xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Huyền sử cò Lộc

THẢO HƯƠNG

Bộ trưởng Nội vụ Pháp gọi ông là “một khuôn mặt biểu tượng của thế giới cảnh sát”. Những cảnh sát viên ở thành phố Marseille từng làm việc dưới quyền gọi ông đơn giản là Bố. Ông là Georges Nguyễn Văn Lộc, tức “cò Lộc”, một huyền thoại trong giới cảnh sát Pháp

Đêm thứ bảy rạng sáng chủ nhật tuần rồi, cò Lộc đã qua đời tại nhà riêng ở thành phố Cannes, sau một cơn đột quỵ. Hưởng thọ 75 tuổi. Ông mất đi nhưng những giai thoại về cò Lộc vẫn sống mãi.

“Bố tôi là thủy thủ, người Nam Định, còn mẹ tôi là người Hà Nội. Bố mẹ tôi di cư sang Pháp năm 1914. Tôi sinh ngày 2-4-1933 tại Panier, thành phố Marseille, miền Nam nước Pháp”. Panier là một khu phố nghèo. Đây cũng là nơi sinh trưởng và lớn lên của nhiều ông trùm băng đảng xã hội đen khét tiếng như Gaetan Zampa, tức Tany Zampa.

Như vậy, ngay từ nhỏ ông Lộc đã sống trong một môi trường đầy bất ổn. Không rõ có phải đó là lý do để ông xung phong vào ngành cảnh sát sau khi tốt nghiệp bằng tú tài. Sau ba năm học trường quốc gia cảnh sát ở Saint-Cyr-au-Mont-d’Or ở Lyon, ông trở về Marseille.

Georges Moreas, cựu cảnh sát viên, viết trong mục Blog của nhật báo Le Monde, nhắc lại một kỷ niệm làm ông nhớ mãi về tính cách của ông Lộc: “Một hôm Christian Bonnet, Bộ trưởng Nội vụ Pháp, viếng thăm sở cảnh sát Marseille. Tất cả mọi người, từ giám đốc sở đến cảnh sát viên quèn, đều có mặt đầy đủ. Khi bộ trưởng đi ngang qua, Văn Lộc bước tới hỏi: “Thưa ngài bộ trưởng, hẳn ngài chưa quên tôi ? Ngài từng hứa sẽ gắn lon sư đoàn cho tôi...”.

Sáng lập viên GIPN Marseille

Ngài bộ trưởng gật gù làm ra vẻ nhớ mà không biết ông có nhớ thật hay không. Chỉ biết rằng sau đó, “thằng Chệt” (người Pháp có thói quen gọi tất cả những người châu Á giống người Hoa là Le Chinois tức thằng Chệt) được thăng chức. Theo Moreas, Văn Lộc hoàn toàn xứng đáng.

Như thế, ngày 1-7-1972, Georges Nguyễn Văn Lộc trở thành cảnh sát trưởng quận 7 thành phố Marseille, một địa phương nổi tiếng bất an. Từ khi ông làm cảnh sát trưởng, tình hình an ninh trật tự trong quận khá hơn. Một số tay trùm băng đảng xã hội đen chuyên trấn lột, trộm cướp, mua bán ma túy lần lượt bị bắt.

Cũng trong năm 1972, cò Lộc là một trong những người sáng lập GIPN, tức lực lượng can thiệp cảnh sát quốc gia, chuyên xử lý những vụ bắt cóc con tin, khủng bố, bạo động và hộ tống VIP (nhân vật rất quan trọng) v.v...

Trở thành đội trưởng GIPN Marseille, cò Lộc là khắc tinh của các băng đảng, giải cứu được nhiều con tin v.v... mà nổi tiếng nhất là vụ giải cứu con tin bị bắt cóc ở sân bay Marignane vào cuối thập niên 1970 hoặc vụ một tên vô lại bắt hai thành viên của gia đình ông ở Cagnes-sur-Mer. Đầu thập niên 1980, một tên ghiền xì ke bắt cóc mẹ ruột của ông rồi tử thủ trong một căn hộ ở Marseille. Ông và lính của ông giả dạng làm nhân viên y tế đột nhập vào nhà bắt gọn tên này.

Cò Lộc cũng từng được giao nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng Israel Ariel Sharon, bà Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, Tổng thống Mitterrand v.v... khi các vị này đến thăm Marseille.

Sếp lớn

15 năm làm đội trưởng gipn, với tấm lòng nhân hậu rất việt nam, một sự can đảm phi thường, cò Lộc đã giải quyết thành công những vụ án khó khăn và nguy hiểm nhất với một phương pháp riêng. René Giancarli, cựu thành viên GIPN Marseille, xác nhận: “Ông là người đầu tiên yêu cầu phải có người trung gian để giải quyết những vụ án phức tạp”.

