Vừa qua, Báo Người Lao Động liên tục thông tin vụ 2 bà Châu Thị Ba và Nguyễn Thị Liên (cùng ngụ ấp 1, xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu) có hành vi đập phá tài sản của bà Liên Mỹ Lén (ngụ cùng ấp) đến 36 lần. Điều đáng nói là dù cơ quan công an đã khởi tố bị can sau khi lập biên bản lần thứ 29 về cùng hành vi trên, bà Ba và bà Liên vẫn tiếp tục đập phá tài sản của bà Lén thêm 7 lần nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp ngăn chặn.
Cần xin ý kiến thường vụ?
Trả lời báo chí về việc vẫn để bị can tại ngoại sau khi tái phạm nhiều lần, lãnh đạo Công an huyện Giá Rai cho biết vụ việc phức tạp, cần xin ý kiến cấp trên. Ông Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, khẳng định hành vi của các bị can là nghiêm trọng, song vì bà Ba có tiền sử cao huyết áp và tuyên bố sẵn sàng quyên sinh trong trại giam nếu như bị bắt giữ nên các cơ quan chức năng thận trọng, từng bước thuyết phục bị can.
Trong khi đó, ông Phan Trường Giang, Viện trưởng VKSND huyện Giá Rai, cho rằng việc tạm giữ bị can là cần thiết vì đã bị khởi tố mà vẫn tái phạm nhiều lần trong lúc tại ngoại. Tuy nhiên, do vụ việc phức tạp, xảy ra trong thời điểm nhạy cảm nên cần xin ý kiến thường vụ, họp liên ngành để thống nhất biện pháp xử lý.
Phải có lý do khó xử
Trả lời của quan chức các cơ quan chức năng ở tỉnh Bạc Liêu khiến dư luận có nhiều câu hỏi. Theo ông Đoàn Ngọc Khuể, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, trong trường hợp này, việc cho bị can tại ngoại là đã thể hiện sự nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, việc tái phạm hành vi liên tiếp sau khi đã bị khởi tố là không thể chấp nhận, bắt buộc phải thực hiện biện pháp ngăn chặn. Song, nhìn từ bên ngoài có thể chưa đánh giá hết tính chất của vụ việc.
“Tôi nghĩ các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu chưa thực hiện biện pháp ngăn chặn đối với bị can cho đến lúc này chắc chắn phải có lý do khó xử. Đối với những vụ việc phức tạp, công an huyện xin ý kiến cấp trên là hợp lý. Tuy nhiên, dù lý do gì thì phải xử lý dứt điểm, không nên để sự việc kéo dài gây mất an ninh trật tự địa phương và tạo bức xúc trong dư luận” - ông Khuể lưu ý.
Luật sư Nguyễn Trường Thành, Trưởng Văn phòng Luật sư Vạn Lý (TP Cần Thơ), phân tích: “Không cần xem xét đến mức độ thiệt hại do các bị can gây ra, chỉ với hành vi cố tình tái phạm sau khi bị khởi tố là phải bắt tạm giam rồi. Đằng này tái phạm đến 7 lần mà vẫn tại ngoại là không thể chấp nhận được. Việc bà Ba có bệnh hay không cần có kết luận của cơ quan chức năng, song bệnh cao huyết áp lại không thuộc danh mục được xem xét cho tại ngoại. Còn chuyện dọa tự tử, nếu bị bắt giam thì trại tạm giam phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi này. Nếu ai vi phạm pháp luật cũng đều đòi tự tử như vậy thì phải xử lý làm sao? Việc du di với tội phạm là không thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Ngoài ra, có thể trong lúc đang gặp khó xử với vấn đề của bà Ba thì cơ quan công an vẫn phải tạm giam những bị can có liên quan khác”.
Nhà báo - luật gia Trần Thanh Giang (Thanh Thủy), Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh: “Tất cả mọi người đều phải bình đẳng trước pháp luật. Hành vi của bà Ba và bà Liên quá rõ ràng, nếu là người khác chắc chắn đã bị bắt giam từ lâu. Không có lời giải thích nào hợp lý cho sự tại ngoại của các bị can này ngoài sự bao che, dung túng. Tôi muốn đặt ngược lại vấn đề với cơ quan điều tra là chúng ta đang bảo vệ người bị hại hay người vi phạm pháp luật? Nếu người khác vi phạm pháp luật cũng đòi tự tử thì có phải bắt hay không? Việc bà Ba đòi tự tử là chuyện của bà ấy, cơ quan chức năng chỉ cần thực thi đúng pháp luật thì có gì phải lo sợ. Pháp luật không lẽ bó tay với người liều!”.
