xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

A Sầu thay da đổi thịt

Bài và ảnh: QUANG TÁM

Chiến tranh qua đi, để lại một dư lượng lớn chất độc dioxin ở thung lũng A Sầu nhưng người dân vẫn vươn lên với sức sống mãnh liệt

Một mùa xuân lại về. Trên các cánh rừng dẫn lên huyện miền núi A Lưới, TP Huế, muôn hoa đua nở. Bà con bản làng vùng cao đã đón một cái Tết trong niềm vui mới - niềm vui quê hương đã thoát nghèo, niềm vui khi Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam.

Ký ức sầu bi, đau khổ

Quốc lộ 49 nối trung tâm TP Huế lên A Lưới giờ đây đã được mở rộng. Nhiều chuyến xe tải hạng nặng nối đuôi nhau chở hàng từ cửa khẩu La Lay (Quảng Trị) về xuôi. Những ngọn đèo như Suối Máu, Mỏ Quạ, Kim Quy… một thời oanh liệt trong chiến tranh chống Mỹ không còn là nỗi ám ảnh của cánh tài xế.

Đi hết Quốc lộ 49, theo tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại xuôi về Nam tầm 20 km, chúng tôi đến thung lũng A Sầu, thuộc xã Đông Sơn. A Sầu, A Shau là cách gọi đầy ám ảnh của người Mỹ trong chiến tranh. Còn đối với bà con bản làng ở đây thường quen gọi là A So hay A Sao, như một sự tự hào của họ về thung lũng này.

A Sầu thay da đổi thịt- Ảnh 1.

Nhiều ngôi nhà của người dân ở A Sầu đã xây dựng khang trang

Sân bay A So là chứng tích quan trọng cho sự khốc liệt của chiến tranh. Đó là tọa độ lửa khốc liệt thời chiến, nằm lọt thỏm giữa thung lũng A Sầu. Giai đoạn những năm 1961 - 1966, Mỹ đã chọn nơi đây để xây dựng cụm cứ điểm hỏa lực mạnh, nhằm chặn đường tiếp vận của bộ đội từ Lào sang Việt Nam. Sau chiến tranh, đây là điểm đen ô nhiễm dioxin với hơn 1,6 triệu lít chất độc (tương đương hơn 432.812 gallon) do Mỹ rải xuống trong chiến tranh, nên từng được gọi là "rốn da cam", "vùng đất chết".

Ông Lê Văn Tường, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sơn, là người đồng bào dân tộc, một cán bộ năng nổ, trưởng thành từ phong trào Đoàn. Ông Tường kể cách đây vài năm, có một lần về quê người bạn ở Thanh Hóa chơi và gặp cha của bạn này. Đó là một cựu binh giao thông thời chiến tranh, từng hoạt động tại thung lũng A Sầu với bao kỷ niệm về sự khốc liệt của vùng đất ấy. Vùng đất oanh liệt nhưng chất chứa bao nỗi sầu đối với người lính khi trên người để lại các di chứng chất độc da cam, là những ký ức đau thương về đồng đội ngã xuống.

A Sầu thay da đổi thịt- Ảnh 2.

Người dân đến trụ sở xã Đông Sơn để thực hiện các thủ tục hành chính

Gặp Tường, cựu binh này kể nhiều chuyện về vùng đất A Sầu, về những trận đánh, sự hy sinh của đồng đội. Trong câu chuyện của ông như toát lên sự sầu bi, đau khổ, khó khăn của vùng đất A Sầu. Ông hỏi Tường rằng chiến tranh đã qua, A Sầu nay ra sao? Bà con đã vơi bớt khó khăn chưa? Vùng đất ấy đã được tẩy rửa hết chất độc chưa?

Lần khác, chàng trai trẻ Lê Văn Tường trên đường từ Bắc vào quê. Khi đứng đón xe trên Quốc lộ 1 thì gặp một người chủ cửa hàng ăn uống, giải khát. Người ấy như "bắt được đài" khi biết Tường ở A Lưới, nên mời vào uống nước để nghe ông kể về thời oanh liệt của mình lúc ở chiến trường A Sầu. Tường cũng kể cho người này nghe về cuộc sống của vùng đất A Lưới, A Sầu hôm nay.

