Thông tin trên được PGS-TS-BS Nguyễn Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) chia sẻ khi quay lại công việc sau 1 tuần nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Theo PGS Thắng, trong 7 ngày, các e-kíp trực tại bệnh viện đã tiếp nhận hơn 300 bệnh nhân đột quỵ cấp nhập viện. Trong đó, 47 trường hợp điều trị can thiệp và tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch.
Đáng chú ý, trong số hơn 300 bệnh nhân có 162 bệnh nhân may mắn phục hồi tốt và xuất viện ngay trong Tết. Tuy vậy, vẫn còn những bệnh nhân nặng từ trước Tết. Hiện khoa đang điều trị cho 195 bệnh nhân.
PGS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh đột quỵ rất nguy hiểm, tuy nhiên hoàn toàn có thể điều trị được, và quan trọng hơn là có thể phòng tránh được. Theo y văn, có đến 70% trường hợp đột quỵ có thể đã không xảy ra, nếu như được điều trị phòng ngừa trước đó.
PGS Thắng cho biết tăng huyết áp là "thủ phạm" gây ra hơn 90% trường hợp xuất huyết não. Việc kiểm soát chặt huyết áp, chính là chiếc chìa khóa vàng trong điều trị phòng ngừa. Theo khuyến cáo hiện nay của Hội Đột quỵ Hoa Kỳ, huyết áp nên được duy trì <130/80 mmHg đối với các bệnh nhân có tiền căn xuất huyết não. Ngoài ra, khuyến cáo cũng nhấn mạnh, việc đạt được mức huyết áp mục tiêu quan trọng hơn việc chọn lựa bất kỳ nhóm thuốc hạ áp nào.
Theo y văn, 70% trường hợp đột quỵ đã có thể tránh được nếu được dự phòng sớm. Lợi ích này có thể còn lớn hơn với dự phòng xuất huyết não. Mức huyết áp tâm thu ổn định trong khoảng 90-120 mmHg được xem là mục tiêu vàng để giúp bệnh nhân tránh "thảm hoạ" này.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, thực tế tại Việt Nam, việc tuân thủ điều trị, đặc biệt trên bệnh nhân trẻ, là trở ngại rất lớn. Hầu hết các bệnh nhân tăng huyết áp đều không có triệu chứng trước khi gây ra hậu quả. Thậm chí có bệnh nhân đến khám với huyết áp 240 mmHg vẫn quả quyết "em hoàn toàn bình thường". Chính điều này, vô tình đã làm cho việc thuyết phục bệnh nhân đi khám đúng định kỳ là rất khó khăn.
Như vậy, khám tầm soát đột quỵ não đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm những yếu tố nguy cơ. Từ đó, có kế hoạch điều trị và phòng ngừa đột quỵ, đem đến sự yên tâm và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nếu nằm trong danh sách những trường hợp sau bạn nên tầm soát đột quỵ: Người có tiền sử gia đình bị đột quỵ não, dị dạng mạch máu não; người có tiền sử tim mạch, tăng huyết áp; người có tiền sử bệnh đái tháo đường; người béo phì, rối loạn mỡ máu (tăng LDL cholesterol, triglycerides…); người bệnh trên 55 tuổi; người hút thuốc lá, sử dụng rượu bia nhiều, ít vận động, sử dụng ma tuý, thói quen ăn không lành mạnh (ăn nhiều đồ ăn nhanh, nhiều chất béo và đường, ăn quá mặn, ít ăn rau..); người có các triệu chứng chưa rõ nguyên nhân như đau đầu nhiều, chóng mặt, giảm trí nhớ, hoặc ngất ; tiền căn bệnh rối loạn đông máu
Bình luận (0)