Theo ghi nhận chiều 18-10, mặt tiền chung cư XI Grand Court 256-258 Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10, TP HCM vẫn đóng cửa, nhiều cửa nhánh bên hông bám bụi.
Muôn số phận dự án bất động sản
Một bảo vệ chung cư nói chung cư này hoàn thành từ lâu nhưng nhiều khu vực không hoạt động. Trong đó, mặt tiền chung cư làm trung tâm thương mại trên đường Lý Thường Kiệt không được sử dụng. Lâu ngày, cơ sở vật chất nơi đây xuống cấp.
Về tình hình cấp sổ hồng, nhiều cư dân cho biết "hộ có, hộ không", trong đó có người mua nhà gần 2 năm, nhiều lần liên hệ chủ đầu tư nhưng chưa được hồi đáp về giấy tờ quan trọng này.
Tới TP Thủ Đức, phóng viên được nhiều người dân sống ở chung cư Lavita Garden - đường số 3, phường Trường Thọ - kể dù mua gần 10 năm nhưng vẫn chưa được cấp sổ hồng.
Trong khi đó, khu đất 14,8 ha của Công ty CP Bất động sản Nguyên Phương ở đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành vẫn là khu đất trống, bốn bề được quây tôn. Nơi đây từng được gắn bảng quảng cáo dự án khu biệt thự, nhà phố... nhưng đến nay chỉ có cánh cổng sắt, hàng rào tôn bạc màu quây lấy một vùng um tùm cỏ mọc.
Tại cuộc họp kinh tế - xã hội hồi đầu tháng 8-2024, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh nội dung tập trung tháo gỡ các dự án bất động sản ngoài ngân sách. Trong đó, nếu gỡ vướng được nghĩa vụ tài chính để đầu tư khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart thì có thể thu ngân sách số tiền rất lớn.
Đây là khu đất được UBND TP HCM giao cho nhà đầu tư vào năm 2017 để thanh toán cho hợp đồng xây dựng dự án BT (xây dựng - chuyển giao) đường song hành từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2.
Khởi công năm 2017, dự án với tổng mức đầu tư 870 tỉ đồng, chiều dài toàn tuyến gần 4 km, gồm 2 đoạn đường rộng 20 m, 4 làn xe, nằm bên phải tuyến cao tốc theo hướng đi Long Thành - Dầu Giây.
Sau 6 năm, năm 2023, đoạn 1 dài hơn 3 km, từ đường Nguyễn Thị Định qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến nút giao Đỗ Xuân Hợp, bao gồm 2 cây cầu Bà Dạt và Mương Kênh mới hoàn thành. Đoạn còn lại gần 700 m, nối từ đường Đỗ Xuân Hợp đến Vành đai 2 chưa hoàn thiện do vướng mặt bằng.
Khởi sắc hơn là Lancaster Legacy trên khu đất 230 đường Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh do Công ty TNHH Bất động sản T.N.T Trung Thủy làm chủ đầu tư. Theo một công nhân, dự án này vẫn thi công liên tục, tính đến tháng 3-2024 đã hoàn thành 35 tầng.
Tạo nguồn thu lớn
Các địa chỉ nêu trên cùng nằm trong danh sách 22 dự án mà Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM gửi Sở Tài chính (Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể TP HCM) dự kiến trình Hội đồng Thẩm định giá đất cụ thể TP HCM trong quý IV/2024 với số tiền khoảng 25.483 tỉ đồng. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, công tác trên để bảo đảm dự toán nguồn thu ngân sách năm 2024 từ các khu đất dự kiến thu nghĩa vụ tài chính trên địa bàn thành phố.
Trong đó có dự án dự kiến số thu rất lớn như dự án khu phức hợp thông minh Thủ Thiêm Eco Smart (Lotte) dự kiến thu về 16.000 tỉ đồng.
Dự án được động thổ hồi tháng 9-2022 thuộc khu chức năng số 2 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm này quy mô xây dựng lớn với 5 tầng hầm, 60 tầng nổi gồm khách sạn, khu dân cư, khu thương mại áp dụng công nghệ thông minh hiện đại. Dù vậy, sau 2 năm thì dự án còn vướng mắc.
Trong khi đó, khu đất 14,8 ha tại TP Thủ Đức với số tiền 3.500 tỉ đồng (ước lượng theo chứng thư thẩm định giá). Tại quận 1, dự án của Công ty TNHH Bất động sản T.N.T Trung Thủy (khu đất số 230 đường Nguyễn Trãi) có nghĩa vụ tài chính dự kiến gần 3.300 tỉ đồng.
Quận Bình Tân có dự án khu dân cư cao tầng Diamond Riverside của Công ty Năm Bảy Bảy có số tiền sử dụng đất dự kiến hơn 729 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (khu đất tại phường Tân Tạo) tiền thuê đất trả một lần cho thời gian còn lại là 137 tỉ đồng...
Theo tìm hiểu, thời gian qua, công tác thẩm định giá tại TP HCM gặp nhiều khó khăn nên ảnh hưởng đến việc tính tiền sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính cũng như tốc độ triển khai của các dự án.
Điều này cũng ảnh hưởng tiến độ cấp sổ hồng căn hộ tại các chung cư, trong đó có nhiều dự án thuộc trường hợp thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung. Vì thế, khi công tác này thông suốt đồng nghĩa thành phố có thêm nguồn lực lớn để phát triển.
2 con số khác biệt
Trong buổi làm việc giữa đoàn công tác của Đảng đoàn Quốc hội với Thành ủy TP HCM vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận lý giải nguyên nhân thu ngân sách của TP HCM giảm so với Hà Nội.
Theo ông Lê Tấn Cận, có 2 nguồn thu chính bị ảnh hưởng dẫn đến thu ngân sách của TP HCM giảm, trong đó nguồn thu thứ nhất liên quan lĩnh vực đất đai. Nếu như tiền thu sử dụng đất của Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 33.000 tỉ đồng thì TP HCM chỉ khoảng 5.900 tỉ đồng - chênh lệch gần 27.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)