Hàng loạt chương trình đã và đang diễn ra nhằm đưa sân khấu cải lương đến với khán giả học sinh, sinh viên tại TP HCM theo cách truyền cảm hứng, không để giới trẻ thụ động trong thưởng thức mà nuôi dưỡng đam mê ngay từ khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường.
Dự án khả thi
Tối 22-6, buổi biểu diễn tốt nghiệp của các bạn lớp học "Tiếp bước trăm năm" đã chinh phục khán giả trong hội trường Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP HCM. Kịch bản mang tên "Vai diễn đầu đời" - do TS Đào Lê Na và diễn viên Bùi Thiên Huân viết, NSND Bạch Tuyết cố vấn nghệ thuật - đã tạo xúc động mạnh mẽ cho người xem.
Dự án phát triển nghệ thuật và sáng tạo dành cho cộng đồng với tên gọi "Tiếp bước trăm năm" này đã được khởi động từ đầu năm 2019, nhằm tạo sự thích nghi với thời đại mới và lan tỏa tình yêu cải lương đến với các bạn trẻ. Yume Art Project (do 2 nhà sáng lập và điều hành là TS Đào Lê Na và Bùi Thiên Huân) đã phối hợp với Bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh của Khoa Văn học Trường ĐH KHXH&NV TP HCM thực hiện dự án truyền dạy cải lương miễn phí cho trẻ em và thanh thiếu niên. Chương trình này do Hội đồng Anh tài trợ.
Cảnh trong vở biểu diễn báo cáo chương trình “Tiếp bước trăm năm” tại Trường ĐH KHXH&NV TP HCM Ảnh: LÊ HỒNG PHƯỚC
TS Lê Hồng Phước (Trường ĐH KHXH&NV), cho biết "Tiếp bước trăm năm" đã tổ chức được 2 lớp truyền dạy cải lương là "Thưởng thức cải lương" và "Trải nghiệm cải lương" với đối tượng là các bé và học sinh - sinh viên tuổi trên dưới 20. Lớp thưởng thức cải lương có mục đích hệ thống lại kiến thức về cải lương một cách khoa học, để từ những kiến thức cơ bản đó, các bạn trẻ sẽ tìm tòi và nghiên cứu thêm bằng những phương pháp khoa học, khi khen hay sẽ biết tại sao hay, khi chê dở cũng biết tại sao dở. Các bạn hiểu nghệ thuật cải lương rồi sau đó yêu hay không là quyền của các bạn. "Thú thật, khi nhận lời cô Đào Lê Na dạy lớp này, tôi nghĩ các bạn trẻ chỉ tò mò đến học chơi. Nhưng khi vào giảng dạy, tôi phát hiện các bạn chịu học. Tôi ngạc nhiên về tinh thần đó để rồi khi qua lớp "Trải nghiệm cải lương", dưới sự hướng dẫn của NSƯT Huỳnh Khải (Nhạc viện TP HCM) và đạo diễn Trương Văn Trí (Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP HCM), các bạn đã làm cho khán giả bất ngờ và thú vị" - TS Lê Hồng Phước bày tỏ.
Tương tự, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật - Trường ĐH Hoa Sen đã phối hợp Hội đồng Anh tổ chức tọa đàm chuyên đề "Tinh hoa cải lương với người trẻ Việt Nam", với sự tham gia diễn giải, biểu diễn của nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc, NSƯT Phương Hồng Thủy, NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Hải Phượng, NSƯT Văn Môn, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, GS Hugo Frey và giảng viên - nhà văn Suzanne Joinson của Trường ĐH Chichester, Vương quốc Anh.
Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) cũng đã tổ chức chương trình giao lưu tìm hiểu về sân khấu cải lương, do NSND Bạch Tuyết hướng dẫn, hun đúc niềm đam mê cho các em để cùng giữ gìn những giá trị tinh thần vô cùng quý báu mà ông cha để lại.
Thành tựu chung của 3 dự án này đều thu hút đông học sinh, sinh viên. Họ không bị bắt buộc đến nghe, đến xem mà đăng ký tham dự rất hồ hởi, đồng thời có sự tương tác trong từng chủ đề, mang lại hiệu quả thiết thực.
"Bắt mạch" khán giả trí thức
Vở diễn mang tên "Vai diễn đầu đời", theo nhận xét của TS Lê Hồng Phước, thật đúng với trường hợp của các sinh viên lần đầu tiên đứng trên sân khấu làm diễn viên, ca diễn trọn vẹn một vở tuồng cải lương. Họ đều là những trí thức trẻ, liên tục đăng lên Facebook cá nhân những lời cảm ơn chương trình và những cảm tưởng sâu sắc về đêm diễn, để qua đó kêu gọi bạn bè cũng nhau gìn giữ bộ môn nghệ thuật này.
Để có được kết quả như hôm nay, TS Đào Lê Na đã tổ chức đưa cải lương đến gần với giới trẻ. Mà giới trẻ lần này lại có nét đặc trưng: đại đa số là sinh viên thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau của nhiều trường đại học ở TP HCM. "Đây là một lực lượng trí thức trẻ trong tương lai, bằng vốn hiểu biết và vị thế của mình, sẽ góp phần truyền bá cho cải lương một cách khoa học và bài bản" - TS Lê Hồng Phước tin tưởng.
TS Đào Lê Na tâm sự: "Dự án của chúng tôi có mục tiêu chính là gieo tình yêu cải lương cho các bạn trẻ. Và qua những lời tâm sự sau buổi diễn của các em, cho thấy họ càng yêu cải lương, sẽ có trách nhiệm giữ gìn, quảng bá. Đại diện của Hội đồng Anh đánh giá kết quả dự án vượt mong đợi của nhà tài trợ. Hiện tại, nhiều người tìm cách "bắt mạch" thị hiếu của tuổi trẻ về cải lương, chúng tôi mừng khi chương trình đã bắt trúng mạch đập".
Như vậy, việc cải lương quảng bá và tiếp cận được với khán giả trẻ để từ đó xây dựng công chúng thưởng thức nghệ thuật cải lương có trí thức không khó. Vấn đề chính là cách làm để hoạt động này có chiều sâu và sức lan tỏa lớn mạnh.
Cần được quan tâm, hỗ trợ
NSND Bạch Tuyết cho rằng đẩy mạnh việc tạo khán giả cho nghệ thuật cải lương, cho công tác quảng bá nghệ thuật cải lương đến với người trẻ là việc làm cần thiết. Theo bà, các dự án sân khấu học đường giới thiệu nghệ thuật sân khấu cải lương, đờn ca tài tử, âm nhạc dân tộc... đến với học sinh, sinh viên hiện nay đều rất thiết thực. Rất cần cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ.
Bình luận (0)