xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

420 năm đất lành Duy Xuyên

DƯƠNG QUANG (Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động)

Ngày 20-8, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) tổ chức đại lễ kỷ niệm 420 năm Danh xưng Duy Xuyên. Mỗi bước phát triển của huyện nhà có sự góp sức của lớp lớp bao thế hệ người dân, đã dày công vun đắp, bảo vệ và dựng xây.

1.

Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam

Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàn

Duy Xuyên, Tiên Phước, Hòa Vang, Thăng Bình.

Ai chiêm bao vậy? Là cố Trung niên thi sĩ Bùi Giáng, tự gọi Bán Dùi, Sáu Gioáng. Mấy vần thơ tác giả viết trong bài "Về Quảng Nam", cũng là mộng tưởng của chính ông về miền cố quận - quê nhà "Duy Xuyên tơ lụa mĩ miều. Buổi mai mắc cửi, buổi chiều giăng tơ".

Ông ở quê trong khoảng thời gian không dài, sinh năm 1926 tại làng Thanh Châu, xã Duy Châu; năm 1939 ra Huế học, năm 1952 vào Sài Gòn, năm 1969 "bắt đầu điên rực rỡ" (dẫn theo sổ tay Bùi Giáng - DQ), phát tiết tinh hoa với dịch thuật, khảo luận triết học, văn học và sáng tác thi ca. Trình độ dịch thuật và triết luận của Bùi Giáng thuộc bậc thượng thừa; còn về văn học, ông trở thành hiện tượng lạ, một ngôi sao trên bầu trời văn nghệ miền Nam, một thiên tài thi ca với cả ngàn bài. Năm 1998, Bùi thi sĩ mất tại TP HCM sau 4 thập niên miệt mài "cống hiến cho đời, cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam thật nhiều tác phẩm gồm đủ mọi thể loại. Một con người không có nơi nương tựa ổn định, thể chất gầy gò, bệnh tật, tâm tính lúc bình thường khi điên loạn mà tạo dựng kho tàng quý báu cho văn học Việt Nam, điều rất lạ, không thể hiểu được" (Vương Trùng Dương).

Duy Xuyên lung linh về đêm. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Duy Xuyên lung linh về đêm. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Bởi tha phương lâu đến thế, Bùi Giáng chiêm bao là phải, để thấy Duy Xuyên luôn thường trực bên mình, luôn ở trong mình. Những câu thơ sau đây của Bùi thi sĩ lý giải cho nỗi niềm cố quận chất ngất, hoang hoải trong ông: "Đi về làng xóm năm xưa. Viếng thăm quê cũ người chưa quên người. - Từ đâu ông đến nơi đây? - Thưa cô thôn nữ từ đây tôi về" (Đi về làng xóm). Hay là: "Hỏi rằng: Người ở quê đâu? Thưa rằng: Tôi ở rất lâu quê nhà" (Chào nguyên xuân). Và nữa: "Đã đi đã đến cuối trời. Đã về như vẫn muôn đời đã đi" (Mùa màng tháng Tư).

Khó hiểu quá! "Đã về như vẫn muôn đời đã đi" là thế nào? Rồi với câu hỏi ông từ đâu tới, quê ở đâu, thì lại trả lời "từ đây tôi về", "tôi ở rất lâu quê nhà", nghe qua thấy trớt huớt, thấy bỡn cợt, thấy "điên điên", nhưng kỳ thực rất sâu sắc, uyên thâm: là triết lý Nhất nguyên - nơi trở về cũng là nơi xuất phát, chốn đi cũng là nơi ở, quê hương chẳng phải đâu xa, nó luôn ngự ngay trong tâm trí mình. Bùi Giáng đặt mảnh tình quê tại một điểm trang trọng trong cõi thơ, cõi lòng ông, để mỗi khi ngân nga đôi dòng là lập tức dậy lên hình ảnh của vùng đất lành yêu mến bên bờ Nam Thu Bồn, rưng rức nhớ, rưng rức thương...

2.

Kể thêm một gương mặt nổi bật người Duy Xuyên, cũng nặng lòng với quê nhà như Bùi Giáng, tôi liền nhớ tới một tài danh khác, có cuộc đời tha phương tương tự, ấy là nhà văn - nhà báo - nhà biên khảo - nhạc sĩ - dịch giả Vũ Đức Sao Biển (Võ Hợi).

