Theo hãng tin Yonhap, đề nghị từ chức hàng loạt từ các trợ lý cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được đưa ra sáng 4-12.
Những người này bao gồm Chánh văn phòng tổng thống Chung Jin-suk, Cố vấn An ninh quốc gia Shin Won-sik, Chánh văn phòng Phụ trách chính sách Sung Tae-yoon và 7 phụ tá cấp cao khác.
Những lời đề nghị này được đưa ra sau khi ông Yoon tuyên bố thiết quân luật vào đêm 3-12 và sau đó bị quốc hội Hàn Quốc chặn lại vào đầu ngày 4-12.
Trong khi đó, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc hôm 4-12 đã trải qua ngày bận rộn, nỗ lực đánh giá tình hình kinh doanh sau khi tuyên bố thiết quân luật khẩn cấp gây chấn động khắp thị trường tài chính.
Các công ty chủ chốt như Samsung, SK và LG đều tổ chức các cuộc họp khẩn cấp.
Hội đồng Supex của SK, cơ quan ra quyết định cao nhất của tập đoàn, đã triệu tập một cuộc họp với các giám đốc điều hành từ các công ty con chủ chốt trong khi LG cũng họp chiến lược khẩn cấp để theo dõi diễn biến của thị trường tài chính.
Các nhân viên LG tại trụ sở gần tòa nhà quốc hội Hàn Quốc ở Seoul được khuyến cáo làm việc từ xa do có khả năng xảy ra tình trạng bất ổn chính trị ở khu vực này.
Quan chức tại một tập đoàn lớn cho biết: "Do Hàn Quốc là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu nên tình hình bất ổn chính trị đã tác động tiêu cực đến uy tín của thị trường tài chính".
Người này cũng bình luận rằng sự bất ổn chính trị không nên phá vỡ sự ổn định kinh tế.
Video: Toàn cảnh một đêm thiết quân luật ở Hàn Quốc
Các nhóm vận động hành lang lớn đồng thời chạy đua đánh giá tác động của việc thiết quân luật đối với các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về các cách đảm bảo môi trường kinh doanh ổn định. "Chúng tôi đặt mục tiêu hợp tác chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đến kinh tế để đảm bảo môi trường ổn định cho doanh nghiệp" - một quan chức từ cơ quan này nói với Yonhap.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc cũng sớm tổ chức họp để đánh giá tình hình.
Bình luận (0)