Trước đó, thông tin trên báo chí, chuyên gia giao thông Nguyễn Ân cho rằng "hết sức đáng tiếc là nhà ga hành khách số 1 Cảng HKQT Long Thành sẽ không thể kết hợp xây ga đường sắt ngầm, vì đã đóng xong cọc móng và hạng mục ga ngầm đường sắt cũng không có trong thiết kế".
Chuyên gia này cho rằng với 3 nhà ga còn lại, nếu muốn có hệ thống đường sắt kết nối, nhà ga số 2 (giai đoạn 2025-2030) bắt buộc phải thiết kế và thi công ga đường sắt ngầm, không thể để muộn hơn vì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hiệu quả khai thác do tắc nghẽn giao thông.
Trong thiết kế, phải có phương án kết nối với ga số 1 đã xây và phương án "mở" để chờ kết nối tới ga số 3, số 4 sẽ thi công giai đoạn 2030-2045. Ngoài ra, dự án tuyến đường sắt nối sân bay Long Thành với Thủ Thiêm phải xác định điểm đầu của tuyến tại khu vực sân bay để có phương án thiết kế kết nối từ ga đường sắt ngầm trong lòng nhà ga số 2 với tuyến đường sắt nhẹ.
Trước băn khoăn về việc sân bay Long Thành không có ga ngầm đường sắt, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) khẳng định công trình Nhà ga hành khách T1 và các ga đường sắt tốc độ cao, đường sắt nhẹ là các công trình độc lập với nhau về vị trí và đã có phương án kết nối giữa các công trình này để đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ các ga đường sắt đến Nhà ga hành khách.
Cụ thể, theo quy hoạch sân bay Long Thành được phê duyệt thì hai tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam và đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành đều đi dọc và nằm hoàn toàn ở trong phạm vi giữa tuyến đường trục nội cảng của sân bay Long Thành (trong lòng khoảng cách 40 m giữa tuyến đường trục nội cảng).
Giai đoạn 1 xây dựng sân bay Long Thành không thi công xây dựng công trình nào trong phạm vi quy hoạch này và đã dự trù khoảng đất trống để cho các công trình xây dựng đường sắt và ga tàu đường sắt trong tương lai theo quy hoạch. Các nhà ga hành khách T1, T2, T3, T4 và các công trình xây dựng khác như các nhà để xe đều nằm ngoài và ở hai bên của tuyến đường trục giao thông nội cảng này.
Theo đề xuất tại Nghiên cứu tiền khả thi dự án Đường sắt tốc độ cao hiện nay do Tổng công ty Thiết kế công trình giao thông (TEDI) đang thực hiện thì ga đường sắt sẽ được bố trí ngầm trong phạm vi giữa đường trục chính, về phía trước và cách Nhà ga hành khách T1 - sân bay Long Thành là 220 m, cách nhà để xe T1 là 35 m. Công trình sau khi đưa vào khai thác sẽ được kết nối bởi hệ thống cầu bộ hành đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ Nhà ga hành khách T1 thông qua nhà để xe T1 để kết nối tiếp với Ga đường sắt.
"Như vậy, công trình Nhà ga hành khách T1 - sân bay Long Thành và các ga đường sắt tốc độ cao, đường sắt nhẹ là các công trình độc lập với nhau về vị trí, do đó các kết cấu công trình xây dựng không ảnh hưởng đến nhau và đã có phương án kết nối giữa các công trình này để đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi từ các ga đường sắt đến Nhà ga hành khách (không liên quan đến phần móng cọc nhà ga)"- lãnh đạo ACV khẳng định.
ACV cũng cho biết việc thiết kế và thi công được triển khai theo tiến độ của từng hạng mục công trình. Việc đấu nối các hệ thống kỹ thuật như cấp điện, nước, thông tin liên lạc… sẽ được kết nối chung trong tổng thể hạ tầng kỹ thuật của Cảng hàng không.
"Do đó, thông tin từ bài báo trên là chưa chính xác, dẫn đến hiểu lầm về quy hoạch chung của Cảng HKQT Long Thành cũng như quá trình đầu tư xây dựng các công trình trong Cảng"- đại diện ACV cho hay.
Được biết, theo nghiên cứu, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm-Long Thành dài 37,35km, với 20 ga, trong đó đoạn qua TP HCM dài 11,8 km, qua Đồng Nai dài 25,55 km. Điểm đầu là Ga Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), điểm cuối là Ga Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai).
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến khoảng 40.500 tỉ đồng. Tuyến đường sắt này chủ yếu phục vụ vận tải hành khách giữa trung tâm TP HCM với sân bay quốc tế Long Thành, tốc độ tối đa 80 km/giờ, vận tốc khai thác 60 km/giờ. Tuyến đường sắt này được Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư năm 2025, triển khai giai đoạn 2025-2030.
Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư khái toán khoảng 336.630 tỉ đồng, chia làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.
Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.
Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.
Bình luận (0)