Ban đầu, bảo tàng chỉ có 2.893 cổ vật thì nay đã có một bộ sưu tập giá trị rất lớn, gồm 32.000 tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam và một số nước châu Á. Hằng năm, có khoảng 320.000 khách tham quan bảo tàng.
Bảo tàng mang lối kiến trúc “Đông Dương cách tân” (styleindochinois), do kiến trúc sư người Pháp Delaval thiết kế. Phần giữa bảo tàng có một khối bát giác (gợi nhớ quan niệm về bát quái của Kinh Dịch) có 2 nóc mái lợp ngói ống, gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu; trên cùng, là 4 quả cầu nhỏ dần và đặt chồng lên nhau. Vì vậy, có người cho rằng phần nóc mái này mang nhiều yếu tố của kiến trúc cổ Trung Quốc.
Năm 1970, Bảo tàng được xây dựng thêm phần phía sau một dãy nhà do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế. Dãy nhà có hình chữ U, ở giữa là hồ cây cảnh lộ thiên, hai dãy nhà nối hai bên, sau cùng là dãy nhà ba tầng với hai lớp mái, có gắn đầu rồng kiểu gặm trang trí ở các góc mái. Nhờ các cửa đều hướng ra hồ cây cảnh, nên phòng trưng bày khá thoáng mát và sáng sủa.
Ngoài hệ thống trưng bày, bảo tàng còn có một hệ thống kho bảo quản hiện vật với số lượng và loại hình phong phú. Bảo tàng hiện có bộ sưu tập tượng Quan Âm bằng gỗ của Việt Nam với nhiều hình tượng khác nhau: “Quan Âm Tống tử”, “Quan Âm tọa sơn”, “Quan Âm đa thủ”…. Bộ sưu tập gồm 11 tượng do cơ quan chức năng ở TPHCM thu hồi và chuyển giao cho bảo tàng lưu giữ từ nhiều năm qua. Tuy số lượng tượng thuộc loại hình này không nhiều, nhưng đã thể hiện một số nét đặc sắc về phong cách tạc tượng truyền thống của người Việt.
Bình luận (0)