xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hòa bình

NGUYỄN THỊ HẬU

Hòa bình là đặc trưng nổi bật của "xã hội văn minh", là mơ ước của biết bao thế hệ người về một trạng thái tinh thần bình an, một cuộc sống hạnh phúc

Vào tháng 8-1996, tại New York - Mỹ, Ủy ban UNICEF của UNESCO đã đưa ra một chương trình giáo dục các giá trị toàn diện LVEP (Living Values an Educational Program) dành cho trẻ em trên toàn thế giới. Nội dung chính của chương trình là giáo dục nhận thức và tạo điều kiện cho trẻ em trải nghiệm các giá trị sống cơ bản của nhân loại, bao gồm: hòa bình, tôn trọng, tình yêu thương, khoan dung, trung thực, khiêm tốn, hợp tác, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, tự do và đoàn kết.

GIÁ TRỊ SỐNG CƠ BẢN HÀNG ĐẦU

Hòa bình là giá trị sống cơ bản đầu tiên, là điều kiện để các giá trị sống khác hình thành và phát triển. Hướng đến việc giáo dục trẻ em những giá trị sống này, UNESCO đã thể hiện tầm nhìn đúng đắn, lâu dài đến tương lai của nhân loại: trẻ em phải được sống trong hòa bình, biết gìn giữ hòa bình, cùng với những phẩm chất/giá trị sống khác thì trẻ em hôm nay - người lớn ngày mai - cũng phải biết bảo vệ và chống lại những gì đe dọa nền hòa bình.

Vì sao hòa bình được coi là quan trọng nhất, đứng đầu những giá trị sống của nhân loại? Theo nghĩa rộng (tích cực, chủ động), hòa bình được UNESCO định nghĩa và giải thích như sau: "Hòa bình là đặc trưng nổi bật của những gì mà chúng ta gọi là "xã hội văn minh", là mơ ước của biết bao thế hệ người về một trạng thái tinh thần bình an, một cuộc sống hạnh phúc không có chiến tranh và bạo lực, trong đó mọi người đều yêu thương và hợp tác cùng nhau.

Hòa bình cần phải bắt đầu từ mỗi người trong số chúng ta. Thông qua sự suy ngẫm lặng lẽ và nghiêm túc về ý nghĩa của hòa bình, mỗi người, mỗi dân tộc lại có được các cách thức và sáng tạo mới để có thể hiểu biết, cảm thông và chia sẻ cùng nhau hướng tới tình bạn và sự hợp tác. Hòa bình bao gồm các tư tưởng, tình cảm, ước muốn và hành động trong sáng. Để giữ được hòa bình, chúng ta cần có tri thức, tình cảm, lòng quyết tâm và sức mạnh".

Một cách hiểu đơn giản và phổ biến, "hòa bình là tình trạng không có chiến tranh". Cũng có nghĩa là chiến tranh để lại hậu quả trái ngược với hòa bình: Có thể nhìn thấy ngay những tội ác khủng khiếp, nhất là tội diệt chủng, sự tàn phá những thành tựu văn minh của loài người. Nhưng chiến tranh còn để lại hậu quả lâu dài và không dễ nhận thức, đó là sự hủy diệt, phá vỡ và làm đảo lộn các giá trị sống của nhân loại nói chung, của từng khu vực, từng quốc gia nói riêng.

Chính vì điều đó mà hòa bình trở thành điều kiện tiên quyết để con người được sống hạnh phúc và nhân loại phát triển văn minh.

Hòa bình - Ảnh 1.

Một gia đình đi chơi Tết ở TP HCM Ảnh: Trần Thế Phong

GIẤC MƠ THƯỜNG TRỰC

Có thể nói, Việt Nam là đất nước hiểu rõ về chiến tranh và có ước vọng hòa bình hơn ai hết.

Tính từ nhà nước độc lập đầu tiên ra đời vào năm 939 của Ngô Quyền, diễn trình lịch sử thời trung đại Việt Nam (từ thế kỷ X cho đến đầu thế kỷ XIX) đã lý giải cho nhận định trên:

Trong khoảng gần 10 thế kỷ, liên tiếp các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc. Đây là đặc điểm nổi bật của lịch sử Đại Việt. Các vương triều thường được thành lập sau chiến thắng ngoại xâm và bắt đầu xây dựng quốc gia tự chủ. Giai đoạn cuối của các triều đại thường xảy ra "nội chiến" trong triều chính hoặc khởi nghĩa nông dân/nổi loạn ngoài xã hội, vì vậy xã hội bất ổn, đời sống nhân dân không được bình yên. Bên cạnh đó còn có những lần xung đột với vương quốc Chăm Pa rồi nội chiến Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài hơn 200 năm... "Từ thủa mang gươm đi mở cõi", đất nước được mở rộng dần về phía Nam. Từ đầu thế kỷ XIX có một lãnh thổ toàn vẹn như ngày nay.