Marc Labouz, lính cũ của cò Lộc, cũng ca ngợi: “Đó là sếp lớn của tụi tôi. Ông không ngại xung phong ra tuyến đầu và đối với chúng tôi ông xử sự như một ông bố. Ông ấy bảo vệ chúng tôi trong mọi trường hợp”.

Tờ La Provence mô tả Văn Lộc là một người rất có uy tín, khi hành hiệp luôn tuân thủ một kiểu danh dự tuy có xưa một chút nhưng rất được dân giang hồ nể trọng. Ông thường nói: “Đối với những tên vô lại tôi luôn luôn chơi đúng luật. Lúc nào tôi cũng tạo ra một cơ hội cuối cùng cho chúng”. Ông về hưu năm 1989 sau một vụ can thiệp thất bại mà lỗi thuộc về cấp trên của ông.

Ngày 9-2-1987, khoảng một chục tên cướp đột nhập trụ sở Quỹ Tiết kiệm Cinq-Avenues ở Marseille, bắt cóc 22 khách hàng và nhân viên ngân hàng. Cò Lộc dẫn đội GIPN đến. Bọn cướp đòi 30 triệu quan tiền chuộc, xe hơi để thoát thân. Cuộc thương thuyết đang diễn ra thì cò Robert Broussard từ Paris dẫn đội đặc nhiệm RAID xuống. Từ lâu Broussard ganh tị với cò Lộc. Lập tức nổ ra một cuộc tranh biện. Cò Lộc đòi đánh vì bọn cướp rất xảo quyệt trong khi cò Broussard chủ trương tiếp tục thương thuyết.

Broussard, cậy chức giám đốc Trung ương Cảnh sát đô thị, tranh giành quyền chỉ huy ra lệnh tiếp tục thương thuyết. Ông ta không ngờ rằng thương thuyết chỉ là kế hoãn binh của bọn cướp để có thời gian đào hầm ngầm ra ống cống lớn tẩu thoát hết. Khi cò Broussard vào được bên trong thì bọn cướp đã biến mất với hơn 10 triệu quan, để lại 276 chiếc két của khách hàng trống trơn. Các con tin rất may không bị hề hấn gì. Cò Lộc nói thẳng với Broussard: “Mày là thằng hề ở Marseille. Mày cũng sẽ là thằng hề ở Paris”. Cảnh sát Marseille được một dịp cười hả hê, nhưng trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về cò Lộc.

Hai năm sau, cò Lộc xách va li về nhà. Ông viết 6 cuốn hồi ký kể lại cuộc đời và những vụ án nổi tiếng của ông. Đài truyền hình đã chuyển thể các hồi ký này thành bộ phim truyền hình 9 tập rất ăn khách (ở Việt Nam và thế giới) có tựa đề Văn Lộc: Một ông cớm lớn ở Marseille do chính cò Lộc đóng vai chính.

Tình bạn

Khi Giovanni Falcone, quan tòa nổi tiếng chống mafia Ý với phiên tòa marathon xét xử 465 bị cáo, tuyên án 2.665 năm tù hồi tháng 11-1987, đến thăm Marseille hồi tháng 10-1986, ông được cò Lộc đích thân bảo vệ. Trong thời gian gần gũi, Falcone và Văn Lộc nảy sinh tình cảm bạn bè thân thiết. Cái chết bất ngờ của Falcone năm 1992 đã để lại trong lòng ông một nỗi buồn sâu sắc.

Falcone đến Marseille để bàn bạc việc hợp tác chống mafia bởi nước Pháp bị mafia Ý đe dọa sau khi biên giới Ý-Pháp được mở toang. Cò Lộc đã bố trí cho Falcone ở nhiều khách sạn khác nhau, mỗi ngày một cái. Ông cũng lên những phương án bảo vệ Falcone trong trường hợp khẩn cấp ngoài chuyện làm thường xuyên là hằng giờ theo dõi hành tung của những đối tượng khả nghi.

Cò Lộc trước đó vốn khâm phục Falcone khi ông này thành lập tổ nhóm chống mafia, tập hợp một số vị thẩm phán can đảm theo dõi 24/24 giờ các hoạt động tội ác của các băng đảng mafia Ý. Sau phiên tòa marathon nói trên, Falcone trở thành anh hùng dân tộc và một biểu tượng chống cái ác nổi tiếng ở Ý. Đồng thời Falcone cũng trở thành kẻ thù số 1 của băng nhóm mafia Cosa Nostra. Sợ bị ám sát, Falcone được ba cảnh sát Ý bảo vệ 24/24 giờ. Tuy vậy, ngày 23-5-1992, chiếc xe hơi chở ông và vợ cùng với ba vệ sĩ bị tên Giovanni Brusca gài bom và nhấn nút cho nổ tung.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo