Chạy xe gần 20 năm nhưng chưa khi nào ông Trần Văn Đạt (55 tuổi), đoàn viên Nghiệp đoàn xe ôm truyền thống thuộc LĐLĐ quận Tân Phú, TP HCM thấy khó khăn như những năm gần đây.
Với sự phát triển mạnh mẽ của xe ôm công nghệ, nhiều khách quen của ông cũng chuyển sang loại hình này vì tiện lợi. Bản thân ông bị khuyết tật tay trái bẩm sinh, lớn tuổi, nên không thể đăng ký chạy xe ôm công nghệ, đành phải bám trụ với nghề chạy xe ôm truyền thống.
Công việc không đều, nên ngày nhiều ông cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng. Vợ ông mở quán bán cà phê nhưng cũng ế ẩm. Vợ chồng ông đang nuôi con học đại học, vì vậy cuộc sống thiếu trước hụt sau. Nếu như 2 năm trước, khổ sướng tự biết thì sau khi vào nghiệp đoàn, ông đã nhiều lần được tổ chức Công đoàn động viên, chăm lo.
Dịp Tết năm nay, ông Đạt rất vui khi tham gia buổi họp mặt mừng Xuân mới do LĐLĐ TP HCM tổ chức tại quận Tân Phú. Ngoài những lời động viên, chúc Tết, ông còn nhận được 1 phần quà. Ông Đạt chia sẻ: "Phần quà giá trị không lớn về vật chất nhưng mang lại sự động viên tinh thần rất lớn với gia đình tôi, nhất là vào dịp Tết đến, Xuân về".
Với ông Nguyễn Văn Đôn (54 tuổi), đoàn viên Nghiệp đoàn đóng hàng Chợ Tân Bình, những năm trước vào dịp Tết cổ truyền làm gì cũng phải có "thịt treo trong nhà". Song, năm nay, khi Tết đến cận kề, ông Đôn vẫn chưa biết liệu có thịt hay không. Chỉ đến khi được nhận phần quà Tết từ LĐLĐ quận Tân Bình, TP HCM trao tặng, ông Đôn mới dám khẳng định Tết này sẽ có nồi thịt kho trứng cho tụi nhỏ.
Trước tình hình suy thoái kinh tế, năm 2023, hàng hóa tại chợ Tân Bình tiêu thụ chậm, không chỉ nhiều tiểu thương khóc ròng vì buôn bán ế ẩm mà những người hành nghề "ăn theo" như ông Đôn cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Nếu như thời gian trước mỗi ngành ông Đôn kiếm được từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày, thì nay chỉ được phân nửa.
Chương trình họp mật đoàn viên nghiệp đoàn dịp Tết Giáp Thìn 2024 do LĐLĐ quận 12, TP HCM tổ chức
Ông Đôn lập gia đình muộn, có 3 con (13, 10 và 2 tuổi) nên vợ ông ở nhà quán xuyến việc chăm sóc đứa nhỏ, đưa đón các đứa lớn đi học. Cả gia đình 5 người sống phụ thuộc hoàn toàn vào thu nhập của ông Đôn nên cuộc sống khá chật vật.
"Thu nhập giảm thì phải chi tiêu chắt bóp lại, nhưng có những khoản không thể cắt giảm, chẳng hạn như tiền ăn học của các con. Đôi lúc vì thu nhập từ nghề đóng gói, vận chuyển hàng không đủ sống, tôi muốn chuyển đổi công việc nhưng ngặt nỗi đã lớn tuổi và chưa nghĩ ra công việc gì phù hợp" - ông Đôn bộc bạch.
Lần đầu tham gia chương trình họp mặt dành cho đoàn viên các nghiệp đoàn do LĐLĐ quận 12, TP HCM tổ chức những ngày cận Tết, được giao lưu cùng đồng nghiệp và những người đồng cảnh ngộ; được lãnh đạo LĐLĐ quận chúc Tết, tặng quà, chứng kiến nghi thức bổ dưa khai Xuân và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, bà Trang Kim Mỹ (60 tuổi), đoàn viên Nghiệp đoàn giáo viên mầm non vừa vui vừa xúc động. Bà Mỹ quê ở tỉnh Sóc Trăng, cả gia đình lên TP HCM làm việc và ở trọ. Song Tết này, vợ chồng bà quyết định ở lại TP đón Tết do kinh tế eo hẹp.
Bà Mỹ là nhân viên cấp dưỡng của một nhóm trẻ mầm non tư thục, lương chỉ hơn 4 triệu đồng/tháng. Chồng bà là nhân viên giao hàng cho các hàng quán nhỏ, năm qua ít việc nên thu nhập bấp bênh. "Thu nhập của vợ chồng tôi phải sống tằn tiện mới tạm đủ. Tết nếu về quê sẽ có thêm nhiều khoản phải chi, trong khi tôi chỉ được thưởng nửa tháng lương, nên quyết định không về. Ở lại đây thì Tết gia đình tôi cũng chỉ sửa soạn đơn giản và chủ yếu quanh quẩn trong khu trọ nên cũng buồn. Nay được tham gia chương trình này, nỗi buồn cũng vơi đi nhiều vì cảm thấy mình không đơn độc" - bà Mỹ nói.
Bình luận (0)