Bưu điện TP HCM (số 2, Công xã Paris, Q.1) được xây dựng với phong cách Gotich kết hợp với nét trang trí châu Á. Mặt tiền có kết cấu hình khối, trang trí theo từng ô hình chữ nhật. Trên các ô có đắp hình nam nữ đội vòng nguyệt quế cùng bảng tên một số danh nhân Pháp như Laplace, Voltaire, Arage,... Vẻ đẹp lộng lẫy của tòa nhà đã cuốn hút mọi người ngay sau khi khánh thành.
Nhà thờ Đức Bà (số 1, Công xã Paris, Q.1) là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc với các đường nét, hoa văn vừa tôn nghiêm vừa trang nhã mang phong cách Roman và Gotich. Dù không thành văn, người dân Sài Gòn và cả du khách đến thăm thành phố đều công nhận nhà thờ Đức Bà là ngôi thánh đường đẹp nhất và quan trọng nhất của giáo phận Sài Gòn, là niềm tự hào của người dân thành phố.
Nhà hát Thành Phố (số 7, Công trường Lam Sơn, Q.1) giữ riêng nét đặc thù có một không hai. Kiến trúc của nhà hát được xây dựng theo phong cách Gotich thịnh hành tại Pháp thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Đặc trưng của lối kiến trúc này là sự phối hợp khéo léo giữa kiến trúc và điêu khắc. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Chùa Giác Lâm (118 Lạc Long Quân, Q.10) là một trong những ngôi chùa được xây dựng sớm nhất ở đất Gia Định - Sài Gòn còn tồn tại đến ngày nay. Kiến trúc chùa Giác Lâm được xem là tiêu biểu cho lối kiến trúc chùa Nam bộ. Chính điện là kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, có bốn cột chính gọi là tứ trụ. Các tháp trong chùa mang yếu tố dung hợp những luồng văn hóa giữa các cộng đồng người như Khmer, Việt, Chăm… và phần nào yếu tố phương Tây (Pháp), phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ)…
Khu phố Hải Thượng Lãn Ông (Quận 5) nằm trong hệ thống phố cổ Chợ Lớn được hình thành từ sau năm 1864 khi Pháp kiểm soát Nam kỳ. Khối nhà cổ gồm những căn một trệt hai lầu khá đồ sộ, được xây dựng theo phong cách kiến trúc khá độc đáo, đặc trưng của người Hoa đầu thế kỷ 20. Sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp và Hoa được mô phỏng chủ yếu từ kiểu nhà người Hoa ở thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Các "mặt dựng" ở đầu diềm mái nhà có hình con long mã đội hà đồ - biểu tượng cho điềm lành, thái bình an lạc.
Năm công trình kiến trúc trên đã gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của TP HCM, đồng thời cũng là những điểm thu hút đông đảo du khách ghé thăm và chiêm ngưỡng.
Bình luận (0)