Từ nửa sau thế kỷ XIX đến gần hết thế kỷ XX, Việt Nam lại phải tiếp tục 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày 30-4-1975, thống nhất đất nước. Hòa bình chưa bao lâu thì nổ ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh chống bành trướng Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Hiện nay, chúng ta vẫn phải luôn cảnh giác và sẵn sàng bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Mười thế kỷ luôn biến động, thời gian hòa bình đã không dài còn bị cắt đứt bởi chiến tranh. Người dân lúc nào cũng trong tâm thế "ngụ binh ư nông", "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", chính quyền luôn trong trạng thái cảnh giác ngó trước nhìn sau để kịp thời ứng phó với giặc ngoại xâm. Bao thế hệ người Việt Nam đã mơ "giấc mơ hòa bình" và luôn đấu tranh cho điều đó trở thành hiện thực, kể cả khi biết rằng có thể đến đời con cháu mình mới được hưởng nền hòa bình trọn vẹn.

TÔN TRỌNG CÁC GIÁ TRỊ NHÂN BẢN

Bao nhiêu năm đã qua hay nhiều năm nữa về sau, đối với người Việt Nam, ngày 30-4 mang ý nghĩa to lớn là ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước. Chiến tranh kéo dài đến đâu cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Trước và sau chiến tranh là cuộc sống hòa bình, bất cứ người nghèo khó hay giàu sang thì cũng mong ước được sống trong hòa bình, mong muốn chồng con, anh em không phải ra chiến trường, không bị tên bay đạn lạc... Trên khắp đất nước có biết bao nhiêu nghĩa trang của những người lính, của dân thường đã chết trong những năm dài chiến tranh, có những người ra đi đúng thời điểm hòa bình chạm vào cửa ngõ Sài Gòn. Tất cả họ chưa từng được hưởng một giây phút hòa bình cho đến khi sang thế giới bên kia, để cho những người ở lại được sống trong hòa bình.

Nếu tính đời người bắt đầu từ khi đủ tuổi dựng vợ gả chồng để sinh thành một thế hệ mới thì hơn 46 năm qua đã hai thế hệ hậu chiến ra đời và trưởng thành. Nhìn con cái lớn lên và phải giải quyết những vấn đề của thế hệ @ là đừng để đất nước bị lạc hậu so với thế giới, thậm chí còn "gay go, ác liệt" hơn cuộc chiến của thế hệ chúng ta, chợt nhận ra rằng nếu chỉ mãi nhìn về một thời chiến tranh thì khác nào chúng ta tự giam mình trong "bảo tàng viện" và trở nên xa lạ với cuộc sống hòa bình đang diễn ra bên ngoài tủ kính.

Các giá trị sống cơ bản của nhân loại mà UNESCO đúc kết lại không gì khác chính là những thông điệp thế hệ hôm nay gửi thế hệ mai sau. "Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai", giáo dục cho trẻ em hiểu biết giá trị và yêu mến hòa bình và những giá trị sống nhân bản khác cũng là cách tốt nhất để ngăn ngừa và chống lại chiến tranh. Ngược lại, đã và đang sống trong hòa bình nhưng không hiểu biết và không tôn trọng những giá trị sống cơ bản khác của nhân loại thì xung đột và chiến tranh vẫn có nguy cơ xảy ra, bởi nền hòa bình ở bất cứ nơi nào cũng chỉ có được trên cơ sở thực sự tôn trọng và yêu thương con người. 

Yêu quý những điều tốt đẹp

Chắc chắn còn nhiều điều làm ta bức xúc, chưa thể hài lòng, nhất là về đời sống tinh thần, nhưng cũng cần nhìn thấy những điều tốt đẹp. Sự thay đổi của những dòng kênh đen, khu đô thị mới hay tuyến metro đang thành hình, những khu đô thị đang thay da đổi thịt... đó là kết tinh công sức của biết bao con người thầm lặng lao động trong hòa bình dù cuộc sống còn nhiều vất vả. Chúng ta quý trọng những đổi thay dù nhỏ vì giá trị lao động của những con người đó, quý trọng những gì hiện hữu mỗi ngày vì đó là cuộc sống của con cháu chúng ta và vì chính chúng ta đang sống.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo