Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay phần lớn các vụ lộ lọt thông tin có nguyên nhân từ việc người dùng không cập nhật mật khẩu. Đơn cử, năm 2020, một khảo sát cho thấy có đến 70% số camera giám sát không được cập nhật mật khẩu.
Theo Tổng cục Hải quan, tại Việt Nam đã có trên 16 triệu thiết bị camera giám sát được nhập khẩu và lắp đặt. Ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có hơn 20 triệu camera giám sát được sử dụng, bằng 1/5 dân số cả nước. Các camera hiện có xu thế tích hợp khả năng tương tác trực tiếp với người dùng thông qua ứng dụng di động và lưu trữ trên đám mây.
Đáng chú ý, ước tính có hơn 90% camera tại Việt Nam có xuất xứ Trung Quốc và chuyển dữ liệu người dùng ra nước ngoài. Điều này đặt ra những lo ngại về an ninh mạng, đặc biệt là khi một số dòng camera hoạt động theo cơ chế đám mây, kết nối với máy chủ đặt tại nước ngoài.
Để giảm thiểu và phòng tránh rủi ro dữ liệu từ camera bị đánh cắp, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng ưu tiên sử dụng các thương hiệu camera nổi tiếng với chính sách bảo mật rõ ràng, minh bạch; tránh sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc xuất xứ không đáng tin cậy.
Khi lắp đặt và thiết lập camera lần đầu, người dùng nên thay đổi mật khẩu mặc định bằng một mật khẩu mạnh, bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Mật khẩu có cường độ bảo mật yếu sẽ tạo cơ hội cho hacker dễ dàng tấn công, xâm nhập hệ thống.
Bên cạnh đó, nhà sản xuất thường phát hành các bản vá bảo mật và nâng cấp phần mềm bởi bản cũ thường phát sinh lỗi. Người dùng cần bảo đảm thiết bị luôn hoạt động ở phiên bản phần mềm mới nhất nhằm tránh bị khai thác lỗ hổng bảo mật.
Nếu không cần theo dõi từ xa, hãy tắt chức năng truy cập qua internet để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công khi giám sát thiết bị ở những nơi công cộng.
Trong trường hợp sử dụng dịch vụ lưu trữ dữ liệu trên đám mây, người dùng nên lựa chọn dịch vụ từ các nhà cung cấp uy tín, có cam kết về bảo mật và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn quốc tế như Onedrive, AWS Cloud, Viettel IDC...
Tránh đặt camera ở những vị trí có thể xâm phạm quyền riêng tư của người khác như phòng ngủ, phòng tắm; thường xuyên kiểm tra nhật ký truy cập để phát hiện các hoạt động đáng ngờ, từ đó có biện pháp xử lý kịp thời.
Người dùng cũng nên bảo vệ mạng wifi bằng mật khẩu mạnh và bật mã hóa WPA3 hoặc WPA2, giúp tránh việc camera bị truy cập trái phép qua mạng không bảo mật.
Bình luận (0)