xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đời có đợi anh không?

Thanh Hiệp

Sa ngã trước những lỗi lầm để nhận lấy hậu quả sau nhiều năm cải huấn trong nhà giam, ba chàng trai có chung số phận: Tuấn (Cao Minh Đạt), Thiết (Hữu Quốc), Thành (Hoàng Anh) đã háo hức trở về làm lại cuộc đời, nhưng cuộc đời có chấp nhận họ không?

Lỗi tại ai?

Câu chuyện xoay quanh số phận đáng thương của Tuấn. Tai nạn giao thông do bạn anh gây ra chính là nguyên nhân đẩy anh vào tù. Vì thương bạn, anh đã đứng ra nhận tội, để rồi sau thời gian học tập, cải tạo tốt anh được trả tự do sớm hơn hạn định. Nhưng rồi cuộc trở về của anh đã nhuốm màu đen tối. Niềm vui bỗng tắt ngấm khi anh đối diện với một thực tại phũ phàng. Sự xa lánh của người thân, bạn bè, ngay cả với người yêu. Ca sĩ Thiên Nga (Quỳnh Anh) đã thẳng thừng từ chối, còn cha mẹ của cô – ông bà Thịnh Vượng (NSƯT Việt Anh – Tuyết Thu) với ánh mắt nghi kỵ, khinh rẻ. Tuấn như rơi xuống vực sâu tăm tối. Anh gặp quá nhiều rắc rối bởi sự cảnh giác đối với một “thằng tù”. Còn với Thành, có vốn liếng Anh ngữ, ra tù đã xin đi dạy học. Công việc làm gia sư bước đầu đã giúp Thành vui mừng đón nhận những hạnh phúc của một người đã sửa sai. Bỗng nhiên cha mẹ của đứa học trò cho anh nghỉ dạy, chỉ vì lý lịch của anh không trong sáng. Thiết lại càng tủi hổ hơn khi anh xin được vào làm công nhân trong công trường xây dựng, để rồi một hôm công trường bị mất xi măng, người bị nghi ngờ không ai khác ngoài Thiết. Bị đuổi việc với nguyên nhân không phải mình làm, Thiết hụt hẫng, tìm đến hai người bạn tù chung cảnh ngộ. Cả ba đã quyết định trở về trại giam để được sống thanh thản, được là chính mình trong suy nghĩ của mọi người chung quanh.

Liên hệ với cuộc sống bên ngoài, không hẳn chỉ là những người tù, bị phân biệt đối xử khi họ đã hoàn thành những án tù, cuộc đời đã thật sự không đợi chờ ngay cả với những thanh niên sau cai nghiện. Thành phố chúng ta đã đứng trước biết bao áp lực khi phải giải quyết việc làm như thế nào cho những thanh niên lầm lỡ, quyết tâm làm lại cuộc đời. Họ cũng đã trở về nhưng rồi không hòa nhập được với cộng đồng, đành phải trở lại trường cai nghiện, như số phận của Thiết, Tuấn, Thành. Ở vở kịch này, tác giả và đạo diễn Doãn Hoàng Giang đã đặt ra một câu hỏi rất nan giải. Cuộc đời có thật sự đợi chờ anh không nếu bản thân anh không tự khẳng định mình xứng đáng với lòng tin đó? Mỗi nhân vật trong kịch hãy tự trả lời với chính mình. Lớp diễn xúc động, đầy căng thẳng và cũng nhiều thú vị chính là khi cậu Quân – một đại tá về hưu, chủ một xí nghiệp- đã khỏa lấp được nỗi tuyệt vọng của ba chàng trai vừa mới ra tù. Ông đã dùng lý trí và sức mạnh của một con người từng trải, từng đương đầu với kẻ thù để cứu lấy lòng tin đang héo hắt của ba người bạn trẻ mà ông tin rằng họ sẽ vượt qua. Không thể ép người khác phải tin mình khi chính mình còn nghi kỵ với bản thân. Sự mặc cảm, tự ti và hèn nhát đối diện với sự thật chính là kẻ thù lôi kéo bước chân trở về của họ.

Hiệu quả của vở diễn

Lần đầu tiên dàn dựng kịch trên Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B, đạo diễn NSND Doãn Hoàng Giang đã đặt ra một luận đề gai góc. Ấn tượng đẹp của vở diễn chính là những xử lý hết sức nhân bản, để câu chuyện không dừng lại ở sự mạch lạc, lôi cuốn mà còn theo chân người xem về đến tận nhà với bao suy nghĩ về cái nhìn đối với những số phận đã hoàn thành án tù. Sự hài hòa trong diễn xuất của các nghệ sĩ đã nâng cao hiệu quả của vở diễn. Âm nhạc và ánh sáng đã hỗ trợ thật đắc lực cho diễn xuất. Tính triết lý của vở kịch còn bao hàm những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống, khi mà người xem liên tưởng đến những vấn đề khác liên quan đến giáo dục, môi trường sống và cả sự tha thứ để dòng đời không nhiều ghềnh thác.

Xem kịch của đạo diễn Doãn Hoàng Giang để thích thú với các tính cách nhân vật. Ông luôn để diễn viên tự sáng tạo, tự nghiền ngẫm vai kịch của mình, nhưng rồi trong tổng thể một bức tranh họ sẽ trở thành những gam màu mà ông là người điểm xuyến. Cách nhấn nhá trong cách diễn của NSƯT Việt Anh là một bằng chứng sinh động. Việt Anh là một điểm nhấn độc đáo trong vở kịch này khi mà cá tính đáng sợ của nhân vật Thịnh, cộng thêm sự mưu toan, khinh bỉ của bà Vượng (Tuyết Thu) đã làm cho người xem cảm nhận những bất an đối với Tuấn. Việt Anh và Tuyết Thu đã là điểm tựa để Cao Minh Đạt, Hoàng Anh tỏa sáng trong kịch bản này. Bất ngờ hơn khi Mỹ Uyên bỏ đi tính cách quen thuộc của mình, để cất nét duyên lẳng lơ để vào vai cô bé Hà ngây thơ, trong sáng, quyết tâm minh oan cho anh Hai mình là Tuấn. Công Ninh vẫn là một nghệ sĩ thiện nghệ trong những vai diễn gây cao trào cho kịch. Vai cậu Quân hết sức trầm tĩnh nhưng giàu sức biểu cảm khiến người xem nghẹt thở khi chứng kiến phát súng Quân bắn vào con gấu bông để trấn áp lòng tin đang rơi xuống vực thẳm của ba chàng trai tội nghiệp.

Kịch khép lại khi các nhân vật họ đã thật sự đứng lên bằng đôi chân và sức mạnh từ lòng tin của chính mình. Vui mừng hơn khi giới chuyên môn cảm nhận rõ sự truyền nghề hết sức tận tình của những bậc cao niên như đạo diễn Doãn Hoàng Giang, NSƯT Việt Anh đối với dàn diễn viên trẻ: Cao Minh Đạt, Hoàng Anh, Mỹ Uyên, Tuyết Thu... Sự dìu dắt này đã giúp họ vững bước trên con đường đã chọn, để có thể phát huy nghề nghiệp khi được làm việc với những con người hết lòng vì nghệ thuật. Chính sự kế thừa đó đã cho họ khả năng ứng biến với những vai diễn khó về sau. Và Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B mãi mãi vẫn là nơi nhân rộng những hiệu quả nghệ thuật sau những công trình thể nghiệm đáng quý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo