Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình.
Đây cũng là dịp để mọi người tụ họp, vui chơi, thư giãn sau một năm làm việc, học tập nghiêm túc, miệt mài. Nếu bạn còn phân vân địa điểm nào để "check in" dịp Tết ở TP HCM thì có thể tham khảo những địa chỉ, sự kiện hấp dẫn sau đây.
1. Đường hoa Nguyễn Huệ (phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1)
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp Thìn 2024 với chủ đề "Xuân yêu thương - Tết sum vầy" đã khai mạc và chính thức mở cửa phục vụ nhu cầu du xuân, thưởng ngoạn của người dân thành phố và du khách từ 19 giờ ngày 7-2 (ngày 28 Tết).
Thời gian phục vụ kéo dài đến 21 giờ ngày 14-2-2024 (mùng 5 Tết).
Đường hoa Nguyễn Huệ đã khai mạc và sẵn sàng đón người dân, du khách đến tham quan; Ảnh: NLĐO
Đường hoa năm nay có nhiều điểm mới, độc đáo khi linh vật rồng lập kỷ luật về kích thước của các con giáp từng xuất hiện trên Đường hoa, với hơn 100 m, vượt qua cả kích thước linh vật của năm Nhâm Thìn 2012 và năm Nhâm Dần 2022.
Năm nay cũng là lần đầu tiên cây hoàng kim xuất hiện tại Đường hoa Nguyễn Huệ. Chín cây hoàng kim có chiều cao từ 1 đến 3,6 m. Hay ứng dụng AR khi chụp ảnh trên Đường hoa giúp khách tham quan có được trải nghiệm thú vị khi quan sát và chụp ảnh Đường hoa thông qua app Seensio Go.
Đường hoa Nguyễn Huệ được tổ chức lần đầu tiên vào Tết Giáp Thân 2004. Đến nay, sự kiện này bước sang tuổi thứ 21 và đã trở thành nét văn hóa Tết của người dân TP HCM. Công trình do UBND TP HCM chỉ đạo; Saigontourist chủ trì, phối hợp các sở ban ngành và sự đồng hành của các doanh nghiệp tại thành phố thực hiện.
2. Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024
Cách đường hoa Nguyễn Huệ vài bước chân là Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 trên tuyến đường Lê Lợi, quận 1 (từ Nguyễn Huệ đến công trường Quách Thị Trang) với nhiều hoạt động văn hoá nhằm tôn vinh văn hóa đọc.
Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn năm 2024 khai mạc vào lúc 17 giờ ngày 7-2 (ngày 28 tháng Chạp) và kéo dài xuyên suốt đến 21 giờ ngày 14-2 (tức mùng 5 Tết).
Lãnh đạo Trung ương, TP HCM khai mạc Lễ hội Đường sách 2024 và tặng sách cho công dân trẻ tiêu biểu; Ảnh: Quốc Thắng
Trải qua 13 năm tổ chức, sự kiện quen thuộc mang tên Lễ hội Đường sách Tết đã thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, đọc sách, trải nghiệm không gian tri thức và tham gia các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống trong ngày Tết cổ truyền.
Một hoạt động ý nghĩa, lần đầu tiên xuất hiện tại Lễ hội Đường sách Tết là "Lì xì sách". Ban tổ chức Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn 2024 đã vận động được hơn 6.000 cuốn sách đề lì xì cho du khách trong ngày mùng 1 Tết.
Với thông điệp "Mở trang sách mới, mừng năm mới", hoạt động "Lì xì sách Tết" không chỉ là một nghi thức truyền thống mà còn là thông điệp về sự trân trọng tri thức, bày tỏ niềm hân hoan và những kỳ vọng cho một năm mới với nhiều thành công mới.
3. Hội trường Thống Nhất – Nhà thờ Đức Bà – Bưu điện TP HCM - Đường sách Nguyễn Văn Bình
Đây là những di tích, công trình nổi tiếng của TP HCM, không chỉ thu hút du khách bởi ý nghĩa lịch sử mà còn là kiến trúc đặc sắc, lâu đời.
Đây cũng là những địa điểm rất được giới trẻ TP HCM yêu thích, "check-in", thư giãn không chỉ vào dịp lễ, Tết mà đã trở thành địa điểm quen thuộc, không thể thiếu mỗi dịp cuối tuần.
Cụm công trình di tích độc đáo của TP HCM và Đường sách Nguyễn Văn Bình; Ảnh: NLĐO
Kế bên cụm công trình đặc sắc trên là Đường sách Nguyễn Văn Bình - một điểm đến đã rất nổi tiếng của TP HCM nhiều năm nay. Vốn đã đông đúc du khách và người dân đến tham quan và mua sắm vào những ngày thường, Đường sách Nguyễn Văn Bình hứa hẹn sẽ tiếp tục thu hút lượng khách trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
4. Hội Hoa Xuân Tao Đàn 2024 (Công viên Tao Đàn, quận 1)
Hội Hoa Xuân TP HCM lần thứ 44 tại Công viên Tao Đàn chính thức mở cửa phục vụ người dân và du khách từ 7 giờ sáng 6-2 (27 tháng Chạp) và kéo dài từ ngày 15-2 (mùng 6 Tết).
Đây là một trong những sự kiện lễ hội tiêu biểu của TP HCM mang đậm văn hóa mỗi dịp Xuân về; nơi giao lưu giữa các nghệ nhân, nhà vườn trong và ngoài nước. Năm nay, lần đầu tiên Hội Hoa Xuân có thên những khu trưng bày mới lạ, với những hiện vật độc đáo, được kỳ vọng đem đến nhiều bất ngờ thú vị cho công chúng.
Kỳ hoa dị thảo tại Hội hoa Xuân Tao Đàn năm 2024; Ảnh: Quốc Thắng
Điển hình bộ sưu tập Mai vàng, với cây mai trên 50 năm đến từ Long Xuyên - An Giang, cây mai trên 40 năm (cao 3 m) đến từ Thủ Đức - TP HCM; bộ sưu tập hoa sứ nghệ thuật, với các tác phẩm sứ lớn như cặp Xuân Kỳ (cao khoảng 2,7 m tính từ mặt đất).
Còn có Vương nữ ngàn hoa (cao khoản 3 m); bộ sưu tập hoa lan, với tác phẩm Kim điệp trên 200 vòi bông, Hạc vỹ cao hơn 1 m, bộ Lan thủy tiên 3 màu; Khu Hoa ôn đới với bông giấy cổ thụ trên 70 năm, đỗ quyên cổ thụ, mai xanh gần 100 năm đến từ Đà Lạt...
5. Đại tiệc pháo hoa đêm Giao thừa
Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến sự kiện bắn pháo hoa vào đúng đêm Giao thừa tại TP HCM. Đây là một trong những sự kiện được người dân thành phố và du khách mong chờ mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Năm nay là năm TP HCM bắn pháo hoa đón năm mới tại nhiều điểm nhất từ trước đến nay. Thông thường, mỗi dịp Tết Nguyên đán TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa vào đêm Giao thừa tại 2 điểm bắn pháo hoa tầm cao và 4 điểm bắn pháo hoa tầm thấp.
Nhưng năm nay, TP HCM sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 11 điểm, gồm 2 điểm tầm cao và 9 điểm tầm thấp để phục vụ nhu cầu người dân các quận, huyện vùng ven.
Cụ thể: 2 điểm tầm cao là đầu hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và khu Đền tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi).
9 điểm tầm thấp là Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11); Khu Truyền thống cách mạng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 (huyện Bình Chánh); Quảng trường Rừng Sác (huyện Cần Giờ); Đền Bến Nọc (TP Thủ Đức); Công viên văn hóa quận Gò Vấp; Khu di tích lịch sử Ngã ba Giồng (huyện Hóc Môn); Quảng trường trung tâm hành chính quận 7; Khu dân cư Bình Trị Đông (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân); Nhà văn hóa huyện Củ Chi (thị trấn Củ Chi).
Thời gian bắn từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 10-2 (đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết).
Bình luận (0)