Không phải ngẫu nhiên mà tại Thung lũng Silicon - thủ đô công nghệ của Mỹ và thế giới - đang bắt đầu một xu hướng mới. Đó là các công ty công nghệ lớn như: Công ty Sản xuất chip bán dẫn NVIDIA, Công ty Sản xuất xe điện Tesla, rồi hàng loạt ông lớn trong lĩnh vực công nghệ khác như Apple, Microsoft, Google đang trong quá trình "tự chuyển hóa", đầu tư rất lớn cho các nền tảng AI và thậm chí định hình mình là các công ty AI, chứ không phải là các công ty công nghệ truyền thống nữa.
Theo Chủ tịch và nhà sáng lập Công ty NVIDIA Jensen Huang, AI sẽ giúp con người thực hiện các hoài bão không giới hạn, giúp thế giới sản xuất được lượng của cải vật chất lớn gấp hàng trăm lần số lượng của cải vật chất mà con người sản xuất từ khi hình thành cho đến nay. Chỉ riêng NVIDIA, nhờ định hình lại công ty cũng như chỉ tập trung sản xuất các sản phẩm xây dựng nền tảng AI mà đã có bước phát triển vượt bậc. Chỉ riêng trong năm 2023, giá trị thị trường của công ty tăng hơn 2,5 lần, từ 480 tỉ USD lên gần 1.300 tỉ USD.
AI là gì, tại sao cần tập trung vào AI chứ không phải chip bán dẫn để tạo ra bước đột phá về công nghệ và cơ hội cho Việt Nam?
Có nhiều định nghĩa khác nhau về AI nhưng hiểu một cách đơn giản nhất, AI nhằm mục đích phát triển các hệ thống và thuật toán máy tính có khả năng bắt chước, tư duy tương tự và thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi trí thông minh của con người với tốc độ và sự hoàn hảo tăng lên cả ngàn lần. Sự ra đời của mô hình ngôn ngữ ChatGPT - một ứng dụng của OpenAI - cách đây 3 năm được coi như quả bom tấn mặc dù phiên bản thử nghiệm này khá đơn giản và còn nhiều khiếm khuyết. Rất nhanh sau đó, cú hích ChatGPT đã vô hình trung thúc đẩy cuộc đua cả công khai lẫn ngấm ngầm nhằm giành vị trí thống lĩnh trong việc cung cấp hạ tầng, giải pháp, dịch vụ... trong lĩnh vực AI giữa các công ty công nghệ khổng lồ như NVIDIA, Intel, Amazon, Microsoft, Alphabet cùng các quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực này như Mỹ, Trung Quốc trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Công ty hay quốc gia nào đi đầu trong lĩnh vực AI chắc chắn sẽ có ưu thế tuyệt đối so với đối thủ trong việc định hình chuẩn công nghệ AI, xu hướng phát triển chung và phát triển theo lĩnh vực của AI trong các lĩnh vực công nghệ trọng yếu.
Theo dự báo của Công ty Tư vấn và Kiểm toán toàn cầu PwC (PricewaterhouseCoopers), AI sẽ đóng góp tới 15.700 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030. Thị trường AI toàn cầu được dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 40% từ năm 2021 đến 2030, tức tăng khoảng 20 lần - từ 100 tỉ USD lên gần 2.000 tỉ USD. Trong khi đó, giá trị thị trường của ngành công nghiệp bán dẫn lại tăng chậm hơn nhiều, chỉ ở mức 7%-8% cho thời gian từ năm 2021 đến 2030 và giá trị chỉ tăng từ gần 600 tỉ USD lên gần 1.000 tỉ USD vào năm 2030, tức chỉ bằng một nửa ngành AI.
Với miếng bánh lớn như vậy, có thể thấy các công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon nhanh chóng định vị, chuyển hóa mình thành các công ty AI vì các lý do sau:
Tạo lợi thế cạnh tranh: Việc sớm áp dụng và đổi mới công nghệ AI sẽ giúp họ đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Bằng cách làm nổi bật khả năng AI của mình, các công ty này tìm cách tạo sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh và khẳng định mình là người đi đầu trong lĩnh vực AI trong bối cảnh AI đang phát triển nhanh chóng.
