Một trong những chương trình lớn mà Báo Người Lao Động thực hiện liên tục trong 5 năm qua là "Tự hào cờ Tổ quốc". Chương trình có ý nghĩa vô cùng đặc biệt khi đã khơi gợi, hun đúc lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân.
Nỗ lực duy trì, phát triển
Tính từ thời điểm ra mắt với tên gọi "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" vào tháng 6-2019, đến nay chương trình đã trao và ký kết trao hơn 2 triệu lá cờ.
Tháng 9-2022, nhân kỷ niệm 3 năm thực hiện "Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" và vượt mốc trao tặng một triệu lá cờ, Báo Người Lao Động quyết định đổi tên chương trình thành "Tự hào cờ Tổ quốc" với quy mô và nội hàm lớn hơn. "Tự hào cờ Tổ quốc" gồm 4 hợp phần: "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển", "Cờ Tổ quốc biên cương", "Đường cờ Tổ quốc" và "Chắc tuyến đầu, vững hậu phương".
Mới đây, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 4 kỷ lục cho chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", gồm: Chương trình trao tặng cờ Tổ quốc với số lượng nhiều nhất (hơn 2 triệu lá cờ); Chương trình trao tặng cờ Tổ quốc thực hiện tại nhiều tỉnh, thành phố nhất (54 địa phương); Chương trình thực hiện nhiều tuyến đường cờ Tổ quốc nhất (trên 750 đường cờ) và Chương trình thực hiện tuyến đường cờ Tổ quốc dài nhất (tuyến đường cờ dài 25 km ở tỉnh Bạc Liêu).
Một chương trình ý nghĩa khác được Báo Người Lao Động thực hiện là "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo", do ông Trương Hòa Bình - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ - sáng lập. Tiếp nhận, quản lý chương trình từ năm 2022, đến nay Báo Người Lao Động đã trao tặng hàng ngàn suất học bổng với tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng cùng gần 1.000 chiếc xe đạp cho học sinh, sinh viên là con em đồng bào các dân tộc vùng biên giới, con chiến sĩ, ngư dân. Với niềm tin những suất học bổng nghĩa tình giúp các em không chỉ vượt qua khó khăn mà còn có thể vươn tới thành công, có điều kiện hỗ trợ gia đình và cộng đồng, đội ngũ Báo Người Lao Động đã nỗ lực hết mình để duy trì và phát triển chương trình.
Trong khi đó, ra đời từ năm 1995, Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động năm nay bước sang tuổi 30. Qua mỗi mùa giải, Mai Vàng lại thêm một lần khẳng định vị thế và uy tín của mình trong lòng công chúng và giới nghệ sĩ. Tại đây, khán giả có thể bày tỏ tình cảm, sự ủng hộ đối với nghệ sĩ yêu thích thông qua việc bình chọn, tạo nên một môi trường tương tác sôi nổi và ý nghĩa. Các nghệ sĩ được vinh danh tại Giải Mai Vàng không chỉ là ngôi sao sáng mà còn là tấm gương về sự nỗ lực, đam mê và kiên trì với nghề.
Đáng chú ý, chương trình "Mai Vàng tri ân" là một sáng kiến có ý nghĩa nhân văn nhằm tôn vinh, ghi nhận những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quan trọng của các văn nghệ sĩ, nhà giáo, nhà báo, y - bác sĩ, nhà khoa học... Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, Ban Tổ chức chương trình đã thăm hỏi, động viên và trao tặng quà cho 21 người tại 5 tỉnh, thành phố với tổng trị giá 373 triệu đồng.
Tạo nhiều sân chơi ý nghĩa cho bạn đọc
Những năm qua, Báo Người Lao Động cũng phát động nhiều cuộc thi, tổ chức nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm, talkshow... với nội dung thiết thực, qua đó tạo sân chơi ý nghĩa cho bạn đọc cũng như tăng tính tương tác.
Cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" qua 5 năm tổ chức đã trở thành cầu nối giữa chính quyền TP HCM và người dân, để những ý tưởng tâm huyết với sự phát triển của thành phố có điều kiện trở thành hiện thực. Chủ đề cuộc thi mỗi năm đều gắn với những vấn đề mà người dân và chính quyền thành phố quan tâm. Những ý tưởng, hiến kế, giải pháp tốt... của bạn đọc đã góp phần vào tổng thể các giải pháp của TP HCM. Mặt khác, lãnh đạo thành phố qua đó nhận thấy được người dân đang mong muốn điều gì để có những chủ trương, chính sách phù hợp, kịp thời.
