xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

70 năm giải phóng thủ đô: Mạnh mẽ vươn mình

NGUYỄN HƯỞNG

70 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội vững vàng vượt qua bao gian lao, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn

Những thành quả đó giúp Hà Nội ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới.

Ngày 10-10-1954, Thủ đô Hà Nội chính thức hoàn toàn được giải phóng. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kỳ mới trong quá trình phát triển của một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Nhiều thành tựu to lớn

Bước vào công cuộc kiến thiết đất nước sau chiến tranh, Hà Nội gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song, bằng sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Hà Nội đã nhanh chóng khôi phục và từng bước phát triển qua các thời kỳ, xứng đáng với trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước, đưa thành phố hội nhập sâu rộng với thế giới.

Trong nhiều năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng khá và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Tổng ngân sách trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011-2023 tăng bình quân 6,67%/năm. Xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong giai đoạn này với tổng kim ngạch tăng bình quân 4,57%/năm.

Lĩnh vực thương mại của Hà Nội trở thành ngành kinh tế lớn, không chỉ phục vụ đời sống người dân mà còn bảo đảm cung ứng phục vụ sản xuất - kinh doanh, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Hà Nội hiện có hệ thống thương mại khá hiện đại, gồm khoảng 30 trung tâm thương mại, gần 150 siêu thị, 455 chợ (cả đầu mối và dân sinh), hàng ngàn cửa hàng tiện ích, cơ sở kinh doanh. Hạ tầng thương mại nội địa như trung tâm logistics, cảng cạn, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… được chú trọng phát triển.

Bên cạnh đó, du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Hà Nội vào nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách các điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Năm 2023, khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt, trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế. 9 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 21,12 triệu lượt, tăng 11,7%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 81.932 tỉ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngày càng có nhiều công trình lớn mọc lên, góp phần đổi thay bộ mặt đô thị của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: HỮU HƯNG

Ngày càng có nhiều công trình lớn mọc lên, góp phần đổi thay bộ mặt đô thị của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: HỮU HƯNG

Đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, năm 2023, xuất nhập khẩu của Hà Nội chiếm tỉ trọng gần 9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, đưa Hà Nội lên vị trí thứ 8 trên 63 tỉnh, thành phố.

Trên địa bàn có 9 khu công nghiệp hoạt động, 3 khu công nghiệp đã thành lập, đang triển khai xây dựng hạ tầng. Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá, như: điều khiển kỹ thuật số, tự động hóa, robot, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học… Bên cạnh đó, thủ đô thu hút khoảng 4.500 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỉ USD.

Về đóng góp chung cả nước, mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích tự nhiên và 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp 16% GDP cả nước, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa. Các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội đều có những bước phát triển, mức sống của nhân dân thủ đô đang tăng lên, bộ mặt đô thị thay đổi từng ngày.

Tầm vóc và bề thế hơn

Trong quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia. Nhiều dự án khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại đem lại không gian phát triển đô thị mở rộng và hiện đại hơn.

Hà Nội cũng đang tập trung đầu tư, hoàn thành các điều kiện để xây dựng các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng thành quận. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển vùng đô thị mở rộng lên phía Bắc, đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ để dần xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố thông minh trong tương lai gần. Về định hướng phát triển đô thị những năm tiếp theo, TP Hà Nội sẽ tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.

TS-KTS Jan Gehl, tác giả cuốn sách "Cuộc sống giữa những công trình kiến trúc", khi nhắc đến sự đổi thay của Hà Nội, đã thốt lên: "Diện mạo Hà Nội vụt sáng dậy theo cả chiều rộng lẫn chiều cao. Thủ đô đã có một sắc diện mới "tầm vóc và bề thế hơn". Không chỉ những quận nội thành có những đổi thay kỳ diệu với hàng trăm tòa nhà cao tầng đã được xây dựng, mà những khu đô thị mới xanh, sạch, đẹp đã và đang dần hiện hữu trên những mảnh ruộng ngày nào".

Bà Bùi Thị Minh Hoài - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội - khẳng định 70 năm kể từ ngày tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã vững vàng vượt qua bao gian lao, thử thách, đạt được những thành tựu to lớn, viết lên trang sử hào hùng, ghi dấu son trên bản đồ thủ đô các nước trên thế giới. Bạn bè quốc tế ngày nay biết đến Hà Nội và vinh danh Hà Nội là "thành phố vì hòa bình", "thành phố sáng tạo"…

"Trong 70 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống chính trị ở thủ đô được bồi dưỡng, vun đắp, hoàn thiện và ngày nay trở thành một khối vững chắc, là cơ sở bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Thủ đô Hà Nội được bạn bè thế giới biết đến như là một điểm đến an toàn và hấp dẫn bởi sự trách nhiệm của chính quyền, thân thiện của người dân và sự phong phú, đặc sắc của văn hóa. Cùng với khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa và các nguồn lực về văn hóa ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của mỗi quốc gia, vùng, địa phương trong xã hội hiện đại" - Bí thư Thành ủy TP Hà Nội nhấn mạnh. 

Định hình không gian phát triển cho tương lai

Trong đầu tư hạ tầng kết nối vùng Thủ đô, Hà Nội đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và các đường song hành để tăng tính kết nối với các tỉnh, thành.

Đặc biệt, ngày 28-6-2024, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có hiệu lực từ 1-1-2025 và cho ý kiến với 2 quy hoạch lớn: quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hai quy hoạch này sẽ giúp định hình về không gian, quản lý đô thị, đầu tư, phát triển đô thị TP Hà Nội trong tương lai...


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo