Manga được cho là công cụ phổ biến lòng yêu khoa học hiệu quả. Ảnh: nostarch.com
No Starch Press, một nhà xuất bản sách tại San Francisco (Mỹ), vừa tung ra một loạt các bộ truyện manga chuyên dùng để dạy toán và khoa học. Đây là những bộ truyện nguyên tác từ tiếng Nhật và được dịch sang tiếng Anh để phù hợp với thị trường Mỹ. Có hẳn một quyển dạy về thuyết tương đối, cũng như tích phân, đại số tuyến tính, sinh hóa và những môn học đau đầu khác.
Đối với những người trưởng thành, cốt truyện có vẻ hơi… ngốc. Thông thường nó sẽ xoay quanh chuyện một nữ sinh cực kỳ xinh xẻo, hoặc một nam sinh có vẻ ngoài mơ mộng, người chuyên đi thách thức thầy cô giáo cũng dễ thương không kém về một vấn đề nào đó mà cô cậu này chưa lĩnh hội được. Tuy nhiên, nhà sáng lập kiêm chủ tịch No Starch Press là ông Bill Pollock cho hay hiệu quả của những cuốn manga mang lại rất đáng ngạc nhiên, đặc biệt đối với những học sinh ở độ tuổi quyết định để lĩnh hội các kiến thức về toán và khoa học. “Manga chính là công cụ”, ông nói.
Giáo dục bằng truyện tranh không phải là quá mới mẻ. Gần đây, nhà sáng tác truyện tranh Larry Gonick đã tận dụng khung truyện manga để giải thích vô số vấn đề từ hóa học đến vật lý, thậm chí cả đề tải nhạy cảm như tình dục. Trong năm nay, những người hâm mộ bậc thầy vật lý học Feynman có thể tìm đọc quyển sách cùng tên về thiên tài quá cố này.
Manga đã xuất hiện từ nhiều năm nay tại xứ sở hoa anh đào. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã công bố báo cáo cho thấy các bộ truyện đầy hình ảnh dễ thương có thể chuyển tải thông tin trong một thời gian ngắn nhất nhưng lại tạo ấn tượng mạnh mẽ hơn so với các bộ sách giáo khoa trong trường học. “Sự kết hợp giữa hình ảnh và lời giải thích trong các cuốn manga được tận dụng để thúc đẩy khả năng học tập hiệu quả của người đọc. Bởi các bài kiểm tra được phát từ miệng nhân vật và mô tả bằng hình tượng đã đưa ra những lớp thông tin đa tầng, thu hút sự quan tâm của họ”, chuyên gia Satsuki Murakami và Mio Bryce viết trên tờ International Journal of the Humanities.
Tất nhiên, giảng bài bằng khung hình có thể gặp khó khăn. Đâu dễ khi buộc nhân vật là cô gái xinh như mộng thốt ra những từ như: “Phương trình thuận nghịch Lineweaver-Burk được xây dựng bằng cách tìm số nghịch đảo của mọi giá trị số học trên các cột đồ thị”. Vậy mà phương pháp dùng manga lại tỏ ra gây ấn tượng, đặc biệt đối với nhiều thiếu nữ tuổi teen, vốn chẳng mấy quan tâm đến toán học hay khoa học so với bạn khác phái đồng trang lứa.
Bình luận (0)