xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cánh diều 2007 chưa gặp gió?

HƯƠNG NHU

Nếu không tự đổi mới từ chính cách tổ chức và tư duy chấm giải, không làm “sạch” được kết quả giải thưởng để tạo dựng uy tín cho giải thì Cánh diều mãi mãi vẫn chỉ là cánh diều không gặp gió

Lễ trao giải Cánh diều 2007, do Hội Điện ảnh tổ chức sẽ diễn ra vào đêm 9-3, tại Nhà hát Hòa Bình - TPHCM. Đây là lần thứ 5 Giải Cánh diều được tổ chức. Tại buổi họp báo diễn ra vào sáng 28-2, Ban Tổ chức (BTC) Giải Cánh diều 2007 cho biết đã rất cố gắng mang lại nhiều nét mới cho sự kiện hằng năm này, như việc lần đầu tổ chức lễ trao giải tại TPHCM - thị trường điện ảnh sôi động nhất nước; giao hẳn công tác tổ chức đêm trao giải cho công ty tổ chức sự kiện. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, liệu những đổi mới về mặt hình thức này có đủ để làm thay đổi hình ảnh giải thưởng này, vốn bị chỉ trích nhiều năm nay?

Vẫn “so bó đũa chọn cột cờ”

Thể loại phim truyện nhựa vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận trong những giải thưởng điện ảnh. Nếu ở Cánh diều 2006, các phim tranh giải đều khá nổi đình nổi đám, hoặc được đông đảo công chúng yêu thích đón xem hoặc được giới chuyên môn đánh giá cao, như: Áo lụa Hà Đông, Sinh mệnh, Hà Nội-Hà Nội, Lọ lem hè phố... thì năm nay (có 11 phim dự thi) hầu như không có phim nào gây được tiếng vang. Trong đó 4/11 phim chưa chiếu ra mắt công chúng lẫn báo chí (Hoài vũ trắng, Chớp mắt cùng số phận, Rừng đen, Trái tim bé bỏng). Dù BTC đã thông báo hội sẽ kết hợp với Cục Điện ảnh chiếu giới thiệu các phim dự giải tại một số rạp như Cinebox, Thăng Long, Tân Sơn Nhất, Fafilm Cinema nhưng liệu với chỉ vài ngày ngắn ngủi công chiếu thì có bao nhiêu khán giả được xem. Những phim còn lại tuy đã công chiếu nhưng sức lan tỏa trong công chúng không mạnh. Các phim do Nhà nước tài trợ như Em muốn làm người nổi tiếng, Vũ điệu tử thần, Giá mua một thượng đế yếu thế hơn về khoản quảng bá đã đành, ngay những phim tư nhân như Duyên trần thoát tục, Mười hay Chuyện tình Sài Gòn cũng chẳng để lại nhiều dấu ấn trong lòng người xem về độ ăn khách và chất lượng chuyên môn. Có chăng là Nụ hôn thần chết, ăn khách nhất mùa phim Tết vừa qua nhưng đây cũng chỉ là tác phẩm thiên về tính giải trí, mua vui nhiều hơn giá trị nghệ thuật, nhìn từ góc độ hội nghề nghiệp. Việc đưa phim Mười vào danh sách dự thi cũng khó thuyết phục vì dấu ấn Việt Nam trong phim mờ nhạt, từ phong cách làm phim đến đất diễn của các diễn viên trong Mười đều nghiêng về phía nước bạn nhiều hơn. Một băn khoăn nữa là Chuyện tình Sài Gòn sản xuất năm 2005 cũng được dự thi trong danh sách dành cho những phim sản xuất trong năm 2007. Ngược lại, phim Dòng máu anh hùng không có trong danh sách dự giải.

Kết quả vẫn do một nhóm người quyết định (?!)

Điều quan tâm nhất của khán giả lẫn người trong giới ở Giải Cánh diều vẫn là danh sách thành viên ban giám khảo (BGK) cho hạng mục này. Bà Dương Cẩm Thúy, Trưởng BTC, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, cho biết thành phần BGK phim truyện nhựa năm nay kết hợp lực lượng già lẫn trẻ. Những tên tuổi gạo cội của làng điện ảnh như NSND Huy Thành-Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM, nhà văn Lê Văn Thảo-Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, NSND Khải Hưng - Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh VN, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên... sẽ cùng những gương mặt trẻ như quay phim K’Linh, diễn viên Đỗ Hải Yến chọn ra những tác phẩm, cá nhân xuất sắc nhất để trao giải. Cách làm này tuy có vẻ dung hòa được quan điểm, cách nhìn của BGK với từng tác phẩm điện ảnh nhưng với tuổi đời lẫn tuổi nghề còn non trẻ như K’Linh hay Đỗ Hải Yến, việc họ đảm nhiệm vai trò người cầm cân nảy mực xem ra khó mà thuyết phục được các đạo diễn có phim dự thi, nhất là các đạo diễn có tên tuổi như Vương Đức, Nguyễn Thanh Vân, Đào Duy Phúc... Dư luận vẫn cho rằng cách làm này không có gì khác so với những năm trước đây khi kết quả giải vẫn được quyết định bởi một nhóm người. Giải Oscar sở dĩ kết quả bảo đảm được tính chính xác là do hàng trăm thành viên trong và ngoài Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ bỏ phiếu. Liệu tính khách quan của chừng ấy con người trong BGK đến đâu?

