Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), thông qua các công ty thành viên, đã tiên phong đầu tư tại những vùng kinh tế khó khăn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong nước cùng với khoảng 42.100 lao động nước ngoài (Campuchia và Lào) và đồng bào dân tộc thiểu số
Đổi thay ở vùng biên viễn
Sau hàng chục năm bén rễ ở vùng đất giáp biên giới Campuchia, cây cao su đã mang đến một diện mạo hoàn toàn mới cho huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum
"Cuộc sống nơi vùng đất "rừng thiêng nước độc" đầy gian khổ, thiếu thốn đủ điều nhưng chúng tôi luôn tâm niệm "còn da lông mọc, còn chồi nảy cây". Với lòng kiên trì, chúng tôi tin rằng một ngày nào đó, cây cao su sẽ phủ xanh cả vùng biên viễn, giúp cải thiện đời sống người dân". Ông Nguyễn Khắc Hiền, Trưởng Phòng Hành chính - Quản trị Công ty TNHH MTV Cao su Sa Thầy, chia sẻ như vậy về những ngày đầu tiên đưa cây cao su đến vùng biên giới ở huyện Ia H'Drai, tỉnh Kon Tum.
Buổi đầu gian nan
Ông Nguyễn Khắc Hiền đã gắn bó với Công ty TNHH MTV Cao su Sa Thầy ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong chuyến đi quanh những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh mướt, ông kể lại từng giai đoạn phát triển của các vườn cây, từ khi còn là những mầm non.
Cách nay 18 năm, khi Công ty TNHH MTV Cao su Sa Thầy vừa được thành lập, ông Hiền cùng đồng nghiệp đã đặt chân đến đây khai khẩn, gieo trồng những cây cao su đầu tiên. Thời điểm đó, huyện Ia H'Drai chưa được thành lập, vùng đất rộng lớn này gần như không có người dân sinh sống, chỉ bao la rừng rậm. Cuộc sống khi ấy vô cùng khó khăn, thiếu thốn, từ nguồn nước sinh hoạt, điện thắp sáng đến sóng điện thoại và giao thông đi lại.
Do đường sá hiểm trở, mỗi lần hàng tiếp tế từ TP Kon Tum chở lên phải mất cả tuần đi đường, dù khoảng cách chỉ hơn 150 km. Thực phẩm tươi không thể bảo quản lâu nên hàng tiếp tế chủ yếu là đồ khô.
"Có những đợt hết gạo mà xe tiếp tế bị mắc kẹt trong rừng, chúng tôi phải đến vay mượn của bộ đội biên phòng. Khó khăn nhất là đội ươm chỉ có 2 người nhưng một người thấy khổ quá, không chịu nổi đã bỏ việc mà về" - ông Hiền nhớ lại.
Khí hậu ở vùng biên viễn Ia H'Drai vô cùng khắc nghiệt với mùa khô nóng gay gắt, thiếu nước sạch trầm trọng. Ở đây không thể khoan giếng vì lớp đá rắn chắc dưới lòng đất. Mùa mưa, công nhân có thể hứng nước để tích trữ sử dụng nấu ăn; còn mùa khô thì chỉ có cách lấy nước đục từ sông suối rồi chờ lắng bùn đất để dùng.
"Người đồng bào dân tộc thiểu số trước đây du canh, du cư, luôn chọn những nơi thích hợp để sinh sống, lập làng mà họ còn không đến vùng này thì đủ hiểu điều kiện khắc nghiệt ra sao" - ông Hiền dẫn chứng.
Đến nay, anh Nguyễn Văn Hưng vẫn nhớ như in năm 2008, khi anh nghỉ việc bảo trì máy may ở tỉnh Bình Dương với lương hơn 5 triệu đồng/tháng để lên huyện Ia H'Drai làm công nhân cao su với mức lương giảm nhiều lần. "Làm công nhân ở Bình Dương phải ở trọ, còn lên đây thì được cấp đất ở ổn định. Nhưng đến nơi, tôi thấy cuộc sống rất khó khăn. Nhiều hôm thèm thịt heo cũng không có ai bán để mua" - anh Hưng kể.
Khi ấy, vào những buổi chiều, sau một ngày làm việc vất vả và dùng bữa cơm đạm bạc là khoảng thời gian buồn nhất với những công nhân cao su. Trong căn nhà quây bằng tôn ban ngày nóng như lò than, công nhân chỉ có thể chui vào màn để tránh muỗi và côn trùng đốt. Không có sóng điện thoại, họ không thể gọi điện cho gia đình nơi xa để khỏa lấp nỗi nhớ mong nên đành cố chìm vào giấc ngủ, cố gắng vượt qua những đêm dài đầy khó nhọc giữa núi rừng.
Những công nhân cao su ở đây cho rằng Ia H'Drai là huyện chỉ ưu ái với cây cao su. Còn với con người thì ngược lại, phải đối mặt không ít thách thức từ điều kiện tự nhiên khắc nghiệt.
Cấp đất giữ chân công nhân
Là huyện biên giới mới thành lập nên Ia H'Drai thiếu thốn các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, y tế, giáo dục. Do đó, nhiều người lao động, nhất là người trẻ, rất e ngại đến đây làm việc và sinh sống lâu dài.
Để có nguồn lao động ổn định, lâu dài, các công ty cao su đứng chân trên địa bàn đã phải cử người đến các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Cao Bằng… làm việc với địa phương, vận động người dân đăng ký làm công nhân. Sau khi họ được tuyển dụng, công ty hỗ trợ chỗ ở tập thể, cung cấp tiền ăn trong nhiều tháng, hỗ trợ tiền vé xe đi lại và có nhiều chính sách khác để công nhân ổn định cuộc sống.
Theo ông Trần Xuân Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, khi thành lập huyện Ia H'Drai, chính quyền tỉnh Kon Tum xác định để người dân gắn bó lâu dài thì họ phải có công việc ổn định. Vì vậy, các công ty cao su đã được thành lập. Tuy nhiên, để thu hút người lao động, các công ty phải đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân.
Được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã quy hoạch 7 điểm dân cư gắn liền với các vườn cao su của công ty. Tại mỗi điểm, ngoài những ngôi nhà tập thể ban đầu, mỗi công nhân được cấp 1.000 m2 đất để ở và sản xuất, giúp họ có điều kiện an cư lạc nghiệp. "Đây là cơ sở để chúng tôi thu hút và giữ chân công nhân" - ông Thịnh nhận xét.
Ông Thịnh nhấn mạnh tuyển được công nhân đã khó, giữ chân họ càng khó hơn. Công ty không chỉ nâng cao thu nhập mà còn cải thiện các điều kiện an sinh xã hội như y tế, giáo dục. Công ty đã xây dựng các cơ sở giáo dục và y tế để phục vụ công nhân, sau đó bàn giao lại cho địa phương.
Giá thành hàng hóa ở vùng biên giới thường cao hơn các khu vực khác nên thu nhập của công nhân phải cao hơn để bù đắp phần chênh lệch. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã áp dụng mô hình sản xuất tiết kiệm, với chu kỳ 10 ngày cạo mủ một lần, giúp giảm công lao động nhưng vẫn nâng cao năng suất.
Viêc tuyển dụng cũng được công ty thực hiện rất kỹ lưỡng, kiểm tra kỹ thân nhân từng người. Nhờ vậy, dù chu kỳ thu hoạch cao su dài ngày nhưng không hề xảy ra tình trạng trộm cắp, an ninh luôn được bảo đảm.
Ông Vũ Hữu Hớn, Giám đốc Nông trường 3 - Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, cho biết để tuyển được công nhân, phải giải thích để họ hiểu và thấy được quyền lợi, lợi ích. Bên cạnh đó, chế độ cấp phát được thực hiện đầy đủ, mức lương phải làm sao để họ có thể sống tốt.
Nhắc lại việc tuyển công nhân những năm trước đây, ông Ngô Văn Mân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, thông tin khi cán bộ ra các tỉnh phía Bắc tìm người càng khó khăn gấp bội. Lúc đó, một bộ phận người dân còn thiếu hiểu hết, cứ cho rằng "Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng, khi về bủng beo" nên ai cũng e ngại.
Nhờ sự giải thích cặn kẽ, hướng dẫn tận tình của cán bộ mà nhiều người đã thay đổi suy nghĩ, đăng ký làm công nhân cao su. Từ đó, nhiều người thấy làm cao su không "đáng sợ" như họ nghĩ nên rủ nhau cùng vào Gia Lai làm công nhân.
Theo ông Mân, những năm trước đây, các công ty cao su phát triển cùng lúc với việc phát triển dân cư ở địa phương. Công ty đã đề nghị địa phương bố trí đất cho công nhân. Sau đó, công ty có chính sách cho vay tiền để họ xây dựng nhà cửa, ổn định cuộc sống. Nhờ đó mà việc tuyển dụng công nhân cũng dễ dàng, thuận lợi hơn. Đến nay, cơ chế địa phương cấp đất này không còn áp dụng...
Liên tục tìm người
Theo ông Trần Xuân Thịnh, đến nay, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray có 407 hộ gia đình với trên 1.600 người có nhà ở ổn định, gắn bó lâu dài với công ty. Tuy nhiên, trên 200 công nhân vẫn chưa chịu nhận đất làm nhà, chủ yếu do yếu tố phong tục, tập quán của mỗi vùng khác nhau.
Những người này đa phần từ phía Bắc vào, làm được khoảng 2-3 năm, khi đã có chút vốn tích lũy lại nghĩ đến chuyện về quê ở cho gần anh em, họ hàng. Do số lượng công nhân thường biến động, công ty phải liên tục tìm người mới thay thế để bảo đảm hoạt động sản xuất.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)