Khung cảnh Cà phê Tùng ở Đà Lạt trong phim “Em và Trịnh” (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Nhiều cảnh trong "Em và Trịnh" được chăm chút kỹ lưỡng, có cảm xúc, đẹp và lãng mạn. Khán giả sau khi xem phim đã tìm đến địa điểm được giới thiệu trong phim để biết giữa đời thật và phim giống - khác gì. Những quán cà phê lâu đời, những con dốc mộng mơ của thành phố mù sương, trở thành địa điểm tụ hội, chụp ảnh của nhiều người trẻ.
Phim "Mắt biếc" cũng từng được trao tặng giải thưởng "Cảnh quay ở Huế đẹp nhất" tại LHP Việt Nam lần thứ 22. "Cây cô đơn" nơi nhân vật Ngạn đàn hát cho Hà Lan nghe cũng trở thành địa điểm được nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm đến chụp ảnh, du ngoạn.
Sau thành công của phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" do đạo diễn Victor Vũ thực hiện, góp phần quảng bá du lịch Phú Yên, nhà làm phim Việt đã đầu tư nhiều hơn vào bối cảnh thiên nhiên. Các địa phương cũng mở rộng việc mời gọi, tạo điều kiện cho các nhà làm phim đến quay tác phẩm của mình với mong muốn tăng sự quảng bá, thu hút du khách thông qua điện ảnh.
Người trong giới đều nhận định du lịch và điện ảnh có sự bổ trợ cho nhau, quảng bá du lịch qua phim mang đến hiệu quả lớn, có khả năng thu hút mạnh mẽ. Nhiều nước trong khu vực đã làm rất tốt điều này như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... Nhiều địa điểm ở Hàn Quốc trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong các tác phẩm phim truyền hình lẫn điện ảnh qua đó thu hút lượng du khách không nhỏ trong và ngoài nước tìm đến thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm.
Theo ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong định hướng phát triển điện ảnh thì tỉnh sẽ chú trọng phát huy thế mạnh về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, con người; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến Lâm Đồng - Đà Lạt xây dựng các phim trường lớn; ưu đãi các nhà làm phim đến ghi hình, lấy bối cảnh.
Các nhà chuyên môn cho rằng quảng bá du lịch thông qua phim mang đến nhiều lợi ích cho cả hai phía nhưng cũng không thể vì thế mà nhà làm phim quá lạm dụng, khiên cưỡng. Các bối cảnh được chọn trước hết phải phù hợp với câu chuyện phim cần kể, vẻ đẹp thiên nhiên góp phần tăng thêm cảm xúc cho khán giả cảm nhận câu chuyện, nhân vật. Nếu phim chỉ tập trung bối cảnh đẹp mà kịch bản phi lý, nội dung thiếu sức hút thì cũng khó chinh phục khán giả.
Bên cạnh thúc đẩy quảng bá du lịch thông qua phim trong nước, việc mời gọi các đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam chọn bối cảnh, trở thành trường quay của phim quốc tế cũng là mục tiêu quan trọng không kém. "Để thu hút các đoàn phim quốc tế chọn Việt Nam làm trường quay, cần chính sách một cửa một dấu, cấp giấy phép nhanh chóng và có cơ sở dữ liệu đầy đủ, rõ ràng để các nhà sản xuất dễ tìm hiểu thông tin, liên hệ đưa đoàn đến quay tác phẩm" - nhà sản xuất Rahul Mittra, đến từ Ấn Độ, từng nhận định.
Ngoài lợi thế vẻ đẹp thiên nhiên ấn tượng, chi phí nhân công rẻ, điện ảnh Việt cần sớm có những chiến lược đồng bộ mới có thể hiện thực hóa kỳ vọng biến Việt Nam thành trường quay quốc tế.
Bình luận (0)