Gây án vì 3 chỉ vàng "tiền công"
Cuối giờ làm việc buổi chiều cách đây hơn 10 năm, ngày 29-9-2006, có một gã đàn ông tuổi trung niên, dáng gầy gò khắc khổ, rụt rè bước vào trụ sở Công an phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh nói với sĩ quan cảnh sát trực ban: "Em là Cáp Trọng Việt, em đến đầu thú, cho em xin tờ giấy, cây bút để em viết bản tự khai…".
Phải tới hơn một giờ, gã đàn ông mới viết xong bản tự khai rùng rợn rồi gục đầu ngồi im lặng chờ đợi. Trong khi ấy, chỉ mới vừa đọc lướt qua những dòng chữ xiên vẹo của đối tượng, dường như không ai tin vào mắt mình, người sĩ quan trực ban Công an phường Giếng Đáy vội vã gọi gấp điện thoại về trực ban CATP Hải Phòng hỏi: "Ở Hải Phòng có vụ án nào mang tên Cáp Trọng Bình từ 20 năm trước không, chúng tôi đang giữ Cáp Trọng Việt ở đây…".
Cáp Trọng Việt
Gã đàn ông gầy gò khắc khổ đó không ai khác chính là Cáp Trọng Việt, sinh 1968, trú tại tổ 6, khu 5, phường Giếng Đáy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, kẻ đồng phạm tích cực với tên tội phạm đặc biệt nguy hiểm Cáp Trọng Bình trong vụ án sát hại cả gia đình anh Đỗ Thái Bình, gây rúng động dư luận thành phố Cảng cách đó đúng 2 thập kỷ.
Cáp Trọng Việt là anh em chú bác ruột với Cáp Trọng Bình, vốn là một thanh niên chơi bời lêu lổng, phá gia chi tử tại Quảng Ninh. Đầu năm 1987, Việt cuỗm của gia đình 63 nghìn đồng rồi bỏ nhà đi lang thang, ăn tiêu hết số tiền trên nên không dám quay về. Chiều ngày 12-3-1987, không còn chỗ nào để tá túc, Cáp Trọng Việt đến nhà Cáp Trọng Bình, định bụng vay tiền mang về trả nợ.
Biết được câu chuyện trên, lại đang nung nấu ý định sát hại cả nhà anh Đỗ Thái Bình nên Cáp Trọng Bình nghĩ ngay đến việc lôi kéo Việt cùng gây án với mình. Bình nói với Việt là cần Việt giúp "đánh dằn mặt" một người đang có mâu thuẫn. Xong việc, hắn sẽ trả công cho gã 3 chỉ vàng. Đang lúc "cơn đen vận túng", một xu dính túi không có, Việt nhắm mắt đồng ý ngay.
Chiều 14-3-1987, ngày xảy ra vụ thảm án, Cáp Trọng Việt đến nhà Cáp Trọng Bình thực hiện kế hoạch "đánh dằn mặt" anh Đỗ Thái Bình. 2 anh em Bình, Việt bàn nhau, khi anh Đỗ Thái Bình đến, mỗi tên sẽ cầm 1 thanh sắt (dùng để móc khuôn lốp) đánh anh Đỗ Thái Bình nhằm cướp xe máy của anh. Không mảy may biết được mưu đồ đen tối của chúng, anh Đỗ Thái Bình đi chiếc xe máy CD50, chở con gái xuống nhà Cáp Trọng Bình. Lợi dụng lúc anh Bình không để ý, Cáp Trọng Bình và Cáp Trọng Việt đi vòng ra phía sau dùng thanh sắt làm khuôn lốp vụt nhiều nhát vào làm nạn nhân ngã vật ra nền nhà. Cháu Linh sau đó bị Cáp Trọng Bình bế nhốt vào nhà ngang, nhẫn tâm sát hại.
Cáp Trọng Việt còn nhét giẻ vào miệng và lấy dây điện trói tay anh Bình lại, rồi lục soát người anh Bình lấy giấy tờ tùy thân, giấy tờ xe máy, thậm chí còn tháo cả đôi giày Adidas nạn nhân đang đi (sau này Cáp Trọng Bình mang đi bán được 200 đồng) và cùng anh họ khiêng xác anh Bình ném xuống giếng để phi tang.
Gây án xong, Cáp Trọng Bình hẹn Việt 3 ngày sau quay lại lấy 3 chỉ vàng "tiền công". Việt không nói gì, nhảy qua tường nhà Bình bỏ trốn…
Tuy nhiên, lưới trời lồng lộng, chỉ hơn 1 tuần sau khi gia đình anh Đỗ Thái Bình bị sát hại dã man, Cáp Trọng Bình đã bị bắt giữ. Ngày 23-4-1987, sau 1 tháng kể từ khi bị bắt, tên tội phạm mất hết tính người đã bị đưa ra trước vành móng ngựa trong phiên toà sơ thẩm lưu động thu hút hàng nghìn người tham dự ngay tại địa bàn gây án. Xét hành vi tội trạng, nhân thân và các tình tiết liên quan, TAND TP Hải Phòng đã tuyên phạt Cáp Trọng Bình tử hình về các tội giết người, cướp tài sản riêng công dân và bản án tử hình đối với hắn đã được thi hành chỉ vài tháng sau đó.
Riêng hành tung của tên đồng phạm Cáp Trọng Việt thì vẫn biệt vô âm tín…
Tội ác và trừng phạt
Ngay lập tức, Cáp Trọng Việt được di lý về Hải Phòng. Vụ trọng án khủng khiếp năm xưa được phục hồi điều tra. Sau một thời gian các cơ quan tố tụng ở Hải Phòng khẩn trương hoàn tất hồ sơ, ngày 16-8-2007, TAND thành phố đã mở phiên toà sơ thẩm hình sự, xét xử bị cáo Cáp Trọng Việt về tội giết người. Đứng trước vành móng ngựa, Cáp Trọng Việt khai nhận toàn bộ hành vi đồng phạm với tên anh họ Cáp Trọng Bình trong vụ sát hại cả gia đình anh Đỗ Thái Bình, trước đó gần 20 năm…
Tại thời điểm xảy ra vụ án Cáp Trọng Bình, sự liên quan của Cáp Trọng Việt chỉ được thể hiện duy nhất ở lời khai của một người. Người này cho biết, sáng 19-3-1987, có thấy Cáp Trọng Việt đến gặp Cáp Trọng Bình. Từ đó không ai nhìn thấy Cáp Trọng Việt ở đâu nữa.
Sự thật là, sau khi gây án cùng với Cáp Trọng Bình, Việt đến nhà ông Phạm Văn Tình, sinh năm 1945, ở tổ 15, khu B, phường Hùng Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, là người trước đây cùng làm công nhân Xí nghiệp ngói Giếng Đáy với Việt, kể lại tội ác tày đình của gã ở Hải Phòng rồi vội vã bắt xe khách trốn chạy vào các tỉnh phía Nam, tá túc ở các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai. Để che giấu thân phận, Việt đổi tên là Võ Văn Toàn, giả giọng nói Nam bộ và cậy cục xin đi làm "bạn" (thuỷ thủ đánh bắt hải sản) cho các chủ tàu đánh bắt hải sản xa bờ. Công việc của Việt hoàn toàn lênh đênh ngoài biển cả ở các ngư trường đến hàng tháng trời. Mỗi khi thuyền cập bến, Việt không dám lên bờ mà cứ ở lỳ dưới thuyền. Chính vì vậy, hành tung của Việt bị giấu kín, hầu như không ai biết thân phận thật sự của gã bạn chài bề ngoài có vẻ rất hiền lành, nhút nhát này.
Điều đáng nói, với bỏ bọc tạo được kỹ càng như vậy, hầu như công an rất khó truy tìm nhưng Việt lại bị một nỗi ám ảnh khác luôn dày vò, cắn rứt lương tâm. Cáp Trọng Việt khai trước toà, kể từ sau khi gây án, không đêm nào Việt có được giấc ngủ ngon, cứ nhắm mắt lại là hình ảnh những nạn nhân lại hiện về gào khóc đòi mạng, làm cho tâm trí của gã không được yên ổn. Một chi tiết mà phải ngần ngừ mãi, Cáp Trọng Việt mới dám thú nhận. Đó là vì sợ bị quả báo, trong suốt thời gian lẩn trốn kéo dài đến 19 năm, dù chưa bị phát hiện nhưng Cáp Trọng Việt không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình, lấy vợ sinh con, bởi sợ "nghiệp chướng" mà gã gây ra sẽ đổ lên đầu người thân của mình.
Đến giữa năm 2006, Cáp Trọng Việt nhận được thư của bố đẻ là ông Cáp Trọng Dần. Trong thư gửi con trai, ông Dần viết: "Việt ơi, bố ốm nặng lắm rồi, nếu mày không ra đầu thú thì bố chết không nhắm được mắt, con ơi!". Chính vì sợ quả báo sẽ rơi xuống người cha tội nghiệp, sau nhiều đêm nằm suy nghĩ trên thuyền, Việt quyết định quay về quê cũ, đến Công an phường Giếng Đáy đầu thú nhận tội.
Còn nhớ, khi được nói lời sau cùng trước khi toà nghị án, Cáp Trọng Việt thú nhận: "Tôi về đầu thú để trả món nợ đời đã gây ra cho gia đình anh Đỗ Thái Bình. Giờ đây, đứng trước vành móng ngựa để trả giá cho tội lỗi 19 năm trước, tôi thấy mình thanh thản, không còn gì day dứt, ân hận, toà xử thế nào, tôi cũng chấp nhận".
Sau khi xem xét hành vi phạm tội, nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ đầu thú, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Cáp Trọng Việt tù chung thân về tội giết người. Âu đó cũng là cái giá tương xứng mà Cáp Trọng Việt phải nhận, đủ để y sám hối trong suốt quãng đời còn lại…
Bình luận (0)