xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

70 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2025): Tình thương chiến thắng nỗi đau

NGỌC QUÝ - PHẠM DŨNG

Nỗi đau thể xác lẫn tinh thần do bệnh tật khiến nhiều người suy sụp.

Bằng y thuật và trái tim nhân hậu, đội ngũ y - bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp thêm hy vọng, giúp nhiều bệnh nhân tái hòa nhập cuộc sống.

Tại Khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), mỗi ngày các y - bác sĩ phải đối mặt vô vàn ca phỏng nghiêm trọng. Gánh nặng trên vai họ không chỉ là chuyện chuyên môn mà còn là trách nhiệm xoa dịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần cùng những khó khăn tài chính của bệnh nhân.

"Xin được mổ, được chăm sóc" bệnh nhân

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Tạo hình, cho biết phần lớn bệnh nhân ở đây là lao động chân tay, không có điều kiện kinh tế. Khoa còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân "5 không": không thân nhân, không nhà cửa, không bảo hiểm y tế, không tiền bạc và không hợp tác điều trị.

"Mỗi khoa có đặc thù riêng, trong đó Khoa Phỏng - Tạo hình luôn điều trị cho bệnh nhân nghèo khó, lao động trực tiếp, cuộc sống vất vả. Họ không chỉ thiếu thốn vật chất mà còn tổn thương tinh thần nghiêm trọng. Một số bệnh nhân do suy nghĩ tiêu cực đã tự tìm đến cái chết bằng lửa, axít. Khi nhập viện, họ mang trên mình cả vết thương thể xác lẫn tâm lý khó chữa lành" - bác sĩ Hiệp cám cảnh.

Không ít trường hợp bệnh nhân tâm thần nhập viện trong tình trạng phỏng nặng nhưng từ chối điều trị, gây khó khăn cho bác sĩ. Với những người không hợp tác, không cho điều trị, bác sĩ phải giải thích nhiều lần, thậm chí "xin được chăm sóc, xin được mổ" cho bệnh nhân.

Trưởng Khoa Phỏng - Tạo hình nhớ mãi một bệnh nhân ở quận 6, TP HCM vốn sống lang thang dưới gầm cầu, không rõ nguyên nhân phỏng. Người này không có giấy tờ tùy thân, không thân nhân, không bảo hiểm y tế. Mọi chi phí điều trị đều do bệnh viện và bác sĩ vận động hỗ trợ.

"Tập thể điều dưỡng thay nhau vệ sinh vết thương, chăm sóc, thậm chí bỏ tiền túi lo cho bệnh nhân ăn uống. Bệnh nhân tâm thần này không hợp tác, không chịu điều trị nhưng anh em trong khoa vẫn kiên trì. Sau thời gian dài chăm sóc, bệnh nhân dần hồi phục" - bác sĩ Hiệp nhớ lại.

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NGỌC QUÝ

TS-BS Ngô Đức Hiệp, Trưởng Khoa Phỏng - Tạo hình Bệnh viện Chợ Rẫy, thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: NGỌC QUÝ

Thông thường, bệnh nhân phỏng cần được phẫu thuật nhiều lần. Có người nằm viện 2-3 tháng, phải mổ cả chục lần. Với bệnh nhân AIDS bị phỏng, dù nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế rất cao nhưng các bác sĩ vẫn tận tâm điều trị. "Nói không sợ là không đúng. Song, chúng tôi làm việc bằng tình thương. Chính điều đó đã giúp chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi" - bác sĩ Hiệp tâm sự.

Suốt 35 năm gắn bó với Khoa Phỏng - Tạo hình, bác sĩ Hiệp hiểu rằng nếu không có tình thương với bệnh nhân thì không thể làm tốt công việc này. Ông nhìn nhận: "Ngành y mà không thương yêu bệnh nhân thì cực kỳ thất bại. Chúng tôi không chỉ điều trị mà còn phải giải quyết các vấn đề về tâm lý, đồng hành cùng bệnh nhân đến khi họ có thể tái hòa nhập cuộc sống" .

Xem bệnh nhân như người nhà

Theo Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Quỳnh Giao, người đã gắn bó với Khoa Phỏng - Tạo hình từ năm 1992, với những người cấp cứu không có thân nhân, điều dưỡng sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc như bất kỳ bệnh nhân nào khác.

"Chúng tôi còn nhờ vả những người nuôi bệnh khác giúp đỡ hoặc tự bỏ tiền túi để mua nước, sữa, dụng cụ sinh hoạt cho họ. Sau đó, chúng tôi báo cáo và làm tờ trình gửi Phòng Công tác xã hội để có nguồn hỗ trợ bệnh nhân" - bà Giao cho biết.

