Thông tin trên được PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) cảnh báo khi nhận thấy độ tuổi mắc đột quỵ trẻ hoá.

PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM) thăm khám cho bệnh nhân
PGS Nguyễn Huy Thắng cho biết theo các tổ chức y tế hàng đầu như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), cũng như các nghiên cứu từ Đại học Oxford và Yale (Hoa Kỳ), độ tuổi trung bình mắc đột quỵ trong dân số toàn cầu thường dao động từ 70 đến 75 tuổi. Thế nhưng, tại Việt Nam, con số này đang có dấu hiệu tụt dốc nhanh chóng.
Năm 2019, nghiên cứu trên 6.601 bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân 115 cho thấy tuổi trung bình mắc đột quỵ ở Việt Nam là 62. Một cơ sở dữ liệu khác từ hệ thống ResQ với 2.300 bệnh nhân cũng xác nhận xu hướng này. Điều này cho thấy bệnh nhân đột quỵ tại Việt Nam trẻ hơn khoảng 10 tuổi so với các nước phát triển.
Không chỉ là con số trên giấy, PGS Nguyễn Huy Thắng cho biết thêm trong một buổi họp giao ban gần đây, danh sách 49 bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong ngày cho thấy gần một nửa trong số đó dưới 56 tuổi, đặc biệt có một nữ bệnh nhân mới chỉ 21 tuổi.
Lý giải nguyên nhân vì sao người trẻ ngày càng dễ bị đột quỵ, PGS Nguyễn Huy Thắng nhận định đây là hệ quả từ hàng loạt yếu tố nguy cơ. Cụ thể, thứ nhất tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu ở người trẻ. Do lối sống ít vận động, ăn nhiều đồ nhanh, béo phì khiến các bệnh lý nền xuất hiện sớm hơn.
Thứ 2, đô thị hóa và áp lực sống hiện đại. Người dân thành thị ít vận động, ăn nhiều muối và đường, chịu áp lực tâm lý nặng nề từ công việc, học hành và mạng xã hội.
Thứ 3, nhiễm không khí nghiêm trọng. Tình trạng khói bụi, ô nhiễm ở các đô thị lớn có liên quan mật thiết đến nguy cơ đột quỵ.
Thứ 4, hệ thống y tế chưa bao phủ đủ, thiếu các chương trình tầm soát bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường ở người trẻ.
Thứ 5, thói quen xấu (hút thuốc, rượu bia, sử dụng chất kích thích…). Các hành vi này đang gia tăng mạnh trong giới trẻ và góp phần làm tổn thương hệ mạch máu sớm.
Thứ 6, yếu tố di truyền và chủng tộc. Một số nhóm dân tộc có nguy cơ cao do di truyền, càng nghiêm trọng hơn khi gặp môi trường sống bất lợi.
Thứ 7, thiếu kiến thức và nhận thức. Nhiều người trẻ vẫn nghĩ đột quỵ chỉ xảy ra ở người già. Họ không nhận ra các dấu hiệu cảnh báo và thường nhập viện quá muộn.
PGS Nguyễn Huy Thắng cảnh báo đột quỵ không còn là bệnh của người già. Từ một căn bệnh chỉ người già mới lo, đột quỵ đang gõ cửa cả những người mới ngoài 20 tuổi. Vì vậy, PGS đề xuất Việt Nam cần có những nghiên cứu quy mô quốc gia, từ đó xây dựng các chính sách phòng ngừa và giáo dục cộng đồng phù hợp với xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này.
"Chỉ khi người trẻ nhận ra rằng đột quỵ không chừa một ai, chúng ta mới có thể hy vọng vào sự thay đổi" - PGS Nguyễn Huy Thắng nhấn mạnh.
Bình luận (0)