xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bảo vệ Lý tưởng Đảng: Khơi thông "mạch nguồn tư tưởng" trong dân

Bài và ảnh: HOÀNG PHÚC

Các mô hình "Dân vận khéo" ở Quảng Bình đã giúp người dân giải tỏa những vướng mắc, đồng thuận trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ổn định cuộc sống gia đình

Huyện Bố Trạch là một trong những địa phương ở tỉnh Quảng Bình triển khai mô hình dân vận khéo "Mỗi xã giúp mỗi bản". Tuy mới thực hiện nhưng mô hình này đang tạo sức lan tỏa, không chỉ giúp hộ nghèo, bản nghèo vượt khó, nâng cao đời sống mà còn góp phần gắn kết nghĩa Đảng, tình dân.

Bản làng "thay da đổi thịt"

Bản Nịu ở xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch có 37 hộ dân với 142 nhân khẩu, phần lớn đều thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Khi triển khai mô hình "Mỗi xã giúp mỗi bản", xã Trung Trạch được phân công hỗ trợ bản Nịu.

Bí thư Đảng ủy xã Trung Trạch Nguyễn Minh Quang cho biết để triển khai hiệu quả, xã đã lập đoàn công tác tìm hiểu thực tế đời sống dân bản, từ đó có sự hỗ trợ phù hợp. Xã Trung Trạch kêu gọi sự chung tay hỗ trợ nguồn lực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để triển khai một số hạng mục công trình thiết yếu giúp bản Nịu.

Với sự hỗ trợ về kinh phí và nhân lực của xã Trung Trạch, nhà văn hóa cộng đồng và hệ thống nước sạch ở bản Nịu được sửa chữa, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Các đoàn thể xã Trung Trạch thì giúp người dân vật nuôi, cây trồng và hướng dẫn kỹ thuật để phát triển chăn nuôi, trồng trọt.

Trong khi đó, xã Thanh Trạch được giao giúp bản Bụt, xã Thượng Trạch. Nhờ dân vận khéo, cán bộ và người dân xã Thanh Trạch đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ xây dựng các điểm cấp nước sinh hoạt, cổng trường mầm non; xây các chuồng nuôi nhốt và tặng vật nuôi, tạo sinh kế cho dân bản.

Ông Đinh Cu, Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, nhìn nhận nhờ mô hình "Mỗi xã giúp mỗi bản" mà bộ mặt của nhiều bản làng dần "thay da đổi thịt". Nhiều công trình phúc lợi được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa; các mô hình chăn nuôi, trồng trọt được triển khai thực hiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo. "Mỗi xã giúp mỗi bản" còn góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào vùng cao trong sinh hoạt, giao tiếp và cách thức làm kinh tế để ổn định, phát triển cuộc sống.

Theo Ban Dân vận Huyện ủy Bố Trạch, qua gần một năm triển khai "Mỗi xã giúp mỗi bản", toàn bộ 22 xã, thị trấn trong huyện đã thực hiện mô hình này ở 22 bản, với kinh phí hơn 3,1 tỉ đồng. Không chỉ giúp đầu tư các thiết chế văn hóa, tu sửa công trình công ích, hỗ trợ sinh kế mà việc thực hiện mô hình dân vận này còn góp phần giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng bản làng văn hóa.

Bảo vệ Lý tưởng Đảng: Khơi thông "mạch nguồn tư tưởng" trong dân- Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình trò chuyện, vận động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam

Gỡ vướng cho dự án trọng điểm

Quảng Trạch là địa phương có nhiều dự án trọng điểm đang triển khai hoặc đi qua địa bàn, như: công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển và cầu Nhật Lệ, đường dây 500 KV (từ Quảng Bình đến Hưng Yên)... Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) những dự án này gặp nhiều khó khăn.