70 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2025): Tình thương chiến thắng nỗi đau- Ảnh 2.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Quỳnh Giao

Những bệnh nhân vô gia cư thường được công an hoặc người dân đưa vào bệnh viện trong tình trạng không giấy tờ, không ai thân thích. Dù vậy, chưa bao giờ đội ngũ y tế ở đây nghĩ đến việc bỏ cuộc. "Chúng tôi làm việc vì tình thương và trách nhiệm. Lúc mới vào nghề, tôi từng tự hỏi mình có trụ nổi không, khi không chịu được mùi dầu mù u. Nhưng rồi, tình yêu nghề đã giúp tôi vững tâm gắn bó đến nay" - bà Giao thổ lộ.

Không chỉ chăm sóc, điều trị, các điều dưỡng còn lo cả hậu sự cho những bệnh nhân kém may mắn. "Không ít bệnh nhân qua đời giữa đêm, không có tiền đóng viện phí, không có phương tiện đưa về quê. Chúng tôi lại tự bỏ tiền túi giúp đỡ, chỉ mong họ được an nghỉ nơi quê nhà" - bà Giao tâm sự.

Gắn bó với Bệnh viện Chợ Rẫy từ năm 1992, hộ lý Phạm Thị Hồng là một trong những người có thâm niên nhất tại đây. Suốt hơn 30 năm làm việc, bà được đồng nghiệp và bệnh nhân gọi bằng cái tên thân thương "Vú nuôi".

Bà Hồng không chỉ dọn dẹp, giữ gìn vệ sinh bệnh viện mà còn trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, từ thay quần áo, tắm rửa đến đút từng muỗng cơm, ngụm nước. Với bệnh nhân không có người thân, bà càng tận tâm hơn, chăm sóc như người trong gia đình. "Đối với tôi, bệnh nhân nào cũng như nhau. Dù nam hay nữ, già hay trẻ, tôi đều chăm sóc tận tình. Làm lâu rồi cũng quen" - bà bộc bạch.

70 NĂM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM (27.2.1955 - 27.2.2025): Tình thương chiến thắng nỗi đau- Ảnh 3.

Hộ lý Phạm Thị Hồng

Nhiều người không có thân nhân bên cạnh, phải nhờ đến sự chăm sóc của đội ngũ hộ lý. Có những người khó tính, không hợp tác, bà Hồng phải nhờ điều dưỡng giữ lại để giúp họ ăn uống, vệ sinh. Dù vất vả nhưng với bà, mỗi bệnh nhân đều là một mảnh đời cần được giúp đỡ.

Hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề, bà Hồng vẫn tận tụy như ngày đầu. "Cứ coi bệnh nhân như người nhà, riết rồi thành quen" - bà nói, đôi mắt ánh lên sự ấm áp.

Dù đối diện những ca bệnh đầy thử thách, những bệnh nhân không nơi nương tựa, những hoàn cảnh tưởng chừng bế tắc, đội ngũ y - bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý tại Khoa Phỏng - Tạo hình chưa từng chùn bước. Họ không chỉ là những người chữa lành vết thương thể xác mà còn là chỗ dựa tinh thần cho những mảnh đời khốn khó.

Bằng tình thương và trách nhiệm, họ đã biến nơi đây không chỉ là một khoa điều trị mà còn là mái nhà cho những bệnh nhân "5 không" - những người từng bị cuộc đời bỏ quên. Từng vết thương được chăm sóc, từng số phận được níu giữ, từng sinh mạng được nâng niu không chỉ bằng y thuật mà còn bằng cả trái tim.

Ở Khoa Phỏng - Tạo hình, mỗi ngày là một cuộc chiến nhưng cũng là một hành trình đầy hy vọng. Chính những con người thầm lặng ấy, từ bác sĩ, điều dưỡng đến hộ lý, đã thắp lên ngọn lửa ấm áp, giúp bệnh nhân không chỉ hồi phục mà còn tìm lại được niềm tin vào cuộc sống.

Những tấm lòng nhân ái thắp sáng hy vọng

Từ năm 2022 đến nay, cộng đồng đã chung tay đóng góp hơn 7 tỉ đồng, hỗ trợ chi phí điều trị, phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân khó khăn tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhờ những tấm lòng nhân ái ấy, nhiều bệnh nhân đã hồi phục và trở lại cuộc sống.

Bên cạnh đó, Bệnh viện Chợ Rẫy còn nhận được sự hỗ trợ từ Đảng ủy, Ban Giám đốc, các khoa phòng, đặc biệt là Phòng Công tác xã hội. Khi bệnh nhân không qua khỏi, bệnh viện vận động từ thiện để lo hậu sự.

Sự giúp đỡ của cộng đồng không chỉ nhằm cứu chữa, điều trị mà còn là ánh sáng hy vọng, tiếp thêm sức mạnh cho những mảnh đời bất hạnh. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, tình người ấm áp đã chiến thắng mọi khó khăn, mang đến tương lai tươi sáng cho những bệnh nhân nghèo khó.

(Còn tiếp)

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo