Thêu thùa đã trở thành một trong những phẩm chất quý báu của người phụ nữ Việt Nam gắn với những tiêu chí công dung ngôn hạnh. Người phụ nữ Việt Nam gửi vào tác phẩm sự sống của cuộc đời bằng nguồn sáng tạo và tài năng. Trong nghề thêu, sản phẩm thường không giống nhau như đúc dù sản phẩm đó chung cùng một kiểu dáng thì họa tiết, mẫu mã, màu sắc đều chuyển biến ít nhiều và đó là ưu điểm để khách hàng chọn lựa. Nói rõ hơn, tác phẩm mỹ nghệ thêu tay cũng giống hội họa hay điêu khắc được thể hiện sự vật với trạng thái mang chất nặng cá tính suy tư của con người.
Nghề thêu tay đã trở thành một phần sinh hoạt của đời sống và là đặc trưng văn hóa dân tộc. Là một nghề truyền thống lâu đời, trải qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, nghề thêu tay vẫn giữ được bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam. Nghề thêu thủ công phát triển rộng trên toàn quốc với kỹ thuật, mỹ thuật được nâng cao, mẫu mã luôn được cải tiến. Nghề thêu hiện có những nét sáng tạo mới như ở Huế, Đà Lạt, Sài Gòn đã kết hợp giữa hội họa với truyền thống dân gian.
Nhiều nước trên thế giới rất thích sản phẩm thêu thủ công truyền thống của Việt Nam. Các vùng nghề lại tấp nập sản xuất. Nhiều công ty quốc doanh, cổ phần, tư nhân... đua nhau xuất khẩu sản phẩm thêu. Phố Đồng Khởi, Chợ Lớn, chợ Bến Thành ở Sài Gòn chuyên bán các sản phẩm thêu. Du khách có thể mua cho mình những sản phẩm thêu tay độc đáo và đậm tình người như: tranh thêu, khăn tay, túi xách, gối, chăn, khăn trải bàn… Không chỉ là những đường kim mũi chỉ, tranh thêu đã thể hiện được cả những thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi bức tranh thêu chỉ còn ẩn dấu vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và cả sự chân thành nồng ấm của người Việt Nam.
Việc tạo điều kiện cho các nghề thủ công trong đó có nghề thêu phát triển sẽ góp phần cho nền kinh tế Việt phồn thịnh lại vừa bảo tồn được một nghề truyền thống quý.
Bình luận (0)