Ông sinh năm 1948 tại xã Duy Vinh, học trường làng đến năm 1966 thì vào Sài Gòn học tại Trường Đại học Sư phạm (ban Việt - Hán), Trường Đại học Văn khoa (ban Triết), cùng lúc học nhạc tại Nhạc viện Sài Gòn và tốt nghiệp cả ba vào năm 1970. Từ 1970-1975, ông được bổ xuống Bạc Liêu dạy học; sau 1975, quay về TP HCM làm việc trong lĩnh vực giáo dục, rồi làm báo, viết văn, biên khảo, dịch thuật, sáng tác nhạc; đến tháng 5-2020 qua đời tại nhà ở quận 12…

Nhắc tới Vũ Đức Sao Biển, hẳn nhiều người biết những đứa con tinh thần tiêu biểu của ông: "Quảng Nam hay cãi" (ký), "Kim Dung giữa đời tôi" (biên khảo), "Kiếm hoàng hoa" (tiểu thuyết), "Đi tìm sự thật" (phóng sự), đặc biệt là "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang", "Điệu buồn phương Nam" và "Thu, hát cho người" (nhạc). Năm 2017, ông ra mắt cuốn "Sim & Âm vang cố quận" - biên khảo về cố thi sĩ tiền bối đồng hương Bùi Giáng.

Tôi khá gần gũi với đồng nghiệp - nhà báo Vũ Đức Sao Biển giai đoạn từ năm 2010 đến 2020, thường lai vãng tới nhà ông. Bậc đàn anh có lần xướng vài câu trong "Trên đồi xưa" cho tôi nghe: "Xưa hát cho người câu Tình Ca. Nay hát cho mình câu Biệt Ca", bảo đây là sáng tác khi trở lại đồi sim ở Duy Xuyên, hoài nhớ bóng hình năm nao trong "Thu, hát cho người": "Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó. Để hái dâng người một đóa đẫm tương tư". Nhưng người ấy đã "đi biền biệt", để nhạc sĩ "Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín. Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay".

Thu là mùa thu, cũng là tên của bóng hồng trong ký ức nhạc sĩ. "Thu, hát cho người" là niệm khúc cuối của một mối tình trong sáng, hồn nhiên, kết thúc không có hậu. Khi từ Sài Gòn về thăm nhà vào năm 1968, Vũ Đức Sao Biển không tìm ra người bạn gái cũ được nữa và tuyệt phẩm "Thu, hát cho người" ra đời ngay sau đó, vang mãi với thời gian.

Cảm thức quy hồi luôn hiển hiện trong con người và tác phẩm Vũ Đức Sao Biển. Xa nhà từ năm 18 tuổi cho đến tận cuối đời, dù không như Bùi Giáng - Vũ Đức Sao Biển có nhiều lần về thăm quê, nhưng trong ông không bao giờ vơi nỗi nhớ niềm thương. Văn nhân ở cuối nguồn sông Thu tỏ lòng qua thơ, nhạc: "Phố giáng hương tôi về. Ngàn thu mắt biếc em đang ở đâu? Lá vẫn xanh bên đời. Mùa xuân vẫn hát vang bên ngàn dâu" (Phố giáng hương). Trong "Đường về", cũng một nỗi niềm da diết với chân trời cố quận: "Ra đi ta nhớ một chiều tiễn đưa, sông Thu ai đứng bên con đò xưa. Tre xanh còn in bóng nước, sông trôi từ bao kiếp trước. Bãi dâu còn đó tiếng ai vọng về".

3.

Duy Xuyên, vùng đất có bề dày lịch sử hơn 600 năm, danh xưng hành chính tới nay tròn 420 năm, khi Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cho đổi tên Hy Giang thành Duy Xuyên từ năm 1604 đến bây giờ.

Các nhà sử học đã khẳng định đây là vùng văn hóa thâm hậu với sự giao thoa, tiếp biến của các nền văn hóa Sa Huỳnh - Chăm Pa - Đại Việt; là đất anh hùng cách mạng với hai lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; là địa danh giàu truyền thống hiếu học với thành tích khoa bảng thuộc tốp đầu Quảng Nam; là một miền quê đất đai trù mật, nhơn tình thuần hậu.