Tạo sinh kế cho người nghèo

Dịp Tết Ất Tỵ 2025, gia đình ông Hồ Văn Lịch (thôn Tru Chaih, xã Đông Sơn) dọn về căn nhà mới khánh thành do những người làm báo miền Trung chung tay xây dựng. Ông thuộc diện hộ nghèo, có 8 con (6 gái, 2 trai) nhưng tất cả đều khó khăn.

Trong mâm cơm ngày Tết không thiếu món cơm nấu trong những ống tre, ống trúc còn nóng hổi, khi ăn kèm với thịt nướng, rất ngon. Đối với khách quý, nhà ông Lịch còn chuẩn bị chén nước mắm ớt đặc sản để đãi. Gọi là đặc sản, vì ớt trước khi dầm với nước mắm phải được nướng chín mới tỏa vị thơm.

A Sầu thay da đổi thịt- Ảnh 3.

Những đứa trẻ ở Đông Sơn vui đùa trong khu vực sân bay A So - nơi từng là thung lũng da cam

Nếu như người miền xuôi, trong dịp cưới hỏi thường có bánh phu thê thì bà con ở đây làm bánh a quát cho ngày vui của trai gái. Bánh a quát có hình chữ V, gói bằng lá chuối hoặc lá dong, sau khi chín thì buộc thành từng cặp lại với nhau, tượng trưng cho trai và gái.

A Sầu còn là nơi thời tiết khắc nghiệt vì nhiều giông sét, mưa, gió. Từ 9-10 giờ sáng trời đã mưa; mùa hè trời đang nắng trước mặt thì sau lưng mưa đã tới. Lãnh đạo xã nhiều lần đang ngồi họp ở huyện thì trời đang nắng chang chang nhưng nhận được tin quê nhà mưa đá, lốc xoáy nên xin về gấp, khiến ai cũng bất ngờ. Bởi vậy, A Sầu hiếm có cây chuối nào tàu lá không rách. Việc có lá chuối để gói bánh a quát cũng là một "kỳ tích" của bà con nơi đây.

Trồng cây đã khó, khi có hoa quả bán càng khó hơn, bởi cái "danh" chiến địa da cam A Sầu.

A Sầu thay da đổi thịt- Ảnh 4.

Căn cứ da cam ở sân bay A So giờ đây đã được xử lý sạch sẽ, trở thành nơi trồng cỏ nuôi bò

Vài năm về trước, mỗi lần dân bản ở Đông Sơn gánh rau, chuối… ra huyện bán, khi lỡ miệng nói đặc sản A Sầu thì chẳng ai dám mua, vì sợ ăn phải chất độc. Nhưng kể từ năm 2023, khi dự án "Xử lý đất nhiễm độc dioxin tại sân bay A So" đã được Bộ Quốc phòng hoàn thành thì vùng đất này đã được tẩy sạch chất độc, bà con tự tin trồng cây, sinh sống. Sân bay A So giờ như là điểm công cộng, hằng ngày có rất đông trẻ nhỏ nô đùa. Những cánh đồng quanh đó là cơ nghiệp thoát nghèo của bà con.

Ông Trương Toàn Thắng, Chủ tịch UBND xã Đông Sơn, vui mừng cho biết mới đây xã đã triển khai cho các hộ dân có chăn nuôi mượn 7 ha đất tại khu sân bay để trồng cỏ nuôi bò. Đến thời điểm này, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện A Lưới hỗ trợ giống cỏ cho 15 hộ với diện tích 13.500 m2, có 8 hộ đã trồng.

Thoát nghèo ngoạn mục

Ông Lê Văn Tường cho biết người dân ở đây trước chiến tranh đều sống tại các bản làng trên đất nước bạn Lào. Sau chiến tranh, họ sống du canh du cư dọc biên giới hai nước, được chính quyền đưa về sinh sống ở các vùng Hồng Thượng, Hồng Vân thuộc huyện A Lưới. Khoảng năm 1991, huyện A Lưới đã đưa người dân về thung lũng A Sầu an cư.

