu hướng quay về với dòng nhạc trữ tình đã khiến nhiều ca sĩ trẻ tìm gặp ba nhạc sĩ để xin mua độc quyền các ca khúc nổi tiếng. Thế nhưng cả ba ông đều từ chối, vì “nhạc đã viết, thế gian đã ca hát, thì đó là tài sản chung, sao lại đành dành cho một người” - nhạc sĩ Mạc Thế Nhân cho biết. Ngay cả những ca khúc được đặt hàng, ba ông cũng không nỡ bán độc quyền, vì “nhiều ca sĩ hát, nhiều chất giọng khác nhau, càng làm cho ca khúc chắp cánh bay xa” - ý kiến của nhạc sĩ Hà Phương. Riêng với nhạc sĩ Hàn Châu, một thời đời sống khó khăn, ông ký gửi các ca khúc của mình với giá rất bèo để có tiền mua gạo sống qua ngày, vì vậy một số người đã gán ghép nhạc của ông với nhiều bút hiệu khác nhau rồi tự cho đó là ca khúc của họ. Ông chỉ cười, nụ cười thanh thản chẳng chút giận hờn: “Miễn nó đừng bôi bác lời ca và giai điệu của tôi là được. Mình viết nhạc cho đời, bài hát được công chúng đón nhận đã là của chung. Điều tôi mừng là trong hoàn cảnh cơ cực của đời sống, mình vẫn giữ được phẩm chất một nhạc sĩ chân chính sống bằng sáng tác chứ không ăn cắp của người”.
Nghệ danh đơn giản
Nhạc sĩ Mạc Thế Nhân tên thật là Phan Công Thiệt, sinh năm 1938 tại Gò Vấp - Sài Gòn. Năm 1952 ông tham gia văn nghệ học đường, năm 1956 ông thọ giáo các nhạc sĩ: Thẩm Oánh, Hùng Lân... Ca khúc đầu tay của ông mang tên Xích lại gần anh tí nữa. Ông lý giải về bút danh Mạc Thế Nhân: “Xin góp nhặt một vài giọt mực với người đời dù đó là sự trầm lặng trong sáng tác. Chữ Mạc Thế Nhân được giải nghĩa như thế, chứ không phải là sự gán ghép tiêu cực, cho rằng tôi “mặc kệ người đời” như một số người gieo cái xấu cho tôi một thời. Ai cũng có một dĩ vãng để ấp ủ, nâng niu. Tôi chọn đề tài tình yêu và quê hương vì trong tôi chất chứa nhiều tình cảm đẹp. Tôi chẳng bao giờ hư cấu, nên trái tim tôi yêu gì thì viết nấy”.
Nhạc sĩ Hàn Châu tên thật Lê Đình Nam, sinh năm 1947 tại Bồng Sơn, Bình Định. Gia đình ông có 5 anh chị em, người chị cả là vợ của nhạc sĩ Thanh Sơn. Năm 1968, ông và nhạc sĩ Hoàng Trang sáng tác ca khúc đầu tay mang tên Ngõ hồn qua đêm, lúc đó hai ông đã lấy bốn chữ Triết Giang - Hàn Châu để đặt bút hiệu. Từ đó ông mang nghệ danh Hàn Châu. Ông vui vẻ cho biết: “Ca khúc làm nên tên tuổi, chứ không phải tên tuổi làm nên ca khúc. Tôi là người bị đổi tên nhiều nhất, biết thanh minh với ai vì mình sống thanh đạm, thích sự yên bình”. Các ca khúc của ông như: Đêm tóc rối, Tội tình, Cây cầu dừa, Về quê ngoại, Đêm hoang, Cánh cò và dòng sông, Người đã quên...
Nhạc sĩ Hà Phương tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại Chợ Gạo, Tiền Giang. Sáng tác đầu tay của ông viết năm 19 tuổi với bài Đường khuya. Thời niên thiếu, do mê nhạc, ông đã được nhạc sĩ Lâm Tuyền nhận làm đệ tử và sau đó ông theo học dự thính Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Ông chơi được nhiều nhạc cụ: guitar, organ, sáo, harmonica... Ông cho biết: “Tôi là người không định được phương hướng cho cuộc đời mình, lại không xác định phương nào sẽ là nhà. Vì đời tôi rày đây mai đó, tứ xứ khắp nơi đều lưu dấu chân tôi. Do đó tôi lấy tên Hà Phương. Chứ không phải Hà Phương là tên người yêu như nhiều người lầm tưởng”. Những tình khúc của ông: Mưa đêm tỉnh nhỏ, Chiều mưa qua sông, Mùa mưa đi qua, Em về miệt thứ, Bông điên điển... Ông khẳng định: “Đời nhạc sĩ dẫu một ca khúc lưu danh đã là đáng quý, đằng này các bài hát của chúng tôi đã được nhiều thế hệ thính giả yêu thích, đó là hạnh phúc vô biên. Xin cảm ơn đời”.
Bình luận (0)