Nón lá thường được đan bằng các loại lá, cây khác nhau như lá cọ, rơm, tre, lá cối, lá hồ, lá du quy diệp chuyên làm nón... Có hoặc không có dây đeo làm bằng vải mềm hoặc lụa để giữ trên cổ. Công phu nhất là vừa vẽ chìm dưới lớp lá nón những hoa văn vui mắt, hay những hình ảnh bụi tre, đồng lúa, những câu thơ trữ tình, phải soi lên nắng mới thấy được gọi là nón bài thơ. Lúc đầu khi chưa có dụng cụ để khâu thắt, nón được tết đan. Muốn làm được một chiếc nón phải dùng lá của một loại cọ nhỏ mọc hoang để lợp, dùng một loại sợi rất dai lấy từ bẹ cây móc để khâu và tre làm vành. Vẻ đẹp của chiếc nón chủ yếu nhờ vào đôi bàn tay khéo léo của người thợ tạo nên. Những mũi kim khâu được ước lượng mà đều như đo.
Nón lá không chỉ mang một nét rất riêng của người Việt mà trong từng mỗi sản phẩm do mỗi con người làm nên trên từng vùng miền của đất nước lại mang những sắc nét văn hóa và những tâm tư riêng. Bởi vậy, con người Việt Nam có tình cảm sâu sắc và gắn bó với chiếc nón lá giản dị dù gặp nó ở bất cứ nơi đâu.
Cùng với áo dài, váy lĩnh, yếm đào, …chiếc nón được coi là một thứ phục trang truyền thống của phụ nữ Việt Nam . Nón có nhiều loại, nón chóp nhọn đầu, nón thúng rộng vành,... tất cả đều để che chắn cho những con người sống trên một dải đất nắng lắm mưa nhiều. Ngoài việc che nắng, che mưa, chiếc nón còn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người và phù hợp với cảm quan thẩm mỹ của người Việt: đẹp một cách tế nhị, kín đáo. Dưới vành nón, đôi mắt, nụ cười, má lúm đồng tiền, những sợi tóc mai của cô gái dường như được tôn thêm nét duyên dáng, kín đáo mà không kém phần quyến rũ... Người ta đội nón làm đồng, đi chợ, chơi hội, đi chơi, đi du lịch.
Giờ đây chiếc nón lá trở thành nét văn hóa đặc trưng của đất nước. Bất cứ người ngoại quốc nào khi đến Việt Nam cũng muốn có vài chiếc nón làm quà khi về nước.
Bình luận (0)