"Nhiều cựu lãnh đạo xã kể khi đó huyện dùng ô tô chở người dân về đây rồi cho họ tự chọn nơi muốn dựng nhà, sinh sống. Thấy mảnh đất sân bay A So bằng phẳng nên người dân dựng nhà sinh sống. Nhưng do ảnh hưởng chất độc trong đất nên người dân được di dời vào sâu bên trong để ở" - ông Tường kể.

A Sầu thay da đổi thịt- Ảnh 5.

Người dân vui Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025

Xã Đông Sơn đã có 3 lần di giãn dân để phòng tránh chất độc da cam/dioxin vào các năm 2001, 2003, 2007. Qua mỗi lần di dân đã ảnh hưởng công tác phát triển kinh tế - xã hội của xã nhưng với sự nỗ lực không ngừng, cuộc sống người dân nơi đây đã phát triển mạnh mẽ.

Đông Sơn có 425 hộ với 1.628 nhân khẩu, người dân tộc thiểu số chiếm 97%, chủ yếu là người dân tộc Pa Cô. Ông Thắng cho biết qua bao nỗ lực của chính quyền, người dân và sự hỗ trợ từ các chương trình, chính sách nhà nước, đến nay toàn xã chỉ còn 89 hộ nghèo, chiếm 20,55%; 37 hộ cận nghèo nhưng chủ yếu là các hộ thuộc diện gia đình chính sách, bị chất độc da cam/dioxin. Tỉ lệ hộ nghèo đã giảm theo đúng tinh thần mà nghị quyết HĐND xã và kế hoạch UBND xã đề ra.

Giờ đây, các bản làng ở Đông Sơn đã ít dần khung cảnh sầu bi của vùng đất A Sầu khi xưa, nhiều căn nhà kiên cố, khang trang mọc lên. "Toàn xã không còn nhà tạm. Người dân ngày càng có ý thức vươn lên, không còn trông chờ, ỷ lại nữa" - ông Thắng chia sẻ.

Gia đình ông Đặng Quốc Thu và bà Hồ Thị Ngái ở thôn Ka Vá, có 5 người con đã dựng vợ gả chồng. Vợ chồng ông sống dựa vào ruộng đồng, nương rẫy nhưng ở vùng đất khắc nghiệt nên bao năm vẫn đói nghèo. Giờ đây, khi được chính quyền tạo điều kiện hỗ trợ cây trồng, vật nuôi nên họ đã từng bước vươn lên thoát nghèo. Tương tự, gia đình chị Hồ Thị Mỹ (thôn Ka Vá) cũng ngày càng vươn lên, thoát nghèo.

Chính quyền và người dân xã Đông Sơn đã tìm được con đường thoát nghèo của mình, đó là xuất khẩu lao động và tìm kiếm việc làm ở ngoại tỉnh. Đến nay, xã Đông Sơn đã có nhiều người xuất khẩu lao động tại Nhật Bản và hơn 300 lao động đi làm việc ngoài tỉnh. Đây là tín hiệu tốt, hướng đi mới đối với người đồng bào dân tộc thiểu số nơi vùng đất bao năm đối diện muôn vàn khó khăn bởi thời tiết, hậu quả chiến tranh. 

Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND TP Huế, kể lại rằng khi ông ra Hà Nội để làm việc với Trung ương công nhận huyện A Lưới thoát khỏi 74 huyện nghèo toàn quốc giai đoạn 2021-2025 thì nhiều lãnh đạo khá bất ngờ. Họ hỏi ông Phương rằng vùng A Sầu, A Lưới nay thế nào mà xin được thoát nghèo? Ông trả lời rằng vùng đất ấy nay đã "thay da đổi thịt", đời sống người dân được nâng lên rõ rệt. Kết quả đó là cả một quá trình lãnh đạo "Đi từng ngõ, gõ từng nhà" để rà từng hoàn cảnh nhằm có chính sách, phương hướng phù hợp giúp dân thoát nghèo.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo