Cây tràm bị cháy đến hai lần
Lửa âm ỉ cháy dưới lớp than bùn trong lòng đất, khói trắng bốc lên như sương phủ trắng khu rừng, rồi cả một thảm rừng chết khô lại tiếp tục làm mồi cho lửa. Người bản xứ đau đớn cảm nhận rằng, cây tràm đã bị cháy đến hai lần!
Chiếc vỏ lãi chở chúng tôi vượt lên những thân tràm vừa ngã gục nằm sắp lớp ngang dòng kinh để vào giữa khu rừng mà ngọn lửa vừa mới đi qua. Không ai dám bước lên bờ vì khói từ lớp than bùn trong lòng đất cứ bốc lên nghi ngút. Nhìn mút tầm mắt, bốn bề vẫn một màu đen như... tràm cháy. Những thân tràm to ba - bốn gang tay nằm chồng chéo lên nhau trông thật xác xơ. Anh Sáu Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, cho biết những cây tràm này có trên trăm năm tuổi, đây là khu rừng có hệ sinh thái nguyên thủy, chưa bị tác động lần nào. Tôi hỏi anh đánh giá thế nào về sự mất mát này, Sáu Tuấn lắc đầu nói: Nếu đây là rừng kinh tế thì có thể lấy diện tích bị cháy nhân cho khối lượng gỗ để tính con số thiệt hại là mấy trăm hay mấy ngàn tỉ đồng. Nhưng đây là vườn quốc gia, là khu bảo tồn thiên nhiên thì làm sao tính được giá trị.
Sợ ông Mười tự tử
Tôi đang suy nghĩ miên man thì bất chợt Sáu Tuấn đưa tôi trở về thực tại, anh nói cháy rừng là cháy bao nhiêu mơ ước của các anh. Kiên Giang vừa đang đầu tư 260 tỉ đồng cho các dự án của rừng U Minh Thượng: Một con đường nhựa 60 km bao quanh 21.000 ha rừng đang sắp sửa hoàn thành, trong đó có đoạn đường rộng 5 m, dài 8 km đi vào khu bảo tồn thiên nhiên hiện đang thi công nước rút để triển khai dự án xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa và du lịch hồ Hoa Mai, rồi dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm U Minh Thượng đã triển khai được hai năm đang thu được kết quả khả quan mà tỉnh vừa tổng kết để báo cáo lên Chính phủ. Ngoài các dự án lớn của tỉnh, dự án CARE của Đan Mạch cũng đã triển khai với nguồn vốn 2 triệu USD cho chương trình phát triển cộng đồng và bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng, trong đó có chương trình nghiên cứu động thực vật, thổ nhưỡng, thủy văn... nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.
Vậy đó, tất cả những việc đã làm, đang làm và sẽ làm bằng tâm huyết để giữ gìn và tôn tạo một khu rừng bây giờ đã trở thành tro bụi...
Chiều hôm ấy, sau chuyến thị sát bằng trực thăng trở về, Trung tướng Đỗ Trung Dương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Bộ Quốc phòng, thất vọng, buồn bã nói với Đại tá Bùi Văn Ngần, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC: Bằng mọi giá, phải giữ lấy cái bìa rừng còn lại cặp tuyến kinh để anh Mười Đởm bớt đi cái cảm giác trống vắng. Có lẽ trong những ngày này, ngoài việc lo cho rừng, những người có mặt ở đây đều lo cho số phận của ông Mười Đởm, liệu ông có chịu đựng nổi không khi cả đời ông hy sinh trọn cho rừng mà giờ đây, đến những năm tháng cuối đời phải nhìn cảnh rừng đang cháy rụi? Anh Năm Hương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nói với chúng tôi: “Hôm lửa mới bốc cháy ở khu rừng già, ông Mười tức tốc xuống vỏ lãi vào trong đám cháy, tôi hốt hoảng xuống một chiếc vỏ lãi khác chạy theo vì sợ ổng nhảy vào lửa tự tử”.
“Thôi thì đành vậy!”
Đợi lúc vắng người, tôi gợi ý với ông Mười rằng đêm nay tôi muốn tâm sự với ông, muốn nghe ông kể những kỷ niệm của cuộc đời ông gắn bó với khu rừng này, nhưng ông lắc đầu và trả lời rất gọn: “Đầu óc tôi đang không bình thường, đừng hỏi han gì hết!”.
Vậy là suốt những ngày ở rừng, tôi không hề hỏi ông được một câu, và cũng không nghe ông nói điều gì, chỉ thấy ông như người mất hồn, đôi mắt trũng sâu lúc nào cũng dán chặt vào đám cháy với niềm tuyệt vọng, đau thương. Tôi đã đọc tập truyện ký dày hơn 100 trang tập hợp 10 bài báo viết về ông với cái tựa là Người của rừng. Tuy quyển sách xoay quanh phần việc của ông nhiều hơn phần đời, song nó làm nổi bật lên bức chân dung của một con người đúng như tên sách. Người của rừng sinh ra và lớn lên ở rừng, 30 năm kháng chiến giữ rừng, đất nước hòa bình, ông ở lại trồng rừng và bảo vệ rừng, 75 tuổi vẫn chưa chịu về hưu. Một con người không có lấy một tài sản riêng, ông nói rằng tài sản của ông là tài nguyên thiên nhiên, là cả khu rừng U Minh Thượng, ông sẽ gắn bó suốt đời và sẽ gởi thân lại ở rừng cho trọn nghĩa. Vậy mà bây giờ rừng cháy, ông chẳng khác nào trở thành kẻ khánh kiệt, trắng tay.
Thỉnh thoảng tôi nhìn ông rồi lại nhìn khu rừng vừa hoang phế với tro than, tôi hình dung cái khoảng trống trong tâm hồn ông nó khủng khiếp đến dường nào! Tôi muốn nói với ông: “Thôi thì đành vậy!”. Tôi viết những dòng này để chia sẻ với ông - Anh hùng Lao động Bành Văn Đởm.
Bình luận (0)