- Phóng viên: Trở thành Giáo sư (GS) danh dự tại Trường ĐH Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan thật sự là niềm mơ ước của rất nhiều nghệ sĩ bởi thực tế, chỉ một vài nhà sư phạm, nghệ sĩ xuất chúng mới được nhận học hàm cao quý này….
+ NSƯT Bùi Công Duy: Tôi tự hào với điều này và tự hào là một người Việt Nam được vinh danh học hàm GS tại đây, trước đây một vài nhà sư phạm, huyền thoại violon thế giới mà tôi ngưỡng mộ từ nhỏ đến tận bây giờ đã được phong tặng tại đây. Đối với tôi đây là một sự ghi nhận, khích lệ động viên và đặc ân lớn từ các đồng nghiệp, các nghệ sĩ, các nhà sư phạm âm nhạc, cộng đồng quốc tế và của Hội đồng khoa học Trường ĐH Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan.
Giám đốc Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan - NSND - GS Aiman Musakhajaeva bổ nhiệm chức danh GS cho NSƯT Bùi Công Duy
Sự kiện này làm tôi nhớ lại năm 2016 khi lần đầu tiên tôi được mời sang chấm thi quốc tế và giảng dạy Masterclass tại Trường ĐH Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan cùng với các "đại GS", những nghệ sĩ được coi như huyền thoại violon mà tôi ngưỡng mộ cho đến tận bây giờ. Trong khuôn khổ cuộc thi, tôi được mời dự buổi biểu diễn gala của một số thành viên Ban giám khảo. Tối hôm đó, tại Phòng hoà nhạc Organ của trường, khi kết thúc chương trình tôi được chứng kiến lễ trao Học hàm GS danh dự cho huyền thoại Violon thế giới, NSND - GS nhạc viện Tchaikovksy (Moscow) và trường Đại học Koln (LB Đức) Viktor Tretyakov và nhà sư phạm hàng đầu về Violon của Nga và thế giới, người đoạt giải thưởng Tchaikovsky NSND - GS. Eduard Grach…
- Gia đình đón nhận tin vui của ông như thế nào?
+ Bố mẹ tôi có lẽ là người vui nhất. Tôi hy vọng những điều này sẽ làm cho bố mẹ tôi thêm vui, thêm hạnh phúc và năng lượng tích cực để có thể sống khoẻ cùng con cháu đến ít nhất là 100 tuổi.
- Cảm xúc của ông ra sao, khi trở thành GS của một trường ĐH danh giá?
+ Tôi vui, phấn khởi, vinh dự và tự hào là một người Việt Nam, sống và làm việc tại Việt Nam được trao tặng học hàm GS danh dự tại đây và đứng cạnh một "người khổng lồ" như GS-TSKH Alexander Sokolov - Giám đốc Nhạc viện Tchaikovsky, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hoá Nga và Truyền thông LB Nga, một nhà lý luận quốc tế siêu việt. Tự hào được trở thành một thành viên và là một phần trong lịch sử phát triển của Trường ĐH Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan…
NSƯT Bùi Công Duy thấy nhỏ bé khi đứng cạnh những "người khổng lồ"
- Đứng bên cạnh những "người khổng lồ" như GS Alexander Sokolov, ông có áp lực nhiều hay không?
+ Tôi thấy mình như nhỏ bé trở lại cả về tuổi đời lẫn những cống hiến bên cạnh một "người khổng lồ" cao to, giàu có sáng tạo, kiến thức, chuyên môn, định hướng và quản lý văn hoá như ông Sokolov. Tôi biết GS Sokolov từ hồi bắt đầu vào học Đại học tại nhạc viện Tchaikovksy, lúc đấy ông đang là Giám đốc nhạc viện Tchaichovsky Moscow, sau một thời gian thì ông được cất nhắc lên làm Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Truyền thông LB Nga. Sau này tôi có một vài cơ hội được ngồi làm việc và nói chuyện cùng GS Sokolov. Thật sự tôi rất ngưỡng mộ tài năng của ông ý và thật thú vị khi mình lại được làm việc cùng ông.
- Khi trở thành GS của Trường ĐH Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan, nỗ lực của ông có phải sẽ tăng theo cấp số nhân?
+ Nỗ lực là một từ đối với tôi không thể thiếu và không thể dừng lại trong mỗi ngày làm việc. Sau khi được phong tặng tôi thấy mình cần nỗ lực và trách nhiệm hơn trong việc giảng dạy, biểu diễn, đồng thời không ngừng hoàn thiện bản thân về chuyên môn để xứng đáng với niềm tin của trường, của các đồng nghiệp đã dành cho mình.
Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kazakhstan, bà Phạm Thái Như Mai chúc mừng NSƯT Bùi Công Duy
- Với vai trò là GS danh dự của Trường ĐH Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan, công việc của ông sẽ không còn bó gọn trong phạm vi Việt Nam. Hoạt động trong tương lai của ông sẽ như thế nào, liệu có dành nhiều thời gian cho việc giảng dạy hay làm giám khảo hoặc biểu diễn tại Kazakhstan hay không?
+ Thực chất từ khi tôi bước chân đến đây lần đầu tiên năm 2016 và tính đến nay cũng đã là 7 năm, tôi đã và đang tham gia giảng dạy trong hầu hết các lần công tác tại đây. Sắp tới nhà trường dự kiến sẽ tiếp tục mời tôi sang tham gia công tác giảng dạy, biểu diễn cho nhà trường và đồng thời dự kiến sẽ tham gia với tư cách Chủ tịch Hội đồng chấm thi tốt nghiệp quốc gia cho các bậc trung cấp, đại học, thạc sĩ và sau Đại học…. Công việc trong thời gian tới sẽ gắn liền với công tác chuyên môn sâu như giảng dạy, biểu diễn. Đây là một cơ hội rất tốt đối với tôi để được trau dồi thêm kiến thức và kinh nghiệm làm việc với các học sinh - sinh viên quốc tế, là cơ hội tốt để trao đổi kinh nghiệm biểu diễn, giảng dạy với các đồng nghiệp tại Kazakhstan cũng như quốc tế. Ngoài ra tôi cũng sẽ cố gắng trong những năm tới đây xây dựng và tổ chức những chương trình hoà nhạc giao lưu văn hoá giữa nhân dân, giữa 2 quốc gia, đưa văn hoá Việt Nam tới gần hơn với người dân Kazakhstan và ngược lại
- Ông thấy thế nào về các học viên quốc tế mà mình đã dạy? Chủ quan mà nói, phản hồi của các học viên quốc tế đối với một GS đến từ Việt Nam như thế nào?
+ Mỗi lần sang giảng dạy tôi lại được học hỏi và rút ra được thêm những bài học quý giá cho kinh nghiệm làm nghề của mình. Có lẽ vì tôi sử dụng được tiếng Anh và nhuần nhuyễn cả tiếng Nga, không bị rào cản về ngôn ngữ nên rất dễ dàng cho việc chuyển tải các nội dung giảng dạy yêu thích của mình tới các học sinh sinh viên. Theo tôi được biết thì các học sinh sinh viên rất hứng thú với phương pháp giảng dạy của tôi theo hướng tự nhiên và có trọng âm, đồng thời phân tích, hướng dẫn cho các sinh viên thả lỏng, giải phóng, hiểu và lắng nghe được cơ thể của mình để tạo ra sự thoải mái tối đa nhất trong vận hành phối hợp của hai tay để hướng tới hiệu quả tốt nhất trong việc trình diễn.
PGS- TS Lê Anh Tuấn (bên trái), Giám đốc Trường Đai học Quốc gia Nghệ thuật Kazakhstan GS- NSND Aiman Musakhajaeva và NSƯT Bùi Công Duy (bên phải)
- Ông đánh giá thế nào về khả năng bước ra thế giới của các nghệ sĩ Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển?
+ Đây luôn là một thách thức lớn đối với bất kỳ nghệ sĩ hay nhà hoạt động âm nhạc nào của Việt Nam. Như chúng ta biết lĩnh vực âm nhạc hàn lâm trên thế giới ngày càng một phát triển và vượt lên một tầm cao mới với sự hoàn thiện gần như là tuyệt đối.
Các nghệ sĩ trưởng thành từ rất sớm, khoảng cách của các nước đi sau trong lĩnh vực hàn lâm cũng đã được rút ngắn đáng kể so với các nước đi trước nhờ sự đầu tư đồng bộ từ chính phủ và các tổ chức doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Tính thực dụng trong đào tạo và tính thời đại ngày càng được thể hiện rõ nét, sự chia sẻ, trao đổi thông tin ngày càng trở nên dễ dàng nên chúng ta cần sớm có chính sách chuyên biệt, đầu tư có hệ thống và có trọng tâm hơn để có thể bắt nhịp được một phần với tốc độ phát triển của các nước có truyền thống lâu đời về văn hoá nghệ thuật trên thế giới hiện nay.
Bình luận (0)