Ngày 16-5, bên lề hội nghị khoa học quốc tế năm 2025, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, khẳng định chủ trương miễn viện phí toàn dân do Tổng Bí thư Tô Lâm khởi xướng là bước tiến lớn về an sinh xã hội, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp mọi người dân tiếp cận y tế mà không lo chi phí.

PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thanh Hải
Theo PGS Đào Xuân Cơ, Tổng Bí thư đã chỉ đạo rõ lộ trình, ưu tiên trước cho người nghèo, có công, trẻ em, người cao tuổi, sau đó tiến tới khám sức khỏe định kỳ và miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn 2030-2035. Riêng khám sức khỏe định kỳ hằng năm có thể triển khai từ năm 2026.
Để thực hiện mục tiêu miễn viện phí toàn dân, cần sự chung tay của toàn xã hội, không chỉ riêng ngành y tế. Nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt tiến tới thực hiện miễn viện phí cho người dân. Cần có ba nguồn chính là BHYT, ngân sách nhà nước và xã hội hóa.
Theo đó, BHYT phải được mở rộng toàn diện, ngân sách cần ưu tiên cho vùng khó khăn và y tế chuyên sâu, trong khi xã hội hóa đòi hỏi cơ chế huy động hiệu quả từ doanh nghiệp, nhà hảo tâm.
"Nếu chúng ta làm tốt việc huy động từ cả 3 nguồn này, cùng với tốc độ phát triển kinh tế hiện tại và quyết tâm của toàn xã hội, tôi tin rằng mục tiêu miễn viện phí vào năm 2030 - 2035 là hoàn toàn khả thi"- ông Cơ nói.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh viện đang triển khai lộ trình thực hiện chủ trương khám, chữa bệnh miễn phí với 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, tiếp nhận, cấp cứu và điều trị các ca bệnh nặng, khó, hiếm gặp theo đúng vai trò tuyến cuối, không từ chối bất kỳ trường hợp nào.
Thứ hai, phát triển trung tâm đào tạo nhân lực y tế chất lượng cao và chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới để nâng cao năng lực toàn ngành. Thứ ba, đẩy mạnh nghiên cứu y học chuyên sâu, từ ứng dụng tiến bộ quốc tế đến phát minh phương pháp chẩn đoán, điều trị và thuốc mới

Bác sĩ khám bệnh miễn phí cho người dân ở tỉnh Lai Châu
"Khi y tế cơ sở đủ mạnh, người dân sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng bệnh tốt. Nhiều bệnh lý được giải quyết ngay tại tuyến dưới, giảm đáng kể chi phí và gánh nặng cho cả người dân và hệ thống y tế"- PGS Cơ nói.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% dân số được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Với chi phí khoảng 250.000 đồng/lần khám, ngân sách cần khoảng 25.000 tỉ đồng/năm để phục vụ 100 triệu người dân.
Bộ Y tế cũng sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định thí điểm nhiều chính sách mới: mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản lên 20-30% mức lương cơ sở (hiện là 15%), tăng mức hưởng BHYT lên 100% cho nhóm đang hưởng 95%, và có lộ trình nâng mức hưởng cho nhóm đang ở mức 80%.
Từ năm 2030-2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật BHYT, tiến tới hoàn thiện chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Bình luận (0)