Khắc tên vào danh sách những con người tài danh, có cống hiến to lớn và trở thành gương sáng cho hậu thế, trên đất này kể sao cho hết: Thống binh "Khai quốc công thần" Mạc Cảnh Huống, "Bà Chúa tàm tang" Đoàn Quý phi (Đoàn Thị Ngọc), Chúa Nguyễn Phúc Tần (cháu ngoại), "Khai khoa tiến sĩ lục tỉnh" Lê Thiện Trị, tiến sĩ - Thị lang Bộ Lễ Hồ Trung Lượng, nhà giáo Nguyễn Đức Huy, các nhà cách mạng - nhà lãnh đạo Nguyễn Thành Hãn, Lê Quang Sung, Hồ Nghinh, Trương Chí Cương, Ngô Huy Diễn, Hoàng Bích Sơn, Đặng Thị Ngọc Thịnh, Trần Thận, Lê Đào, Lương Nguyễn Minh Triết…, Anh hùng Lao động Lưu Ban, bác sĩ Bùi Kiến Tín, nhà báo Bùi Thế Mỹ, nhạc sĩ Thuận Yến, triết gia Bùi Văn Nam Sơn…

Gương sáng nhiều như thế nhưng bên trên mới kể về Bùi Giáng và Vũ Đức Sao Biển thôi, là vì sao? Mục đích là mượn cái "cảm thức quy hồi" đặc trưng của hai văn nhân ấy đối với Duy Xuyên đất mẹ, để qua đó khẳng định rằng mỗi "Duy dân" dẫu là ai, đi xa đến đâu, làm gì thì cũng chẳng bao giờ quên được tình quê kiểng sâu nặng. Con đất ấy nuôi họ lớn lên. Rồi, nhờ phần không nhỏ từ bàn tay và khối óc của họ, quê mẹ trở nên giàu đẹp, rạng rỡ. Lớp cha trước lớp con sau, dìu dắt và tiếp bước, cứ thế trao truyền qua hàng trăm năm, cùng đưa Duy Xuyên vững tiến.

Ít ai ngờ từ một vùng đất lửa chịu sự tàn phá nặng nề bởi mưa bom bão đạn chiến tranh, lại là vùng đồng bằng nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn thường xuyên gánh chịu mưa lũ từ thượng nguồn dội xuống và bão táp từ biển Đông quật vào, nên đã từng trải qua nhiều năm mất mùa, nghèo khó, phải "nhận viện trợ"; mà nay, Duy Xuyên đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một địa phương phát triển toàn diện ấn tượng của Quảng Nam. Mỗi bước phát triển của Duy Xuyên hôm nay luôn mang trong mình hào khí ngàn xưa của ông cha để lại, của lớp lớp bao thế hệ người dân đất này đã dày công vun đắp, bảo vệ và dựng xây! 

ÔNG PHAN XUÂN CẢNH - PHÓ BÍ THƯ HUYỆN ỦY, CHỦ TỊCH UBND HUYỆN DUY XUYÊN:

Thay da đổi thịt từng ngày

Về văn hóa, Duy Xuyên đang lưu giữ một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú với 1 di tích quốc gia đặc biệt - Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn, 5 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 48 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Kinh tế, du lịch - dịch vụ của Duy Xuyên không ngừng tăng trưởng. Khu đền tháp Mỹ Sơn, khu phức hợp Hoiana Resort and Golf… là những điểm đến hấp dẫn, yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỉ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng; dịch vụ - du lịch tăng dần và hướng đến mục tiêu kinh tế du lịch là ngành mũi nhọn… Lượng công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp rất đông, với hơn 20.000 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mỗi năm đạt gần 4.300 tỉ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 10,8%, thu nhập bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,06%, không còn hộ ở nhà tạm.

Về hạ tầng, kết cấu hạ tầng của "huyện nông thôn mới" Duy Xuyên được đầu tư ngày càng đồng bộ; hệ thống giao thông kết nối liên vùng, liên huyện và hệ thống thủy lợi, điện, đường, trường, trạm... được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa, hiện đại, khang trang... Về với Duy Xuyên hôm nay, dễ dàng nhận thấy huyện nhà đã, đang thật sự thay da đổi thịt từng ngày.


ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

420 năm đất lành Duy Xuyên- Ảnh 2.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo