Trên tuyến xe buýt số 11 khởi hành từ trạm xe buýt Xuân Diệu (phường Thuận Phước, quận Hải Châu), phụ xe Trần Văn An đứng ngay cửa chờ đón khách lên. Cứ mỗi trạm có khách đứng chờ sẵn, phụ xe An lại nở nụ cười rất tươi. Theo phụ xe này, vào giờ thấp điểm khách đi xe buýt rất ít.
Mỗi lượt chỉ đón được 2 đến 3 khách
Trong sổ ghi chép hành trình, phụ xe An nhẩm tính từ sáng sớm khi bắt đầu vào ca đến khoảng 9 giờ, xe buýt trợ giá tuyến số 11 đã xuất phát từ trạm Xuân Diệu đi Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) tổng cộng 3 lượt. Lượt đầu tiên đón được khoảng 5 khách suốt từ đầu đến cuối tuyến. Lượt thứ hai chỉ vỏn vẹn 2 khách, đến lượt thứ ba tăng thêm so với lượt thứ hai được 1 khách.
Chúng tôi theo chân phụ xe này từ trạm Xuân Diệu vào 9 giờ ngày 28-3. Trạm xuất phát không có khách nào trên xe ngoài tài xế, phụ xe. Đến trạm đầu tiên ở đường 3 Tháng 2 có một hành khách sử dụng vé tháng lên xe. Đến trạm thứ 3 ở chợ Tam Giác có 3 khách lên xe. Từ đó, đến trạm cuối ở Bệnh viện Phụ sản Nhi xe không bắt thêm được khách nào.
Phụ xe An cho hay xe thường xuyên rơi vào tình trạng ế khách. Chủ yếu mỗi lượt bắt được 2 đến 5 khách. Thi thoảng vào giờ cao điểm xe mới đầy khách. Còn lại chủ yếu vẫn là ế khách và xe "chạy gió" là thường xuyên.
Tuyến xe số 8 đi từ Bến xe buýt Phạm Hùng (quận Cẩm Lệ) đến trạm xe buýt Vũng Thùng (quận Sơn Trà) cũng rơi vào tình trạng tương tự. Phụ xe Nguyễn Văn Sinh cho biết mỗi lượt chỉ khoảng 4 đến 5 khách đi, có khi không có khách nào. Tài xế Nguyễn Thái Hiệp, tuyến số 8, cho biết mỗi lượt đi xe hao tốn khoảng 3 lít xăng. Nếu tính tiền bán vé trung bình của từng tuyến không đủ một nửa chi phí tiền xăng.
Chị Trương Lê Phương Hoàng, phụ xe số 7 (từ trạm Xuân Diệu đi Hòa Phước) cho biết mỗi ngày, chị phụ khoảng 8 lượt xe thì số tiền thu được chỉ vài chục ngàn đến 200.000 đồng. "Nếu lấy số tiền cao nhất thu được mỗi ngày cũng không đủ trả tiền cho phụ xe, chưa nói đến lương của tài xế và tiền xăng" - chị Hoàng nói.
Ế, vẫn mở thêm tuyến?
Nói về lý do ế khách, phụ xe An cho hay nhiều khách phàn nàn rằng một số trạm dừng của các tuyến xe buýt đặt không hợp lý. Bên cạnh đó, thói quen của người dân trên địa bàn thành phố vẫn chủ yếu dùng phương tiện công cộng. Tài xế Nguyễn Thái Hiệp cho rằng một số tuyến có lộ trình chưa hợp lý, chưa khảo sát kỹ nhu cầu đi lại của người dân, dẫn đến tình trạng ế ẩm.
Ông Bùi Hồng Trung, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng, cho hay hiện tại trên địa bàn thành phố có tổng cộng 15 tuyến xe buýt, tăng 10 tuyến so với năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2024, số liệu thống kê cho thấy lượng hành khách giảm so với tháng trước do ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết, với khoảng 187.000 lượt trong tháng 1 và gần 138.000 lượt hành khách trong tháng 2.
Tuy nhiên, dự kiến trong tháng 3, số lượng hành khách dự kiến vượt qua mốc 200.000 lượt. Ông Trung nhận định điều này cho thấy dấu hiệu tích cực khi thành phố mở rộng thêm các tuyến xe buýt không trợ giá.
Tính đến thời điểm này, tuyến xe buýt lớn nhất trên địa bàn thành phố là tuyến 16 từ Kim Liên đến Trường ĐH Việt Hàn, với 16.000 lượt hành khách trong tháng 1 và 38.000 lượt hành khách trong tháng 2. Trong khi đó, tuyến có lượng hành khách thấp nhất là tuyến 15 từ Bến xe Trung tâm đến Bến xe phía Nam, chỉ thu hút hơn 3.350 lượt hành khách trong tháng, tương đương với bình quân 5 đến 6 hành khách mỗi chuyến. Nguyên nhân chính được đánh giá là do khu vực này chưa được phát triển và quy hoạch tốt, gây hạn chế cho lượng hành khách.
Để tăng sự tham gia của người dân đối với xe buýt, Sở GTVT TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp, bao gồm mở rộng các tuyến và bổ sung các điểm dừng chờ, cũng như kết nối với các phương tiện khác như xe đạp công cộng. Ngoài ra, việc cải thiện mạng lưới tuyến xe buýt cũng được đặt làm ưu tiên, với sự thúc đẩy từ ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin về tuyến xe một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Dự kiến, các tuyến xe buýt không trợ giá sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Ông Trung cũng tiết lộ kinh phí trợ giá các tuyến xe buýt trên địa bàn trong năm 2023 khoảng 27,433 tỉ đồng, các tháng đầu năm 2024 đã chi khoảng 4,5 tỉ đồng.
Đơn vị vận hành nợ lương, bảo hiểm
Nhiều tài xế cho biết hiện đơn vị vận hành 6 tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn Đà Nẵng là Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 vẫn nợ lương, bảo hiểm đối với người lao động. Tài xế Nguyễn Thái Hiệp cho biết ông phải chuyển từ Quảng An 1 sang lái xe cho công ty khác (vận hành 5 tuyến xe buýt trợ giá trên địa bàn TP Đà Nẵng) từ cuối năm 2023. Dù đã làm đơn xin nghỉ theo đúng thủ tục nhưng phía Quảng An 1 vẫn chưa trả tiền cọc (15 triệu đồng) và tiền bảo hiểm cộng với 2 tháng lương của tài xế này. Không chỉ ông Hiệp mà nhiều người lao động khác rời Quảng An 1 đến nay cũng chưa được thanh toán tiền lương, bảo hiểm và tiền cọc.
Bình luận (0)