Cần khiếu nại
Có thể hành vi của 2 bà Châu Thị Ba và Nguyễn Thị Liên xuất phát từ sự bức xúc về kết quả giải quyết tranh chấp dân sự nhưng sự bức xúc đó đã vượt quá giới hạn, là vi phạm pháp luật. Hành vi này thực hiện nhiều lần, dày đặc trước và sau khi có quyết định khởi tố bị can, chứng tỏ quá coi thường pháp luật. Cơ quan công an chưa làm hết trách nhiệm và chưa phù hợp. Cụ thể, thời điểm quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can quá chậm (sau 2 năm và có 29 biên bản vi phạm hành chính) và không áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi tiếp tục phạm tội là trái với quy định của Bộ Luật Tố tụng hình sự (TTHS); lấy lý do sức khỏe của bà Ba để không áp dụng biện pháp tạm giam cũng không phù hợp và hoàn toàn cảm tính.
Trong trường hợp này, biện pháp tạm giam được áp dụng đối với bà Ba, bà Liên là phù hợp với điểm b, khoản 2, điều 88 Bộ Luật TTHS: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà nơi cư trú rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ những trường hợp sau đây: b) Bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn khác nhưng tiếp tục phạm tội hoặc cố ý gây cản trở nghiêm trọng đến việc điều tra, truy tố, xét xử”. Nếu cơ quan cảnh sát điều tra không áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam với 2 bị can này, bà Lén cần nộp đơn khiếu nại chính thức đến VKSND huyện Giá Rai theo quy định tại điều 325, 326, 333 Bộ Luật TTHS.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Giám đốc Hãng luật Giải phóng TP HCM)
Cố tình không xử lý
Vụ việc kéo dài gần 2 năm nhưng mãi đến lần thứ 29 thì cơ quan chức năng mới lập biên bản về các hành vi gây rối, đập phá tài sản người khác, Công an huyện Giá Rai mới ký quyết định khởi tố bị can đối với 2 bà Châu Thị Ba và Nguyễn Thị Liên về tội “Hủy hoại tài sản người khác”. Khi các quyết định khởi tố bị can được tống đạt đến bà Ba và bà Liên, sau đó, 2 người này vẫn tiếp tục đập phá nhà bà Liên Mỹ Lén thêm 7 lần.
Hành vi vi phạm diễn ra 36 lần và đến nay vẫn chưa bị xử lý triệt để, điều đó đã phản ánh sự dung dưỡng, bao che của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương. Hành vi hủy hoại tài sản của bà Ba và bà Liên không chỉ ảnh hưởng đến đời sống cá nhân bà Lén mà còn gây rối trật tự, an ninh địa phương nên đúng ra phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời để bảo vệ tài sản và bảo đảm cuộc sống của người dân. Thế nhưng, chính quyền địa phương thờ ơ, bao che, cố tình không xử lý. Thái độ của chính quyền địa phương làm cho người vi phạm càng xem thường pháp luật, làm cho người dân không tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật, khi mà cuộc sống của họ không được pháp luật bảo vệ đúng nghĩa.
Để xảy ra tình trạng này, nguyên nhân chủ yếu là do cán bộ địa phương không có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Những hành vi dung dưỡng, bao che của chính quyền địa phương là đáng lên án và cần phải bị xử lý.
Trả lời Báo Người Lao Động liên quan đến vụ việc, đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, cho rằng với những hành vi của bà Ba và bà Liên thì đúng ra phải bắt tạm giam nhưng vì một số lý do liên quan tới sức khỏe bà Ba (tuổi cao sức yếu) nên tinh thần là vận động thuyết phục. Như thế là không thỏa đáng bởi hành vi của bà Ba và bà Liên đã vi phạm pháp luật, bị khởi tố để điều tra về tội hủy hoại tài sản nhưng vẫn tái phạm liên tục. Điều đó cho thấy sự xem thường pháp luật, liệu rằng việc tiếp tục thuyết phục, giải thích có còn tác dụng; và theo thủ tục tố tụng hình sự thì nó không đúng trình tự giải quyết. Do đó, để giải quyết dứt điểm vụ việc này, cơ quan công an và chính quyền địa phương phải xử lý đúng pháp luật.
Nếu bà Ba đã có tuổi và sức khỏe không tốt thì công an có thể áp dụng biện pháp cho bà Ba tại ngoại nhưng đối với bà Liên thì cần bắt tạm giam để điều tra, truy tố về hành vi hủy hoại tài sản. Không thể dung dưỡng cho hành vi vi phạm vì một lý do nào đó để rồi chính người đó được nhởn nhơ, tiếp tục vi phạm và coi thường pháp luật.
Người dân và dư luận đang đặt câu hỏi rằng Công an huyện Giá Rai khi nào mới giải quyết dứt điểm được vụ việc và liệu chừng có điều gì khuất tất đằng sau lý do họ không quyết liệt xử lý nhằm bảo vệ tài sản, quyền lợi hợp pháp của người dân, đồng thời bảo đảm tình hình an ninh trật tự ở địa phương?
Luật sư Phạm Hoài Nam (Hãng Luật Bến Nghé - Sài Gòn)
Bình luận (0)