Vẫn là chàng nhà quê thích diện veston

Lễ trao Giải Cánh diều năm nay, theo BTC, đã nhận được sự tài trợ của một số đơn vị và khâu tổ chức cũng được giao cho một đơn vị tổ chức sự kiện nên sẽ diễn ra trang trọng, hoành tráng hơn. Thế nhưng, thực tế ngoài số tiền 400 triệu đồng Nhà nước chi cho hội để làm tiền thưởng hằng năm cho hội viên như các hội nghệ thuật chuyên ngành khác, số tiền mà BTC có được để tổ chức đêm trao giải chỉ vài trăm triệu đồng, bao gồm cho việc ăn ở, đi lại của nghệ sĩ phía Bắc vào dự. Theo đạo diễn Đinh Anh Dũng, với số tiền này thì đã không đủ để tổ chức một chương trình trao giải tại Nhà hát Hòa Bình nói gì phải lo bao luôn những chi phí tổ chức khác.

Năm nay BTC nảy ra sáng kiến bán vé cho khán giả (với mức vé 100.000 đồng và 200.000 đồng/vé). Tuy nhiên với những lùm xùm về hai giải thưởng Cánh diều vàng 2006 và Bông sen vàng (Liên hoan Phim VN lần thứ 15 vừa qua) thì liệu Giải Cánh diều 2007 có đủ uy tín quy tụ được các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia để bán vé như BTC mong muốn. Mong muốn đưa giải thưởng của Hội Điện ảnh VN Cánh diều trở thành sự kiện trong đời sống công chúng bằng hình thức tổ chức trao giải quy mô, hoành tráng, nhưng thực tế Hội Điện ảnh, nhiều năm nay, lực bất tòng tâm. Và lễ trao Giải Cánh diều vẫn như người nhà quê thích diện đồ veston.

Nếu không tự đổi mới từ chính cách tổ chức và tư duy chấm giải, không làm “sạch” được kết quả giải thưởng để tạo dựng uy tín cho giải thì Cánh diều mãi mãi vẫn chỉ là cánh diều không gặp gió.

Không có tên Dòng máu anh hùng

Sau khi bỏ lỡ dịp tham dự giải Cánh diều 2006 vì không kịp làm hậu kỳ, bộ phim Dòng máu anh hùng (Hãng phim Chánh Phương) là tác phẩm được chờ đợi nhiều nhất và hứa hẹn sẽ làm nên chuyện ở Giải Cánh diều năm nay. Thế nhưng rốt cục danh sách các phim truyện nhựa dự tranh không có tên Dòng máu anh hùng. Theo lời Băng Giang, đại diện Hãng phim Chánh Phương, hãng không nhận được thông báo gì của Hội Điện ảnh VN về việc gửi phim tham gia Giải Cánh diều 2007. Vả lại dù sao phim Dòng máu anh hùng cũng đã nổi tiếng quá rồi, có dự giải này nữa hay không thì với hãng cũng không quan trọng nên không quan tâm.

Phim truyền hình của tư nhân thờ ơ

Giải Cánh diều 2007 có tổng cộng 84 bộ phim và 4 công trình nghiên cứu tham gia tranh giải. Chia làm 6 thể loại: phim truyện nhựa, phim truyền hình dài tập, phim truyền hình ngắn tập, phim tài liệu và khoa học (nhựa lẫn video), phim hoạt hình và công trình nghiên cứu. Năm 2007 đánh dấu một năm bùng nổ phim truyền hình với sự tham gia năng động của đông đảo các hãng phim tư nhân phía Nam. Thế nhưng đại diện phía Nam dự tranh giải này chỉ có hai đơn vị: M&T Pictures với phim Ván cờ tình yêu (30 tập) và TFS với phim Thám tử tư (19 tập). Điều này cũng phản ánh phần nào sự thờ ơ của các hãng phim tư nhân với giải thưởng Cánh diều.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo