Sáng 2-4-2018, tôi nhận một cuộc điện thoại báo tin, đầu dây bên kia tỏ ra thận trọng, nhưng vẫn toát lên điều gì đó khá… nghiêm trọng: "Nếu sắp xếp được, hãy đến ngay! Có việc này khá đặc biệt…".
Cuộc điện thoại báo tin và một câu chuyện giật mình
Tôi hiểu khá rõ nguồn tin này, nên việc nhấn mạnh vào yếu tố “khá đặc biệt” khiến tôi lập tức gác lại mọi việc để tới ngay điểm hẹn. Đến nơi, nguồn tin cung cấp những chi tiết đáng chú ý của sự việc: Một bé trai mới 13 tuổi ở Mỹ Đức (Hà Nội) khai bị đối tượng bất hảo ở địa phương cho ăn “bánh mì lạ” dẫn tới tình trạng u mê, rồi bị dẫn về bến xe Mỹ Đình và rơi vào tay nhóm 3 kẻ lạ. Nhóm này đã dùng vũ lực chích ma túy vào tay cháu. Sau đó, trên đường trốn chạy, cháu lại rơi vào tay một kẻ lái xe ôm và bị lạm dụng tình dục…
Nguồn tin tỏ ra có đôi chút e ngại, vì mới chỉ kiểm chứng được một phần sự việc, trong tổng thể vụ việc được mô tả vô cùng nghiêm trọng đó. Để làm rõ mọi thứ, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng, và đó là lý do nguồn tin gửi gắm PV Báo ANTĐ và các đơn vị chuyên môn của CATP Hà Nội.
Tôi gặp nhân vật ngay sau đó để ghi nhận cụ thể. Vì nhân vật là một bé trai còn nhỏ tuổi, tôi đề nghị phải có bố của bé ở cạnh để đảm bảo mọi nguyên tắc làm việc. Địa điểm ghi nhận ban đầu là ở chiếc bàn đá nằm trong góc sân…
“Con đừng sợ gì cả! Cứ bình tĩnh mà nhớ lại mọi việc. Chú ấy là nhà báo của Báo An ninh Thủ đô, báo của Công an Hà Nội đấy! Con phải nói thật, nói rõ mọi thứ, con sẽ được bảo vệ!”, bố của bé lặp lại những lời động viên này tới hai lần, khi bắt đầu cuộc trò chuyện.
Dù đó là lời động viên dành cho bé trai, bất giác những lời đó khiến tôi có cảm giác ấm lòng và đôi chút tự hào, rất khó tả! Họ - những người tôi chưa từng gặp trước đây – dành sự tin tưởng và hy vọng lớn lao vào tờ báo mà tôi đang công tác, đó là thứ niềm tin quý báu mà có lẽ chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được nó giá trị như thế nào…
PV Báo ANTĐ được gia đình cháu bé tin tưởng cung cấp thông tin sự việc
Rồi cháu bé bắt đầu kể, lúc rành mạch, lúc ngần ngừ, về sự việc mà cháu đã phải trải qua. Mỗi chi tiết hãi hùng xuất hiện, tôi để ý thấy dù vẻ mặt người bố không có nhiều thay đổi, song ánh mắt anh đanh lại, vừa như để kìm đau đớn khi nghe những điều bất hạnh mà con mình phải chịu đựng, vừa nén cơn phẫn nộ đang cuộn lên trong lòng. Điều đó càng khiến tôi cảm thông và tự dặn lòng phải cố hết sức để hỗ trợ bố con họ, trong hoàn cảnh rối ren và không biết bám víu vào đâu.
Khi kể tới đoạn “cháu bị người đàn ông đó… ‘ấy’”, bé trai khựng lại, rảo mắt một vòng như muốn tin rằng không ai có thể nghe được câu chuyện của cháu, ngoại trừ bố và “chú nhà báo”. Lập tức, tôi phải bảo cháu dừng lại, và cố gắng mượn một căn phòng riêng trong khu vực để việc trao đổi được rõ ràng hơn…
Bằng một số biện pháp nghiệp vụ, tôi đã nhận thấy có vài chi tiết phi logic trong câu chuyện hãi hùng mà bé trai kể lại. Tuy nhiên, khi đánh giá nhanh tại chỗ, tôi nhận thấy bất kể phần nội dung nào của câu chuyện được xác minh là có thật, thì sự việc cũng đều nghiêm trọng.
Khi gọi điện báo cáo chỉ huy đơn vị, tôi nhận lệnh: Bám sát sự việc, đồng thời trình báo khẩn cấp tới Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) của Công an Thành phố Hà Nội!
Tôi còn nhớ như in lúc đó đã là 12 giờ trưa, không khí trầm lặng hơn trong khuôn viên Phòng CSHS ở số 7 phố Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng). Sau khi nghe thông tin cấp báo, đích thân Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng CSHS – đã dẫn tôi vào làm việc tại Đội Trọng án, với lời nhắn nhủ “chúng tôi sẽ làm hết sức mình!”
Lãnh đạo Đội trọng án lập tức ghi nhận mọi chi tiết, và ngay chiều hôm đó, cán bộ điều tra của Đội đã đến gặp bé trai để tìm hiểu thêm. Vụ việc được giao cho Trung úy D. (vì lý do nhạy cảm, tên của cán bộ được đặt ẩn danh trong bài). Đây là một trong những điều tra viên dày dặn kinh nghiệm của đơn vị.
Hành trình điều tra, xác minh để tìm ra chân tướng sự việc
Sau khi ghi nhận lời khai, Trung úy D. báo cáo lãnh đạo Đội Trọng án, và được chỉ đạo: Phối hợp với các đơn vị Công an huyện Mỹ Đức, Công an quận Nam Từ Liêm và Công an quận Cầu Giấy để nhanh chóng xác minh, điều tra cụ thể!
Lãnh đạo Đội Trọng án khi đó nhận định: Chi tiết nhóm người lạ dùng vũ lực chích ma túy vào tay cháu trai 13 tuổi là nhạy cảm và nguy hiểm nhất, nên được ưu tiên dồn lực lượng xác minh. Cháu bé đã được các chiến sĩ CSHS đưa đi tìm “ngôi nhà đang xây dựng dở” như lời khai, ở phố Trần Bình, gần bến xe Mỹ Đình, song không thấy.
Đầu mối tiếp theo được các điều tra viên truy xét là đối tượng tên Trường – người mà cháu bé khai đã cho cháu ăn “bánh mì lạ”, dẫn tới tình trạng mất ý thức, và giao cháu cho nhóm 3 kẻ lạ. Dựa vào chi tiết “Trường mặc áo đồng phục của một trường THCS trên địa bàn huyện Mỹ Đức” như lời cháu bé, cán bộ điều tra đã tìm về địa phương, tiến hành rà soát và lập ra danh sách 4 gương mặt có tên Trường như mô tả.
Tuy nhiên, bé trai sau đó đều cho biết không có ai trong danh sách trên là đối tượng Trường từng dẫn dụ cháu. Điều này khiến điều tra viên bắt đầu nghĩ tới khả năng lời khai của cháu bé về nhóm “kẻ lạ” là không chính xác…
Trung úy D. (ngoài cùng, bên phải) ghi nhận lời khai của cháu bé
Sau đó, cán bộ điều tra tiếp tục dùng biện pháp nghiệp vụ để rà soát các đối tượng có nhận dạng giống Trường nhất tại địa phương, nhưng vẫn không có ai được bé trai xác định là đối tượng đã lừa đảo cháu.
Một chi tiết đáng chú ý xuất hiện, là khi điều tra viên ghi nhận thông tin của nhân viên trông xe tại bãi gửi xe ở huyện Mỹ Đức. Người này cho biết đã gặp cháu bé nói trên, và nhận xe đạp của cháu. “Khi ấy, ‘nó’ (tức bé trai 13 tuổi - PV) đi một mình, không có ai đi cùng, và đã gửi xe vào đây, rồi lên xe đi hướng bến xe Mỹ Đình!”, nhân viên này chia sẻ với cán bộ điều tra.
Trong buổi làm việc sau đó với bé trai, với sự có mặt của mẹ cháu, cán bộ điều tra đã hỏi lại sự việc, dựa trên những chứng cứ thu thập được, và đến lúc đó, cháu mới thú nhận… không có đối tượng Trường nào cả, và cũng không có chuyện 3 kẻ lạ giữ cháu ở bến xe Mỹ Đình, rồi chích ma túy vào tay… Sự thật đã được làm sáng tỏ một phần! Sở dĩ cháu bé khai như vậy là vì sợ bố đánh, mắng, sau khi cháu bỏ nhà đi vì bị mẹ quát…
Khi tiếp tục tiến hành xác minh lời khai cháu bị một người lái xe ôm ở bến xe Mỹ Đình lạm dụng tình dục, cán bộ điều tra nhận thấy sự việc này có cơ sở. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã nhanh chóng xác định được đối tượng, và mời người này lên làm việc.
Trung úy D. nhớ lại, quá trình đấu tranh với người lái xe ôm đó vô cùng tỉ mỉ, bởi đây là một trong những vụ lạm dụng tình dục bé trai đầu tiên mà các anh xử lý.
Theo cán bộ điều tra dày dặn kinh nghiệm này, dù đã lạm dụng tình dục đồng tính đối với trẻ nhỏ, song khi phải đối mặt với những câu hỏi từ “người lạ”, đối tượng thường tỏ ra rất e ngại, mặc cảm và xấu hổ về hành vi của mình, nên việc đấu tranh gặp những khó khăn đáng kể.
Khi đó, thay vì hỏi trên tư cách của một điều tra viên, Trung úy D. đã ngồi tâm sự và động viên đối tượng, để những điều dù khó nói cũng thành dễ chia sẻ hơn rất nhiều… Và sau đó, đối tượng đã thừa nhận hành vi sai trái của mình đối với bé trai 13 tuổi ở Mỹ Đức. Vì quá ám ảnh sau đêm bị lạm dụng, cháu bé đã rơi vào trạng thái lơ mơ, thiếu tỉnh táo, và cần tới sự chăm sóc của bác sĩ sau đó…
Sự việc khép lại, các điều tra viên của Phòng CSHS tiếp tục bắt tay vào làm sáng tỏ những vụ án khác, để mang lại niềm tin và sự bình yên cho người dân. Cá nhân tôi cũng vậy, lại tiếp tục cầm bút mải miết trên đường, để góp phần giữ vững niềm tin mà rất nhiều độc giả đã, đang và sẽ dành cho tờ báo của Công an Thành phố Hà Nội, tờ báo vốn đã xây dựng được một thương hiệu rất riêng!
Bình luận (0)