Tối 13-1, đông đảo khán giả đã đến tham dự Lễ kỷ niệm 30 năm "Bông lúa vàng - Tỏa sáng tài năng Cải lương" (1993-2023) và cổ vũ nồng nhiệt phần trao giải vòng chung kết xếp hạng cuộc thi "Bông lúa vàng" năm 2023 diễn ra tại Nhà hát Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH).
Thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải xúc động cho biết, đây là một đêm lễ hội ý nghĩa, đánh dấu một chặng đường đầy nỗ lực của VOH trong việc bảo tồn, gìn giữ bài ca cổ và nghệ thuật cải lương, tạo sức sống mãnh liệt cho đời sống đờn ca tài tử Nam Bộ phát triển.
Qua 30 lần tổ chức, cuộc thi đã tìm kiếm được nhiều nhân tố mới, có tiềm năng, trong đó có nhiều giọng ca đã thành danh, tiếp nối con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, chung sức bảo tồn, phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.
"Chính vì thế, đêm lễ hội này còn tri ân các tập thể, cá nhân, nghệ sĩ đã đóng góp cho sự thành công của cuộc thi trong ba thập kỷ qua. Tôi xúc động khi gặp lại nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc công và các văn nghệ sĩ đã đồng hành với giải thưởng suốt 30 năm qua. Tất cả đều bền bỉ, đam mê và dành tình yêu lớn cho "Bông lúa vàng" - Thạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải nói.
Phát biểu khai mạc, ôn lại hành trình 30 năm Cuộc thi "Bông lúa vàng", ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM cho biết, cuộc thi ra đời năm 1993, cách đây tròn 30 năm. Từ một sân chơi cho các giọng ca trẻ đến người lớn tuổi có nơi hát và học hỏi cùng nhau, đến nay, cuộc thi đã và đang tiếp tục khẳng định vị thế, sức sống bền bỉ, là những bậc thang đầu tiên trong hành trang làm nghệ thuật của những tài năng.
NSND Bạch Tuyết chia sẻ, ngoài việc tổ chức cuộc thi ý nghĩa, có sức lan tỏa lớn, những người thực hiện còn liên tục thích nghi, cập nhật, cải tiến để sân chơi này mang tính đương đại để cuộc thi "Bông lúa vàng" mãi là chương trình được khán thính giả tin yêu.
Qua 30 năm, cuộc thi đã truyền cảm hứng và khơi dậy niềm đam mê cho các thế hệ trẻ yêu nghệ thuật cải lương, tạo điều kiện cho lớp trẻ tham gia vào những mùa giải tiếp theo.
Nghệ sĩ Thanh Hằng cũng xúc động cho rằng, chiều thứ bảy hàng tuần, khán giả mộ điệu ở khu vực Nam Bộ, đặc biệt là bà con nông dân đã mong chờ để thưởng thức làn điệu ca cổ của các thí sinh tham gia cuộc thi. Các thí sinh có năng khiếu cũng được dịp trổ tài ca hát để thỏa niềm đam mê với nghệ thuật sân khấu cải lương…
"Phải nhắc nhỡ đến các biên tập viên của VOH những ngày đầu đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi và duy trì hoạt động cho đến ngày hôm nay, họ là những người dấn thân, mở đường rất đáng được tôn vinh" - nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ.
Chúng tôi đã liên lạc với biên tập viên Phạm Phú Túc, ông đã nghỉ hưu từ năm 2013, ông cho biết rất vui vì chặng đường 30 năm của "Bông lúa vàng" đã có sự đóng góp của bản thân và nỗ lực cùng đội ngũ biên tập viên của VOH làm nên trang sử đẹp này.
Ông là đạo diễn chính của cuộc thi "Bông lúa vàng" từ ngày thành lập cho đến năm 2013. Ban tổ chức và Ban biên tập thành lập giải "Bông lúa vàng" gồm có: nhạc sĩ Trí Thanh, biên tập Phạm Phú Túc, soạn giả Hải Đăng, Minh Thùy, Thanh Vũ, NSƯT Ngọc Mai.
Người chủ trương và đặt tên giải "Bông lúa vàng" là nhạc sĩ Trí Thanh - nguyên đại tá Trưởng Đoàn văn công Quân Khu 7, nguyên Trưởng ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM (VOH).
Sau 30 năm, Bông lúa vàng đã phát sóng hơn 1.500 buổi, là chương trình được duy trì lâu đời nhất trong hệ thống phát thanh- truyền hình cả nước.
Điều không thể thiếu đó là nhân dịp này, các văn nghệ sĩ, nghệ nhân đã ôn lại chặng đường 10 năm UNESCO ghi danh Đờn ca tài tử trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Dịp này, chương trình cũng đã giao lưu với các khách mời gồm nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, NSƯT Hải Phượng, NSƯT Lê Tứ.
BTC cũng đã trao tặng Bằng khen của UBND TP HCM cho 1 tập thể và các cá nhân có đóng góp cho cuộc thi "Bông lúa vàng"; trao giải Cuộc thi viết sáng tác kỷ niệm 30 năm "Bông lúa vàng"; trao kỷ niệm chương cho cá nhân và trao giải thưởng cuộc thi Bông lúa vàng 2023 cho các thí sinh xuất sắc.
Căn cứ theo số điểm từ Hội đồng giám khảo, BTC đã trao giải: Quán quân (100 triệu đồng) cho thí sinh Nguyễn Quỳnh Như (sinh năm 1996, Bạc Liêu), Á quân thuộc về Dương Thị Mỹ Nhung (sinh năm 1997, An Giang); giải Ba trao cho Huỳnh Thị Bé Nhiên (1987, TP.HCM) và 3 giải Khuyến khích cho các thí sinh khác.
Ngoài ra, BTC còn trao các giải phụ: Thí sinh được yêu thích nhất do khán giả bình chọn cho Huỳnh Thị Bé Nhiên; giải Phong cách ấn tượng được trao cho Nguyễn Thanh Phường.
Ngoài ra, giám khảo - NSND Bạch Tuyết cũng tặng thêm cho hai thí sinh giải cao nhất, mỗi người 10 triệu đồng.
Bình luận (0)