Đây được xem là thách thức rất lớn đối với cấp ủy, chính quyền các cấp ở Quảng Bình. Song, nhờ dân vận khéo, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, "nút thắt" GPMB dần được tháo gỡ, góp phần đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trước đó, khi hay tin dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Quảng Trạch tiến hành đo đạc thực địa, một số hộ dân đã xây nhà cửa, tạo mộ gió, trồng cây… để chờ được đền bù. Tổ "Dân vận khéo" huyện Quảng Trạch liền vào cuộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động từng hộ dân; tham mưu cho các đơn vị, chính quyền địa phương xử lý những trường hợp xây dựng trái phép, kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm...

Ông Lê Hồng Việt - Chủ tịch UBND xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch - cho biết xã đã tổ chức hội nghị cán bộ cốt cán để triển khai mô hình "Dân vận khéo"; lồng ghép tuyên truyền, giới thiệu tổng quan và các thông tin cơ bản về dự án để người dân nắm bắt. Chính quyền và chủ đầu tư cùng các trưởng thôn kiểm tra thực tế; tổ chức hội nghị dòng họ, giao nhiệm vụ cụ thể cho các trưởng họ... Hiểu được nhiều nội dung mà lâu nay còn "lấn cấn", người dân đã ủng hộ, nhận tiền đền bù. Nhờ đó, việc GPMB dự án tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Trạch đã hoàn thành đúng tiến độ.

Một công trình trọng điểm của tỉnh Quảng Bình là xây dựng Trung tâm Điện lực Quảng Trạch nhưng khâu GPMB cũng gặp khó khăn bởi nhiều hộ dân không chịu nhận tiền đền bù. Họ liên tục gửi đơn kiến nghị, thậm chí cản trở việc triển khai dự án.

Trước tình hình đó, Huyện ủy Quảng Trạch đã đẩy mạnh phong trào thi đua "Dân vận khéo" trong cả hệ thống chính trị, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã liên tục gặp gỡ, tổ chức đối thoại giữa người dân với chủ đầu tư để kịp thời giải đáp các thắc mắc.

Ông Nguyễn Văn Uy - ngụ xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch - là người nhất quyết không chịu nhận tiền đền bù, nhận đất ở khu tái định cư. Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch đã đến gia đình ông trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để khơi thông "mạch nguồn tư tưởng".

Các quy định về đền bù, GPMB đối với gia đình ông Uy và người dân địa phương nói chung được rà soát kỹ lưỡng trên tinh thần không để ai thiệt thòi. Nhờ đó, ông Uy dần đồng thuận rồi tháo dỡ nhà, giao đất cho dự án, đến sinh sống trong căn nhà mới ở khu tái định cư.

Theo ông Phan Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Quảng Trạch, để nhường mặt bằng cho dự án Trung tâm Điện lực Quảng Trạch, hơn 500 hộ dân phải di dời đến nơi ở mới. Lúc đầu, họ không muốn rời bỏ nơi đã gắn bó với mình bao đời nay. Nhờ được tuyên truyền, vận động, họ hiểu được đây là chủ trương lớn của Đảng bộ, chính quyền địa phương nên dần ủng hộ.

"Đến nay, hơn 400 hộ dân đã đến làm nhà mới ở khu tái định cư, biến nơi đây thành vùng dân cư kiểu mẫu, khang trang của xã Quảng Đông" - ông Sơn cho biết.

Kịp thời tháo gỡ, chia sẻ khó khăn

Ông Phan Mạnh Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Bình - cho biết thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", thời gian qua, công tác dân vận luôn được tỉnh chú trọng; nhờ đó đã góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ những điểm nghẽn khi thực hiện các dự án trọng điểm. Từ những cách làm hay, sáng tạo của Đảng bộ các huyện, Tỉnh ủy Quảng Bình đã chỉ đạo thực hiện mô hình "Dân vận khéo" trên nhiều lĩnh vực kinh tế và đời sống xã hội với sự tham gia của cả hệ thống chính trị.

Qua mô hình "Dân vận khéo", cơ quan chức năng hiểu hơn về đời sống, tâm tư của người dân để kịp thời tháo gỡ, chia sẻ khó khăn. Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng được tuyên truyền, vận động để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; góp phần xây dựng bản làng ngày càng phát triển.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo