Trước đó, tức giận khi nghe tin anh rể đánh chị gái mình, người em dùng kéo đâm anh rể mấy nhát liền. Chỉ vì thương chị, trong người lại có chút hơi men nên không thể kiểm soát được hành vi, suýt chút nữa bị cáo đã đoạt mất một mạng người.
Sau vụ việc, anh rể bị cáo có gửi đơn đến cơ quan điều tra, đề nghị không khởi tố đối với em vợ. Nhưng bị cáo vẫn phải bị xử lý về hình sự theo quy định pháp luật. Vị kiểm sát viên kể lại, quá trình điều tra, hôm thực nghiệm hiện trường, anh rể và bị cáo cứ ôm nhau khóc miết, khiến những người làm nhiệm vụ không khỏi chạnh lòng xót xa.
“Khoe” chuyện đánh vợ
Gia đình bị cáo Hoàng Tiến (24 tuổi) ở mãi tận ngoài Quảng Trị. Để đến TAND TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) tham gia phiên tòa xét xử vụ án “cố ý gây thương tích” mà Tiến là bị cáo, cả gia đình phải rục rịch khăn gói đi từ lúc tinh mơ. Lúc vụ án xảy ra, Tiến bị tạm giam hơn 3 tháng thì được cho tại ngoại, giờ lếch thếch theo cha, chị gái và một vài người thân đến tòa.
Cha bị cáo Tiến tuổi xấp xỉ 60, dáng người rắn rỏi. Đằng sau ánh mắt cương nghị ẩn chứa nét buồn phiền, nỗi lo lắng của người cha trước sai lầm của con trẻ. Ông bảo vợ ông đang ốm, nên không cùng chồng và con trai đi dự khán. Hơn nữa, cũng tại bà là người mau nước mắt.
Sợ bà thấy con trai đứng nơi vành móng ngựa, không kìm lòng được mà khóc bù lu bù loa, rồi ảnh hưởng đến sức khỏe, nên ông nhất quyết không cho bà đi. Ngồi bên cạnh cha là chị gái Tiến, cũng là vợ của bị hại trong vụ án. Hôm nay chồng chị xin xử vắng mặt.
Sự việc đáng buồn xảy ra trong một cuộc nhậu. Lúc đó Tiến cùng anh rể và một số người bạn mỗi người uống gần chục chai bia. Trong người đã có hơi men, lại nghe anh rể “vô tư” kể lại chuyện mình đánh vợ. Trước đó Tiến đã thấy chị gái bị trầy xước ở vùng mắt, giờ lại nghe anh rể “ba hoa”, nên trong lòng rất giận. Hai anh em lời qua tiếng lại, dẫn đến cãi nhau to.
Vì anh rể cứ luôn miệng thách thức: “Mi đâm tau đi, mi đâm tau đi”, Tiến không kiềm chế được nên chạy vào nhà bếp của quán lấy cây kéo đâm nhiều nhát vào người anh rể, xuyên thủng lồng ngực trái, đứt sườn, xuyên thùy trên phổi trái, rách khoang màng tim, đứt nhánh thần kinh tay trái, đứt cơ đầu tay phải.
Anh rể Tiến ngã xuống bất tỉnh và được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu, phải nằm điều trị gần 1 tháng mới ra viện. Người anh rể may mắn thoát chết trong gang tấc, nhưng tổn hại sức khỏe lên đến 40%. Tiến bị bắt ngay sau đó.
Chị gái bị cáo vẫn còn rùng mình khi nhớ lại buổi tối kinh hoàng đó. Khi chị chạy đến bệnh viện, chồng chị nằm bất động trên giường bệnh. Lại hay tin em trai bị bắt, khiến chị rối bời, hoảng loạn. Một phần giận em vì hành xử dại dột, phần khác lại thương em vô cùng. Chị kể hai vợ chồng người ở Quảng Trị, người ở Đắk Lắk, nhưng lại cùng đến Huế học đại học.
Cả hai ở chung một khu trọ, yêu nhau từ những tháng ngày lui tới giảng đường. Ra trường liền kết hôn rồi ở lại Huế lập nghiệp. Vợ chồng trẻ, trong cuộc sống không tránh khỏi có lúc xảy ra mâu thuẫn. Những lúc vợ chồng tranh cãi lời qua tiếng lại, đôi khi nóng giận, chồng chị có “đụng đậy” tay chân.
Hôm đó người em trai ghé chơi, thấy chị mặt mày có trầy xước nên cứ gặng hỏi mãi, nhưng chị không dám nói thật. Hai chị em tâm sự một lúc. Người chị cảm thấy tủi thân, nên cứ ngồi khóc tu tu. Đến tối, chồng chị với Tiến đi nhậu.
Chị ở nhà mấy lần nhận được điện thoại của em trai, “xác minh” có hay không việc bị chồng đánh. Nghĩ em trai đã nhìn thấy vết trầy xước trên mặt, giờ chối cũng không được nên chị thừa nhận. Chị cũng bảo em trai về nhà rồi sẽ nói rõ mọi chuyện. Nhưng chị đâu ngờ.
Vị kiểm sát viên cho rằng, hôm đó chị gái bị cáo biết em trai đang uống bia cùng chồng mình. Lúc em trai liên tục gọi điện như thế, nếu người chị tinh ý để chạy đến quán nhậu gọi em về, thì có thể đã không xảy ra vụ án đau lòng trên. Thế nhưng, bây giờ có nói “giá như” ngàn lần, thì tất cả đã quá muộn.