Cuộc thi viết "Lòng tốt quanh ta" đã bước sang năm thứ 3, không chỉ là sân chơi cho bạn đọc mà còn khơi dậy, nuôi dưỡng những giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn. Cuộc thi luôn thu hút sự tham gia của đông đảo độc giả từ khắp mọi miền đất nước. Qua mỗi câu chuyện, người đọc có thể cảm nhận được sức mạnh của tình người, sự kết nối và niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Tương tự, cuộc thi viết "Người thầy thuốc trong tôi" sau 3 lần tổ chức đã tri ân, lan tỏa nhiều câu chuyện cảm động về lòng nhân ái, tinh thần hy sinh và những đóng góp thầm lặng của đội ngũ y - bác sĩ, nhân viên y tế.
Ngoài ra, Báo Người Lao Động còn tổ chức nhiều cuộc thi viết khác như "Chủ quyền quốc gia bất khả xâm phạm", "Từ trong ký ức", "Người thầy kính yêu", "Nâng bước người lao động", "Tự hào hàng Việt" và cuộc thi ảnh "Thiêng liêng cờ Tổ quốc". Mỗi cuộc thi đều nhận được sự hưởng ứng tích cực của bạn đọc, để lại những dấu ấn khó phai.
Mới đây, nhằm làm phong phú, đa dạng hơn nguồn tác phẩm âm nhạc, tạo điều kiện lan tỏa một cách sâu rộng những giá trị nghệ thuật tốt đẹp trong nhân dân, góp phần động viên, cổ vũ phong trào thi đua yêu nước, hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và các ngày lễ trọng đại của đất nước, Báo Người Lao Động phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc chủ đề "Đất nước trọn niềm vui". Đến nay chương trình đã nhận được hơn 50 tác phẩm tham dự của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên trên cả nước.
Gắn với các vấn đề đang được quan tâm
Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều chương trình được công chúng đón nhận, hào hứng tham gia như: "Đưa trường học đến thí sinh", "Tôn vinh cà phê - trà Việt", Giải Half marathon "Tự hào Tổ quốc tôi", Giải golf "Tôi yêu Việt Nam".
Song song đó, Báo Người Lao Động cũng tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo, diễn đàn gắn với các vấn đề đang được quan tâm.
Bạn đọc DƯƠNG THỊ THANH TÂM, giáo viên THPT:
Một tờ báo năng động, sáng tạo
Tôi thường đọc Người Lao Động điện tử, nhận thấy báo khá nhanh nhạy, thông tin chính xác, kịp thời và đúng đắn.
Tôi có mua tài khoản của chuyên mục "Dành cho bạn đọc VIP". Lúc đầu là vì tò mò, số tiền bỏ ra không lớn nhưng càng đọc chuyên mục này, tôi càng bị cuốn hút bởi nhiều bài viết chất lượng cao về các lĩnh vực khác nhau; thông tin hấp dẫn, có chiều sâu; phân tích sắc bén, góc nhìn mới lạ..., qua đó độc giả có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về nhiều vấn đề. Theo tôi, việc trả phí để tiếp cận những nội dung chất lượng cao là xu thế tất yếu, không chỉ giúp bảo đảm chất lượng bài viết mà còn hỗ trợ báo chí duy trì và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của độc giả.
Tôi cũng đánh giá rất cao các chương trình xã hội, các cuộc thi mà Báo Người Lao Động tổ chức. Thông qua những hoạt động này, Người Lao Động đã chứng minh được những người làm báo luôn năng động, sáng tạo, đầy trách nhiệm xã hội, đồng thời giúp tờ báo ngày càng gần gũi bạn đọc hơn.
Bạn đọc TRẦN PHƯƠNG - ngụ quận 7, TP HCM:
Lan tỏa vẻ đẹp của tình người
Tôi năm nay đã gần 60 tuổi, gắn bó với Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động đã gần 30 năm - từ khi giải còn được tổ chức ở Hội trường LĐLĐ TP HCM, rồi đến Đầm Sen, Suối Tiên và người bình chọn phải cắt phiếu trên báo in. Với tôi, Mai Vàng là một giải thưởng uy tín, dấu ấn không thể thiếu trong lòng người yêu nghệ thuật lẫn văn nghệ sĩ. Càng về sau, giải càng có nhiều hạng mục giải thưởng, phản ánh đúng sự đa chiều và phong phú của đời sống văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Lễ trao giải cũng được dàn dựng công phu, chuyên nghiệp, đẹp mắt hơn, làm tăng thêm uy tín của Mai Vàng. Những năm gần đây, Báo Người Lao Động tổ chức thêm chương trình "Mai Vàng tri ân" rất ý nghĩa, nhân văn.
Tôi còn ấn tượng với các cuộc thi do Báo Người Lao Động tổ chức, nhất là "Lòng tốt quanh ta", "Người thầy thuốc trong tôi", "Người thầy kính yêu"... Các cuộc thi này đã khơi dậy, lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp, cho thấy cuộc đời vẫn đẹp và tình người rất đáng trân quý.
Bình luận (0)