Tối 10-5, tác phẩm sân khấu cải lương tuồng cổ kinh điển "Câu thơ yên ngựa" sẽ tái diễn tại Nhà hát Trần Hữu Trang, đánh dấu bước ngoặt 100 năm của một gia tộc có 6 đời nối nghiệp.
Không ngừng sáng tạo
Gia tộc Minh Tơ có nguồn gốc gắn bó với nghệ thuật hát bội Nam Bộ, đi qua các chặng đường phát triển tròn 1 thế kỷ: cải lương pha hát bội; cải lương tuồng Tàu; cải lương hồ quảng rồi cải lương tuồng cổ. Đến nay, gia tộc này đã tồn tại đến thế hệ thứ sáu.
Trước năm 1975, sân khấu cải lương tại Sài Gòn đều tạo thương hiệu riêng với phong cách biểu diễn dựa theo khuynh hướng sáng tác của các thầy tuồng. Tức là chuyên diễn một loại tuồng như: tuồng Tàu, tuồng Tây, tuồng Nhật, tuồng Việt hoặc tuồng Ấn Độ… Trong đó, kịch bản và hình thức dàn dựng được chia thành các thể tài như: hương xa, màu sắc, kiếm hiệp, tâm lý xã hội, tiên, Phật, chưởng… Đặc biệt, có một thương hiệu xuất thân từ hát bội của bà bầu Vĩnh Xuân, đến đời bầu Thắng đã là một đoàn hát mang phong cách cải lương tuồng Tàu, nghĩa là chuyên diễn các vở tuồng từ tích truyện Trung Hoa, lấy trong kho tàng tuồng tích hát bội để viết. Ban đầu là vận dụng nghệ thuật hát cương để sáng tạo, rồi qua từng suất diễn, các nghệ sĩ hình thành các tình huống, làm nên vở diễn.
NSƯT Trường Sơn phân tích: "Các cụ thời đó nắm vững cốt truyện, trước giờ mở màn cùng ngồi lại phân vai. Cứ thế ra sân khấu nắm rõ tính cách nhân vật mà tương tác. Để hòa quyện với ban nhạc, họ có những niêm luật riêng trong cách ra dấu các ngón tay, cử chỉ để ban nhạc theo đó mà đệm trống, đàn. Chính sự sáng tạo độc lập này đã khai thác trí tưởng tượng phong phú của các nghệ sĩ. Mỗi suất diễn là mỗi bức tranh khác nhau, không đêm diễn nào giống nhau. Dần dà hình thành nên phong cách cải lương hồ quảng, lấy cốt truyện nước bạn nhưng cách kể là của xứ mình".
Ban Khánh Hồng - Minh Tơ đã ra đời với nghệ thuật cải lương hồ quảng, vận dụng những bài bản của cải lương với âm nhạc Trung Hoa. Đến giai đoạn sau năm 1975, NSND Thanh Tòng đã chủ trương sử dụng từ 70% - 80% âm nhạc trong nước, thay dần cho âm nhạc ngoại lai. Hướng sử dụng nhạc "thuần Việt" công lớn thuộc về nhạc sĩ Đức Phú và Đoàn Cải lương tuồng cổ Minh Tơ được ghi nhận là đơn vị nghệ thuật đi đầu trong hướng thay đổi này.
Đoàn Minh Tơ đã ngưng hoạt động từ năm cuối 1997, song việc ngưng hoạt động này chỉ là danh nghĩa tập thể (bảng hiệu đoàn), thực tế nhiều thành viên của đoàn vẫn liên tục hoạt động nghệ thuật cho đến hôm nay. Nghệ sĩ Thanh Sơn lập đoàn "Hậu duệ Minh Tơ", nghệ sĩ Công Minh lập đoàn "Minh Tơ với thế hệ diễn viên mới", NSƯT Kim Tử Long - cháu rể của NSND Thanh Tòng - lập đoàn "Ba thế hệ về với cội nguồn".
NSND Thoại Miêu nhận định: "Gia tộc cải lương Minh Tơ phát triển nghệ thuật theo hướng riêng của mình. Đáng ghi nhận là từ thế hệ thứ tư - NSND Thanh Tòng đã có sự tiếp thu, chọn lọc và sáng tạo cái mới nên nhiều kịch bản kinh điển cho đến nay vẫn còn được công chúng yêu mến, cụ thể như: "Câu thơ yên ngựa", "Tô Hiến Thành xử án", "Bão táp Nguyên Phong", "Cánh nhạn mù sương"…".

Diễn viên Tú Quyên (trái) và Hồng Quyên - thế hệ thứ sáu nối nghiệp gia tộc Minh Tơ - diễn cùng mẹ trong vở “Câu thơ yên ngựa” - thế hệ thứ năm - NSƯT Tú Sương (giữa)
Gìn vàng giữ ngọc
Qua công trình nghiên cứu khoa học "Từ hát bội đến cải lương tuồng cổ", NSND Thanh Tòng đã viết: Thế hệ thứ nhất là ông bà bầu hát bội Vĩnh Xuân (tức ông cố của NSND Thanh Tòng), thế hệ thứ hai là nghệ nhân Nguyễn Văn Thắng - nghệ danh Hai Thắng (tức Bầu Thắng - ông nội của NSND Thanh Tòng) được cha là bầu Vĩnh, mẹ là đào Xuân truyền nghề. Năm 20 tuổi, ông Thắng chuyên diễn kép chính, vừa làm bầu gánh vừa là thầy tuồng hát bội Vĩnh Xuân. Ông nổi tiếng khắp Nam Bộ.
Ông bầu Thắng sinh ra thế hệ thứ ba gồm 8 người con, 3 người đi kháng chiến chống Pháp là Hai Chỉ, Năm Xù, Sáu Quan, còn 5 người theo nghề hát - đó là Minh Tơ, Khánh Hồng, Huỳnh Mai, Bạch Cúc, Đức Phú. Ông Minh Tơ là thân phụ của NSND Thanh Tòng, sau này NSND Thanh Tòng đã lấy tên ông đặt tên bảng hiệu "Đồng ấu Minh Tơ" dìu dắt thế hệ trẻ theo nghề khi tuổi đời từ 10 đến 13 tuổi.
Ông Minh Tơ và vợ là nghệ sĩ Bảy Sự sinh ra NSND Thanh Tòng và các nghệ sĩ Xuân Yến, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh, Xuân Thu, Thanh Sơn - thế hệ thứ tư. Những thành viên trong chi tộc này có con và truyền nghề kế tục là thế hệ thứ năm như: Xuân Trúc, NSƯT Trinh Trinh (con của nghệ sĩ Xuân Yến), NSND Quế Trân (con của NSND Thanh Tòng), Ngọc Nga, NSƯT Tú Sương, Lê Thanh Thảo (con của nghệ sĩ Thanh Loan, Trường Sơn)…
Minh Tâm là nhạc sĩ chuyên sáng tác âm nhạc cho sân khấu tuồng cổ. Nghệ sĩ Công Minh, ngoài một kép độc nổi tiếng còn là một chuyên gia may trang phục sân khấu nổi tiếng. Nghệ sĩ Thanh Sơn là giảng viên bộ môn vũ đạo của Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh TP HCM. Chi tộc của nghệ sĩ Huỳnh Mai và chồng là NSND Thành Tôn đã sinh các nghệ sĩ: Bạch Liên, Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý, Bạch Long, NSƯT Thành Lộc.
Chi tộc nghệ sĩ Khánh Hồng có nghệ sĩ Chí Bảo theo nghề và anh là kép độc trứ danh. Chi tộc Bạch Cúc - Hoàng Nuôi có đạo diễn Phượng Hoàng, người đã dàn dựng khoảng 200 vở cải lương video, băng đĩa từ thập niên 1990 đến nay. Nghệ sĩ Đức Phú tuy không có con nối nghiệp nhưng ông có rất nhiều môn đệ. Ông đã sáng tác nhiều bài bản mới cho tuồng cổ từ những năm vào thập niên 1960 - 1970 và truyền nghề cho NSƯT - nhạc sĩ Minh Tâm.
Thế hệ thứ sáu gồm các diễn viên: Hồng Quyên, Tú Quyên (con nghệ sĩ Tú Sương), Kim Thư (con gái của Ngọc Nga), Thảo Trâm (con gái của Lê Thanh Thảo), bé Minh Khang (cháu nội NSND Thanh Tòng)… Vở "Câu thơ yên ngựa" hiện nay đã có sự tham gia của Hồng Quyên, Tú Quyên.
Năm 1924, ông Bầu Thắng sang lại gánh hát bội của bầu Ba Ngoạn. Năm 1925, gánh hát bội Vĩnh Xuân Ban Bầu Thắng chính thức ra đời và đóng đô thường trực tại đình Cầu Quan trên đường Yersin (quận 1, TP HCM ngày nay). Năm 1939, ông Bầu Thắng qua đời, gia đình ông tiếp tục duy trì gánh hát, đổi bảng hiệu thành "Đoàn Bầu Thắng - Khánh Hồng", do ông Hai Chỉ làm giám đốc. Khi ông Hai Chỉ đi kháng chiến chống Pháp, giao đoàn lại cho 2 em trai là Minh Tơ và Khánh Hồng; ông Minh Tơ lập thêm Đoàn Hát bội Hiệp Thành - Minh Tơ do ông phụ trách; còn ông Khánh Hồng lập gánh cải lương tuồng Tàu Vĩnh Xuân do ông làm bầu.
Qua 6 đời theo nghề, gia tộc Minh Tơ đã truyền nghề ngay trên sàn diễn - tức cho con cháu học nghề và được thực hành, sáng tạo qua từng vai diễn.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)