Nắm bắt và dẫn dắt nhu cầu thị trường: Bằng cách định vị mình là công ty AI, các công ty này đang và sẽ thu hút những khách hàng tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ do AI cung cấp.
Xây dựng thương hiệu và tạo nhận thức trong công chúng và khách hàng: Việc liên kết với AI sẽ tạo ra hình ảnh tiên tiến và tư duy tiến bộ về công ty của mình. Bằng cách kết hợp với AI, các công ty đang định hình nhận thức về thương hiệu của mình và thu hút các nhà đầu tư, đối tác tiềm năng và khách hàng quan tâm đến những công nghệ tương lai này.
Định vị thị trường: Bằng cách định vị mình là công ty AI, các công ty này tự khẳng định mình là người đóng vai trò chủ chốt trong việc định hình tương lai của AI. Vị trí này cho phép họ thu hút nhân tài hàng đầu, xây dựng mạng lưới đối tác chiến lược và đi đầu trong các tiến bộ về AI.
AI đối với Việt Nam, cần nhận thức rằng cuộc cách mạng AI lần này có những điểm khác biệt so với các cuộc "cách mạng mini" trước đó trong lĩnh vực công nghệ như sự ra đời của máy tính để bàn, thiết bị di động cầm tay, internet, điện toán đám mây hay chip bán dẫn. Trong những thay đổi này, chúng ta thường đi sau các nước khác khoảng 10-20 năm. Kinh nghiệm cho thấy đối với các nước đi sau, việc tìm cách chen chân vào một thị trường đã chín muồi, được phân chia sẵn giữa các ông lớn là điều không dễ dàng do chúng ta không còn nhiều lợi thế. Trong hầu hết các trường hợp, việc tham gia sau khiến chúng ta chỉ đóng vai trò gia công, lắp ráp hoặc tham gia các công đoạn không tạo được biên độ giá trị lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, cuộc cách mạng AI lần này có điểm mới. Đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, AI là lĩnh vực gần như hoàn toàn mới. Những khó khăn mà các nước, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt gần như ngang nhau. Trong khi đó, việc tập trung nguồn lực vào việc nghiên cứu và phát triển AI lúc này sẽ đặt Việt Nam ở vị trí gần như ngang bằng với các công ty và các quốc gia khác. Ngoài ra, Việt Nam hiện có một số lợi thế nhất định so với nhiều nước khác, đó là:
Tuy là nước đang phát triển, nhưng Việt Nam có trình độ phát triển công nghệ vượt nhiều quốc gia có mức thu nhập hoặc trình độ phát triển tương tự với một số công ty công nghệ vươn tầm khu vực, thậm chí toàn cầu như Viettel, FPT...
Việt Nam có đội ngũ lập trình viên đông đảo với hơn 1 triệu kỹ sư, có khối lượng xuất khẩu phần mềm đứng hàng đầu thế giới. Đội ngũ này có thể được nâng cấp, đào tạo lại để phát triển thành kỹ sư viết phần mềm cho AI.
Nằm ở vị trí địa - chiến lược quan trọng ở khu vực, được nhiều đối tác quan tâm, việc nâng cấp quan hệ với một số nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ của thế giới thời gian qua như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc tạo điều kiện tốt hơn trong việc thu hút nguồn lực bên ngoài, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực AI.
Bên cạnh đó là sự quan tâm của Chính phủ cùng quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương, lĩnh vực, bộ, ngành.
Tất cả các yếu tố trên cho thấy cơ hội phát triển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có tên trên bản đồ công nghệ của thế giới là rất lớn. Nếu khắc phục được các trở ngại nội tại, biết đón bắt cơ hội với các chính sách hợp lý thì công nghệ, đặc biệt là AI, sẽ là lĩnh vực tạo đột phá, đưa Việt Nam sớm gia nhập "câu lạc bộ 1.000 tỉ USD" trong thời gian tới!
Bình luận (0)