Sau vụ việc, anh rể bị cáo có gửi đơn đến cơ quan điều tra, đề nghị không khởi tố đối với em vợ. Nhưng bị cáo vẫn phải bị xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật. Vị kiểm sát viên kể lại, quá trình điều tra, hôm thực nghiệm hiện trường, anh rể và bị cáo cứ ôm nhau khóc miết, khiến những người làm nhiệm vụ không khỏi chạnh lòng xót xa.
Hệ lụy nghiêm trọng
Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra ăn năn hối hận, thành khẩn khai nhận hành vi. Bị cáo cũng trình bày, vì nghe anh rể đánh chị gái nên bực tức, không làm chủ được. Vị hội thẩm nhân dân nghiêm khắc: “Hành vi bị cáo quá hung hăng, côn đồ. Việc của anh chị mình phải do anh chị tự giải quyết. Nếu có ý kiến, thì ba mẹ bị cáo ý kiến, đâu đến phiên bị cáo đứng ra giải quyết bằng cách đâm anh rể”.
Bị cáo cứ phân bua, bảo “do bia rượu”. Vị hội thẩm lại lắc đầu: “Bị cáo đừng đổ tại bia rượu. Bị cáo phải biết việc say xỉn chẳng đem lại kết quả tốt đẹp gì. Bao nhiêu vụ án đau lòng xảy ra cũng từ chuyện xay xỉn rượu bia. Bị cáo suýt chút nữa đã đoạt mất mạng sống của anh rể. Anh rể mình chết, thì chị mình mất chồng, cháu mình mất cha.
Bị cáo tất nhiên bị án tù rất nặng. Bây giờ tuy anh rể bị cáo thoát chết, nhưng thương tích 40%, sức khỏe giảm sút suốt đời. Lẽ ra anh rể bị cáo là trụ cột của gia đình, phải chăm lo cho vợ con, thì bây giờ chị gái bị cáo phải bươn chải, lo cho chồng, chăm cho con, gánh nặng càng thêm chất chồng. Hành vi sai trái của bị cáo, sẽ bị pháp luật trừng trị, nhưng lại để lại hậu quả nặng nề lên vai người thân suốt đời”.
Nghe từng lời phân tích của tòa, bị cáo đứng lặng mất một lúc. Chị gái bị cáo ngồi bên dưới, cứ bần thần nhìn em trai nơi vành móng ngựa. Chị kể lúc xảy ra chuyện, gia đình chồng cũng giận lắm. Nhưng cũng may sau đó mọi người đều thông cảm, tha thứ.
Bởi dù sao cũng là người một nhà. “Ba mẹ chồng em cứ thỉnh thoảng lại sốt ruột gọi điện hỏi, không biết nó (tức bị cáo) có được xử cho hưởng án treo không?”, người chị giọng rầu rầu. Người anh rể trước đây rất thương bị cáo, nên cũng không vì chuyện kia mà ghét bỏ em vợ.
Cha bị cáo bảo, trước nay con trai ông với con rể sống rất tình cảm.Mỗi lần lĩnh lương, người anh rể vẫn hay “dúi” cho bị cáo ít tiền tiêu, vì lúc đó bị cáo còn đang học nghề sửa chữa ô tô, chưa kiếm ra tiền. “Tui đâu có ngờ…”, ông thở dài ảo não. Chẳng ai ngờ, người thanh niên cao ráo, trắng trẻo, mặt mày hiền lành, khôi ngô ấy lại có thể cầm kéo đâm chồng của chị đến suýt chết.
Tòa hỏi bị cáo: “Mấy tháng ngồi trong nhà giam, bị cáo suy nghĩ thế nào?”. Bị cáo run run nói mình đã hối hận rất nhiều. Thời gian đầu mới vào trại, chẳng đêm nào bị cáo ngủ ngon giấc. Cứ nhắm mắt lại là thấy hình ảnh ảnh rể ngã xuống.
Bị cáo hoảng hốt thức giấc, trong lòng lo lắng không yên. Chỉ mong anh rể tai qua nạn khỏi. Có lẽ ông trời nghe được lời khẩn cầu của bị cáo. Cũng có thể vì anh rể phúc dày mạng lớn, mới thoát được cửa tử lần này. Giờ nghị án, thấy phóng viên tác nghiệp tại phiên tòa, bị cáo cứ quýnh quáng bảo: “Xin đừng chụp hình em”.
Bị cáo bị truy tố theo khoản 3, điều 104 Bộ luật Hình sự. Điều luật này quy định phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác, mà tỉ lệ thương tật từ 31% đến 60% và dùng hung khí nguy hiểm thì phạt tù từ 5 năm đến 15 năm. Tòa xem xét bị cáo có nhân thân tốt, bị hại xin giảm nhẹ cho bị cáo, bị cáo và bị hại là người trong một nhà… nên xử bị cáo mức án dưới khung hình phạt là 2 năm tù.
Dù bị cáo không được hưởng án treo, nhưng cả bị cáo lẫn người thân đều như trút được gánh nặng trong lòng bởi bị cáo đã nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Bị cáo Tiến bộc bạch: “Nghe tuyên án xong mà chân em vẫn còn run. Vừa sợ, vừa lo, nhưng cũng vừa mừng”./.
Bình luận (0)